Thịt chó: Thơm, thối trên bàn nhậu

Thứ Ba, 02/06/2015 15:44  | Ngô Đồng

|

(CAO) Được bày bán tràn lan ngoài đường, lượng tiêu thụ nhiều nhưng thịt chó đang thoát khỏi quy định kiểm dịch, kiểm soát giết mổ vì không được coi là thực phẩm.

Tại TP.HCM, “chợ” thịt chó sống hình thành tự phát trên khá nhiều tuyến đường như: Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chợ Xóm Mới (Q. Gò Vấp), chợ Bình Triệu (Q.Thủ Đức)... Các quán chuyên bán thịt chó làm mồi nhậu cũng mọc lên nhan nhản ở các tuyến đường như Cống Quỳnh (quận 1), Khu vực gần sân bay Tân Sơn Nhất, Trần Não (quận 2), Lũy Bán Bích (Tân Phú)...

Những con chó được giết mổ, cắt bỏ đầu và xẻ làm đôi ngang bụng để la liệt dưới nền gạch của quán thịt chó trong con hẻm trên đường Cống Quỳnh (Q.1). Ảnh: Ngô Đồng

Nguy cơ mất mạng vì thịt chó

Ngày cuối tuần, tại một quán trong con hẻm trên đường Cống Quỳnh, mới 9 giờ sáng nhưng những con chó được giết mổ, cắt bỏ đầu và xẻ làm đôi ngang bụng để la liệt dưới nền gạch của quán. Nhân viên dùng nước xối rửa, nước chảy lênh láng ra mặt đường. Trong quán đã vài nhóm thực khách đang ngồi chờ....

Tương tự, ghi nhận tại một quán thịt chó khu sân bay Tân Sơn Nhất, một ngày quán này bán hết 2-3 con. Hỏi nguồn gốc chó, cũng như thịt chó được kiểm dịch chưa, chủ quán chỉ ậm ừ cho qua mà không giải thích rõ ràng.

Theo tìm hiểu, một đầu mối cung cấp thịt chó tại chợ Bình Triệu cho biết, không có cách nào phân biệt chó khỏe mạnh hay bệnh tật, chó dại hay chó ghẻ, bị giết thịt lúc đang còn sống hay dính bả rồi chết, vì chó sau khi làm lông, thui da thì con nào cũng như con nào.

Cũng theo người này, chó được nhập về từ các tỉnh. Tuy nhiên, mùa này mưa nên hiếm có hàng. Ngoài chó lồng (chó nuôi lấy thịt), nguồn chó cung cấp trên thị trường hiện nay còn có chó bị bắt trộm, bị đánh bả, chó bệnh chết,… Nhiều con bị ghẻ lở, nhưng sau khi cạo lông, bôi phẩm vàng đem trui lửa vàng ươm thì khách mua khó có thể phân biệt được.

Người này cho biết thêm, không phải chó chết rồi thịt sẽ hư, ít nhất phải sau 8 tiếng đồng hồ thịt mới bị hôi thiu. Do đó, nếu các quán lấy chó chết về, vẫn có thể chế biến bình thường. Hơn nữa, nấu thịt chó toàn dùng gia vị mạnh và nhiệt độ cao nên rất dễ mất mùi, người ăn khó nhận biết.

Trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, ngã 3 Ông Tạ), mới 10 giờ sáng ngày 31-5, nhưng các sạp thịt chó tấp nập người ra kẻ vào mua. Theo ghi nhận, tại khu vực này hiện có đến 4-5 sạp cung cấp thịt chó sỉ và lẻ. Khi chúng tôi hỏi mua, một sạp thịt chó lôi ra một con chó loại 3kg được cạo sạch lông, cắt chân, mổ bụng. Vừa đặt con chó lên bàn, bà này phân trần: “Hàng này khỏi chê, là hàng lồng từ Tây Ninh”.

Thị trường thịt chó sôi động tại “chợ” thịt chó Phạm Văn Hai (ngã 3 Ông Tạ). Ảnh: Ngô Đồng

Khi chúng tôi hỏi làm sao biết hàng lồng hay hàng trộm, không rõ nguồn gốc. Bà này giải thích: “Hàng lồng thịt da chó hồng hào, còn hàng trộm bị chích điện hay bị thuốc, da trắng bệch”.

Thị trường thả nổi

Được bày bán tràn lan ngoài đường, lượng tiêu thụ nhiều nhưng thịt chó đang thoát khỏi quy định kiểm dịch, kiểm soát giết mổ vì không được coi là thực phẩm.

