(CAO) Tại TP.HCM, thức ăn đường phố đã trở thành nét văn hóa đặc thù với số đông người sử dụng. Tiện lợi, nhanh, giá rẻ… Tuy nhiên vấn đề sạch cũng rất đáng báo động.
Không cần đi đâu xa, dạo một vòng buổi sáng vài con đường ngay tại Q.1 TP.HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du, Hai Bà Trung,… cũng có thể thấy rất đông người dân, chủ yếu là bạn trẻ lựa chọn thức ăn đường phố.
Tuy nhiên những quán ăn di động này rất nhếch nhác, thức ăn không được che chắn kỹ lưỡng nên bụi bẩn từ đường phố, xe máy, gió bụi bám vào rất khó tránh khỏi.
Ghi nhận tại một quán cơm bình dân trên vỉa hè đối diện công viên 23-9, thức ăn được bày lộ thiên trên một chiếc bàn sắt, xung quanh là nồi cơm, nồi canh, bếp than… và các loại xe cộ chạy ầm ầm ngay bên cạnh, cuốn theo đủ loại bụi đất. Chỉ có 2-3 xô nước vừa để rửa và tráng hàng trăm chén, đĩa trong một buổi bán hàng.
Một quán cơm bình dân trên vỉa hè đối diện công viên 23-9
Tương tự, một quán cơm trên đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3 rửa chén bát ngay trên một hố ga đầy rác rất mất vệ sinh.
Theo ghi nhận, hầu hết các quán đều rơi vào cảnh thiếu nước vệ sinh, chủ quán không cần dùng găng tay, không cần đeo tạp dề hay khẩu trang, chỗ đặt thức ăn cho khách là chiếc ghế thấp tè giống với ghế ngồi của khách.
Hầu hết các quán đều rơi vào cảnh thiếu nước vệ sinh
Phần lớn khách hàng của loại đồ ăn nhanh này là học sinh, sinh viên và người lao động nghèo, có thu nhập thấp.
Dù biết là thức ăn đường phố vệ sinh kém, chế biến gần cống rãnh bẩn thỉu nhưng vì giá phù hợp, tiện lợi nên nhiều người vẫn coi thức ăn đường phố là bạn.
Rửa chén ngay tại hố ga trông rất nhếch nhác
Hầu hết các quán thức ăn vỉa hè ngẫu nhiên mà chúng tôi ghi nhận đều chưa đảm bảo vệ sinh; trong khi đó, những quán ăn được chọn làm mô hình kinh doanh thức ăn đường phố điểm (tại 2 phường: phường 2, quận 3 và phường An Lạc A, quận Bình Tân) cũng còn nhiều điểm đáng bàn.
Mặc dù hầu hết các quán thức ăn đường phố điểm đều đạt các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh. Tuy nhiên, cũng chưa được trọn vẹn.
Vẫn còn khoảng 7% nơi kinh doanh chưa được sạch, chưa cách biệt với nguồn ơ nhiễm (cống rãnh, rác thải, nơi bày bán gia sức, gia cầm,...), 4% thức ăn đường phố tại các nơi được chọn làm điểm vẫn chưa được che đậy, chưa chống được ruồi, bụi bẩn, nắng, mưa và các loại côn trùng khác.
Ngoài ra, có gần 15% người kinh doanh thức ăn đường phố không được khám sức khỏe định kì.
|
Ths bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi Cục phó Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM) cho biết:
Hiện nay, người kinh doanh thức ăn đường phố đa số đều có thu nhập thấp, chưa được trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm đầy đủ. Đáng lưu ý là họ chưa có ý thức trong việc thực hiện đúng các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
|
Trên địa bàn TP.HCM có hơn 20.000 cơ sở đăng kí kinh doanh thức ăn đường phố. Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay rất khó kiểm soát do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động, người kinh doanh thường thiếu kiến thức và thực hành an toàn thực phẩm.
Đại diện lãnh đạo Phường An Lạc A (quận Bình Tân) thừa nhận, đối với các trường hợp kinh doanh nhỏ lẻ, hàng rong, buôn bán lưu động công tác xử lý hiện nay chủ yếu là nhắc nhở. Tình trạng các xe đẩy bán hàng rong ở các cổng trường từ nơi khác đến địa phương rất khó quản lý vì họ buôn bán không cố định thời gian, địa điểm.
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, mặc dù số vụ ngộ độc thực phẩm hiện tuy có giảm nhưng vẫn còn xảy ra.
Thức ăn vỉa hè luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh vì không đảm bảo ATVSTP. Tác nhân chính gây ô nhiễm thức ăn đường phố thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước để chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn ngày một nhiều hơn, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến, đặc biệt là trọng bệnh ung thư.
Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bài trừ những loại thức ăn đường phố mất an toàn vệ sinh không chỉ phụ thuộc vào việc kiểm soát chặt của cơ quan chức năng, mà còn phụ thuộc vào người tiêu dùng biết nâng cao cảnh giác, nói “không” với những loại thức ăn kém an toàn này.