Mùa nắng nóng: 'Nóng' với ngộ độc thực phẩm

Thứ Tư, 20/04/2016 12:25  | Ngô Đồng

|

(CAO) Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cho biết, từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, làm khoảng hơn 160 người mắc phải. Mùa nắng nóng, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao.

Theo bác sĩ Mai, trong 5 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, có một trường hợp là hộ gia đình đi ăn tiệc cưới và bị ngộ độc.

"Nhiệt độ nắng nóng là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển mạnh với cấp số nhân, nhanh gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. Do đó, đây là mùa cao điểm của ngộ độc thực phẩm", bác sĩ Mai nhận định.

Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm cũng chưa an toàn do nhiễm hóa chất càng là tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, như việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong thịt lợn, thịt gà, thủy sản nuôi,...

Chưa kể, khi thực phẩm đến các chợ, nhiều tiểu thương đã ướp hóa chất vào lượng thực phẩm còn tồn lại của buổi sáng để bán ở chợ chiều nhằm hạn chế tối đa quá trình phân hủy của thực phẩm trong mùa nóng càng khiến nguy cơ ngộ độc thực phẩ tăng cao.

Tại các cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp, trường học nếu thực phẩm nhiễm bẩn sẽ gây ra ngộ độc hàng loạt

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM cảnh báo, thời tiết nắng nóng như hiện nay, sức khỏe con người có phần giảm sút so với các mùa có nhiệt độ thấp hơn. Khi tiếp xúc với thực phẩm nhiễm vi khuẩn, nhiễm hóa chất sẽ dễ dàng bị ngộ độc thực phẩm.

"Đáng lo ngại là với các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp các suất ăn sẵn, việc chế biến một số lượng lớn, đa dạng, khó kiểm soát, cùng với quá trình vận chuyển đến người tiêu dùng trong điều kiện thời tiết oi bức, thì nguy cơ nhiễn khuẩn rất dễ xảy ra. Tại các cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp, trường học nếu thực phẩm nhiễm bẩn sẽ gây ra ngộ độc hàng loạt", bác sĩ Mai nói.

Theo các nhà chuyên môn về y tế, trên 47% ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học là do vi sinh vật (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng), hơn 5% do độc tố tự nhiên (histamine trong cá, độc tố trong nấm), trên 5% do hóa chất bảo vệ thực vật và hơn 42% chưa xác định được căn nguyên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai khuyến cáo, để tránh sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo, người tiêu dùng nên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng, nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để tránh ăn phải các loại thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên.

Trong trường hợp phát hiện các sản phẩm sai phạm, cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, ngăn chặn nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường.

Triển khai Tháng hành động về An toàn thực phẩm năm 2016

Sáng 20-4, TP.HCM đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh thực phẩm tại CoopMart, huyện Củ Chi.

Tháng hành động có chủ đề: "Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn" trên toàn thành phố.

Tháng hành động nhằm mục đích đẩy mạnh chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệ của nhà quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, Công an TP.HCM cùng các cơ quan chức năng tăng cường cong tác thanh kiể tra bảo đả an toàn thực phẩm rau, thịt tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là tại các chợ đầu mối, nơi cung ứng rau, thịt, nông sản,... nhằm giả thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất an toàn hiện nay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang