Nhu cầu tiêu dùng mùa Tết tăng cao là cơ hội cho thực phẩm bẩn, nếu không kiểm soát chặt thì người tiêu dùng lãnh đủ.
Những vụ vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn với số lượng và tần suất dày đặc những ngày cuối năm càng khiến không ít người bất an với mâm cơm ngày tết.
Hốt bạc từ thực phẩm bẩn...
Vào thời khắc chuyển giao sang năm mới dương lịch 2016, trên chiếc xe giường nằm chạy liên tỉnh, Trạm kiểm dịch thú y Thủ Đức phát hiện gần 200 con heo sữa đựng trong những bao tải lớn giấu ở hầm xe còn nguyên nội tạng, đã trương sình, rỉ dịch kèm mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Cơ quan chức năng đã ngăn chặn số heo sữa "thối" sắp được lên bàn ăn dịp đầu năm. Ảnh: baogiaothong.vn
Tài xế Lê Minh Điệp đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến lô hàng. Điệp khai báo chở thuê cho một người từ huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Tài xế Điệp cũng cho biết, số heo sữa này sẽ được đưa giao vào một nhà hàng để... đãi khách.
Chẳng ai nghĩ số heo này lại là thực phẩm dành cho người. Điểm đến của chúng là những lò quay phục vụ các nhà hàng, quán ăn… Không biết chừng, đã có không ít người đi dự các buỗi tiệc năm mới cũng xơi phải món heo quay làm từ loại nguyên liệu này.
Với giá thị trường hiện nay, sau khi gia giảm, quay vàng ươm, mỗi chú heo thối được bán năm bảy trăm, thậm chí cả triệu đồng.
Hay như trước đó, ngày 13-11-2015, Chi Cục Thú y TP.HCM phát hiện cơ sở của ông Trần Xuân Quang (phường 15, Q.Bình Thạnh) kinh doanh động vật trái phép từ Nam Định chuyển vào bằng xe khách, trên các thùng ghi chi chít chữ Trung Quốc. Tang vật gồm 1.202kg vú heo không giấy kiểm dịch.
Mới đây nhất, ngày 8-1-2016, Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp kiểm tra tuyến quốc lộ 1A phát hiện ông Lê Văn Măng vận chuyển 27 thùng xốp trong xe tải. Kiểm tra phát hiện toàn bộ lô hàng là nậm vú heo đông lạnh, với tổng khối lượng là 1.200kg. Điều đáng nói là lô hàng không có giấy kiểm dịch.
Nếu không được phát hiện và tiêu hủy, biết đâu số các số hàng trên sẽ được "hô biến" thành những món đặc sản như vú dê, thịt rừng…
Một đĩa vú dê ở quán nhậu có giá chừng 35.000 - 40.000 đồng, có thể đó chính là vú heo nái hư hỏng nhập từ Trung Quốc.
Tại buổi họp tổng kết ở TP.HCM, ông Huỳnh Tấn Phát, Chi cục phó Chi cục thú y TP.HCM, khẳng định: nậm heo giả nậm dê đang là sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lớn nhất hiện nay thuộc ngành nông nghiệp quản lý. Trong một tháng qua, cơ quan thú y TP.HCM đã phát hiện 3 vụ vận chuyển, kinh doanh nậm từ Trung Quốc về với số lượng hơn 4 tấn.
“Việc bảo quản không phải bằng xe lạnh chuyên dụng nhưng vẫn không hư hỏng, chứng tỏ đã được tẩm ướp những loại hóa chất độc hại, ông Phát nói.
Bẩn, nhưng nậm heo từ Trung Quốc từ giá nhập chỉ vài chục ngàn đồng/kg khi về đến TP.HCM bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu lên tới 160.000-170.000 đồng/kg. Thực khách khó có thể biết được mình đã bỏ ra số tiền lớn để nạp vào dạ dày thứ thực phẩm mà chất lượng của chúng không thể… dùng cho người.
Tội ác cũng từ thực phẩm bẩn
Không khó để “hô biến” những thứ thịt hôi thối thành thực phẩm thơm ngon vì những loại hóa chất tẩy mùi, tạo mùi, tạo hương liệu, gia vị… đang bán nhan nhản ở chợ Kim Biên, quận 5. Nguồn gốc của chúng thì ai ai cũng biết là từ Trung Quốc.
Những loại hóa chất tẩy mùi, tạo mùi, tạo hương liệu, gia vị… đang bán nhan nhản ở chợ Kim Biên, quận 5. Ảnh: Ngô Đồng
Bên cạnh chuyện gian lận “treo đầu dê bán thịt chó” của những người buôn bán thứ thực phẩm thối, thì thứ thực phẩm mà họ bán ra thị trường là tội ác thật sự.
Bởi, chỉ cần một lô hàng thịt heo thối, thịt gà thối, thịt dê thối… được tẩm ướp bằng các loại hóa chất gây nguy hại đến sức khỏe bán trót lọt ra thị trường là có hàng trăm, hàng ngàn người sử dụng.
Với những thứ thực phẩm tưởng chừng như rác thải, chỉ có thể đổ bỏ nhưng người ta vẫn nhẫn tâm kinh doanh, đem bán cho chính đồng loại của mình ăn. Nếu không gây ngộ độc thực phẩm tức thì thì chúng cũng là mầm mống của bao căn bệnh nguy hiểm, như ung thư. Những loại thực phẩm bẩn tẩm hóa chất chẳng khác nào là thứ vũ khí giết người hàng loạt thầm lặng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, hiện TP có trên 8 triệu dân và 2 triệu khách vãng lai nên nhu cầu tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc động vật rất lớn. Bình quân mỗi ngày TP tiêu thụ 1.000 - 1.200 tấn sản phẩm động vật, bao gồm 8.000 -10.000 con heo, 750 - 850 con trâu bò, 120.000 - 130.000 con gia cầm và trên 200 tấn sản phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Trong khi đó, hiện nay TP chỉ đáp ứng được 18-20% nhu cầu tiêu thụ của người dân TP. Số còn lại là nhập từ các tỉnh về. Do đó, việc phối hợp với các tỉnh, thành kiểm soát tốt nguồn sản phẩm cung cấp cho thị trường rất quan trọng vì nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân TP.
Có thể nói, mâm cơm của người Việt sạch chừng nào cũng tùy thuộc vào nhiều yếu tố: Kiểm soát tốt, người kinh doanh có đạo đức, người tiêu dùng biết lựa chọn,... Thôi thì, người Việt cũng chỉ đành chặc lưỡi: đến lúc phát bệnh thì cũng chuẩn bị “đóng nắp” rồi…
Chi Cục Thú y TP.HCM cho biết, trong năm 2015, các đơn vị đã phối hợp với các Ban ngành chức năng phát hiện và xử lý 273 trường hợp kinh doanh sản phẩm động vật không đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Tang vật: 12 con và 7.386kg thịt heo; 10.476kg phụ phẩm heo; 4.388 kg thịt và 744kg phụ phẩm bò; 9 con và 133kg thịt chó; 175 con và 745kg thịt dê; 115kg phụ phẩm dê; 1 con bê; 97 con và 140kg heo sữa; 1.696kg sản phẩm đông lạnh; 12 con và 77kg thịt thỏ; 2.670kg sản phẩm chế biến.