Theo quyết định 87/2005/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật thì quyết định này chỉ áp dụng cho trâu, bò, dê, cừu, heo, gia cầm; riêng thịt chó thì không.

Nguyên nhân chưa ban hành quy trình kiểm soát giết mổ chó xuất phát từ việc nhiều tổ chức trên thế giới phản đối việc giết mổ chó lấy thịt làm thực phẩm. Ngay cả một số quốc gia trong khu vực sử dụng nhiều thịt chó cũng không thể ban hành quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chó. Do vậy, các lò giết mổ và điểm kinh doanh thịt chó ở ta luôn ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y, y tế.

Theo tiết lộ của một nhân viên y tế tại TP.HCM, có quận có đến 6 lò giết mổ chó nhưng cơ quan thú y hoàn toàn không biết nguồn chó nhập từ đâu, số lượng giết mổ mỗi ngày.

Ngộ độc, dịch bệnh: Ai chịu trách nhiệm?

Thực tế trái khoáy là dù thịt chó không được coi là thực phẩm thì nó vẫn được bày bán ngoài chợ, trên mạng và xuất hiện công khai tại các quán ăn. Do vậy, nhiều câu hỏi đặt ra là khi xảy ra ngộ độc, dịch bệnh ai sẽ chịu trách nhiệm?.

Theo các chuyên gia y tế, thịt chó sinh năng lượng cao; tuy nhiên có tính nhiệt nên dễ gây nóng, khó tiêu, chướng bụng. Thường xuyên ăn thịt chó trong thời gian dài, cơ thể khó tiêu hóa, thận, gan làm việc không đáp ứng được nên dễ mắc các bệnh về gan như xơ gan hay suy thận, gout. Người ăn thịt chó không được kiểm duyệt vệ sinh sẽ có nguy cơ nhiễm sán dải chó và ấu trùng sán dải chó cực kỳ nguy hiểm.

Ngoài ra, do không biết được nguồn gốc, xuất xứ cũng như không được kiểm dịch nên thịt chó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác. Bả chó được làm bằng nhiều nguồn chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc chuột. Khi chó trúng bả, sẽ có lượng chất độc vào máu của chúng, đem chế biến không loại trừ được hết các chất này. Độc tố sẽ tác động tiêu cực tới cơ thể người ăn, phản ứng nhẹ sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, gia tăng bài tiết, nặng có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Chó cũng có thể mắc bệnh dại, căn bệnh rất nguy hiểm. Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, trong năm 2014 ghi nhận 5 ca tử vong do bệnh dại tại các tỉnh Đồng Nai (2 ca), Tây Ninh (1 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 ca) và Kiên Giang (1 ca).

Do không có căn cứ nên người dân khó được bảo vệ trước pháp luật nếu bị ngộ độc thịt chó không rõ nguồn gốc. Nếu ăn thịt chó mà bị ngộ độc thì người tiêu dùng có thể khởi kiện và người bán thịt chó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, muốn được bảo vệ quyền lợi thì người bị ngộ độc phải chứng minh được là đã ăn thịt chó do ai bán, tại quán nào, phải có hóa đơn chứng từ.

Việt Nam là một trong những nước ăn thịt chó. Ngoài ra còn có Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Philippines,... Điều này được xem là tàn bạo đối với nhiều quốc gia.

Vấn đề đạo đức khi ăn “người bạn thân thiết của con người” đã được tranh cãi rất nhiều giữa một luồng ý kiến xem là man rợ và một luồng xem là một văn hóa ẩm thực đặc trưng.

Tuy nhiên, khó có thể cấm người dân không ăn thịt chó, điều duy nhất là đưa cho họ sự lựa chọn và chỉ cho họ những rủi ro có thể gặp phải khi tiêu thụ loại thịt này. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần vào cuộc để bảo vệ người dân trước nhiều nguy cơ nhiễm bệnh từ thịt chó.

Bình luận (2)

Nếu như các bạn nào mà thích ăn "thịt chó" thì đừng nên làm việc cho công ty nước ngoài (Mỹ hay châu Âu...), đó là "lời khuyên" vì trước sau cũng phải nghỉ việc. Bởi vì Mỹ "rất ghét" ai ăn thịt chó! Bên Mỹ chó là động vật mà người ta thương nhất!

Lang Thang - Thứ Tư, 03/06/2015, 11:05 Trả lời | Thích

Tôi thấy nhiều người còn uống cả tiết canh. Hình như chưa thấy quan tài chưa đổ lệ

buoinamroi - Thứ Ba, 02/06/2015, 20:34 Trả lời | Thích
Lên đầu trang