Nơi 'chữa' vết thương lòng cho những cô gái trẻ trót lầm lỡ

Thứ Ba, 02/06/2015 07:10  | Xuân Hoài

|

(CAO) Với tên gọi khá đặc biệt “Nhà của bố” (Father’s House, ttại số 02 đường Hồ Tông Thốc, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nhưng nơi đây chỉ toàn phụ nữ và trẻ nhỏ. Từ lâu, địa chỉ này được ví như nơi “chữa” vết thương lòng cho những cô gái trẻ trót dại.

Ngôi nhà do ông Robert Kalatschan (quốc tịch Mỹ, Chủ tịch tổ chức Trả lại tuổi thơ - Giving it Back to Kids) sáng lập sau nhiều cơ duyên với Việt Nam.

“Nhà của bố”, điểm tựa cho những bà mẹ đơn thân

Mái ấm của những bà mẹ đơn thân

Ông Robert Kalatschan cùng vợ sống tại Califonia (Mỹ) kinh doanh nhà hàng. Vợ chồng ông không có con. Ông bà có hai đứa con nuôi, một là người Mỹ gốc Việt, một người thì xin nuôi tại trại trẻ mồ côi ở Gò Vấp, TP.HCM.

Sau lần xin con nuôi về, ông quyết định không ghé Việt Nam nữa. Nhưng càng nuôi con khôn lớn, trong đầu ông Robert Kalatschan lại luôn suy nghĩ một điều "con mình được thay đổi, có một cuộc sống tốt, tại sao những đứa trẻ khác lại không có được “quyền” đó?". Từ những tâm tư này, ông qua lại Việt Nam, tham gia tổ chức Trẻ em Việt Nam. Một thời gian sau, khi có đủ điều kiện, ông Robert Kalatschan thành lập tổ chức Giving it Back to Kids (Trả lại tuổi thơ) do mình làm chủ tịch để được tạo điều kiện tốt nhất cho các em có một sự thay đổi số phận tốt hơn.

Các cháu được sinh ra và nuôi dưỡng tại “Nhà của bố” để có được cuộc sống tốt hơn

Tổ chức Trả lại tuổi thơ là một tổ chức phi lợi nhuận, đã và đang giúp đỡ nhiều gia đình và trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua các chương trình: dinh dưỡng, chăm sóc y tế, giáo dục, nhà tình thương… Trong 6 ngôi nhà tình thương ở Đà Nẵng, gồm 3 ngôi nhà dành cho trẻ em từ 5-18 tuổi, 1 ngôi nhà dành cho nữ sinh, 1 ngôi nhà dành cho nam sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt có ngôi “Nhà của bố” hình thành năm 2007 mà ông Robert Kalatschan dành nhiều tâm huyết và kinh phí nhất.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, trợ lý Giám đốc khu vực Đông Nam Á của tổ chức Trả lại tuổi thơ, phụ trách   Nhà của bố cho biết: "Ý nguyện của ông Robert Kalatschan là ngôi nhà này như người bố ở bên các bà mẹ để các con chào đời và có cuộc sống thay đổi, tốt hơn.

Ngôi nhà này là nơi giúp đỡ các bà mẹ đơn thân bị lầm l ỡ, trót dại có bầu nhưng không có người chăm sóc hoặc bị ruồng bỏ được sinh con, nuôi con và tạo lập một cuộc sống tốt hơn.

Ở đây, tổ chức sẽ lo tất cả các khoản chi phí từ ăn uống đến các sinh hoạt của mẹ và bé. Trong thời gian ở Nhà của bố, mẹ của bé được tạo điều kiện cho đi học tiếp hành trình còn dang dở hoặc đi học nghề chứ không làm gì khác. Khi hoàn thành việc học, xin việc làm, thì các em mới chia tay “Nhà của bố” để tạo lập cuộc sống riêng để nuôi con…

Điểm tựa ấm áp 

Hầu hết các bà mẹ mang bầu đến  “Nhà của bố” đều có hoàn cảnh hết sức trái ngang. Nhưng đến đây nỗi đau vơi bớt phần nào và niềm vui đã quay trở lại.

Nguyễn Thị Ph. (SN 1990) cô gái đến từ đất mũi Cà Mau.  Lên  Sài Gòn làm công nhân vài tháng, Ph. yêu và nhanh chóng trao thân cho một gã sở khanh. Biết Ph. có thai, gã “quất ngựa truy phong”. Năm đó, cô chưa tròn 18 tuổi. Bơ vơ đến tột cùng, về nhà cũng không được, tự mình nuôi con cũng không xong, đã hai lần Ph. tìm đến cái chết nhưng may mắn được người dân phát hiện cứu kịp thời. Trong lúc chán nản, tình cờ có người quen giới thiệu em đến mái ấm “Nhà của bố”, Ph. liền khăn gói theo ra Đà Nẵng...

Tương tự là hoàn cảnh của  Trịnh Thị H. (SN 1996, quê Phan Thiết, lập nghiệp tại TP.HCM). Khi phát hiện có bầu được gần 3 tháng thì người yêu bị bắt vì trộm cắp. Không dám nói với bố mẹ nên chẳng biết đi về đâu, biết  “Nhà của bố” chở che cho những phận đời như em nên đã tìm tới. Nay H. đã sinh con kháu khỉnh, và hiện đang học nghề để sau này tư lập nuôi con…

Tuy phần lớn các em tới “Nhà của bố” đều có tình cảnh éo le nhưng không ít trường hợp cũng kết thúc có hậu. Em H. (quê Quảng Trị) vào Đà Nẵng học tại một trường cao đẳng. Khi còn là sinh viên năm nhất, H. yêu và trót dại trao thân nên mới hơn 18 tuổi đã có bầu. Bạn trai chỉ mới 19 tuổi, cũng là sinh viên nên cả hai không dám nói với gia đình. H. tìm đến “Nhà của bố”, người yêu H. vẫn liên lạc thường xuyên. Vài tháng sau, H. sinh được bé gái kháu khỉnh. Trong thời gian sống tại “Nhà của bố”, được các bảo mẫu và người trong nhà chăm sóc con, H. được tổ chức hỗ trợ tiền cho tiếp tục đi học. Sau khi ra trường, H. đã xin được vào làm kế toán cho một Công ty lớn ở Đà Nẵng. Mới đây, “tác giả cái thai” năm nào đến xin tổ chức đám cưới, nay cả hai vợ chồng thành đạt, thỉnh thoảng đến thăm, giúp đỡ cho những trường hợp khó khăn khác…

Hay như trường hợp H.(ở Huế) và Q. (ở Tiên Phước, Quảng Nam). Khi H. đang sinh viên, Q. đi bộ đội. H. trót dại có bầu, H. tìm đến “Nhà của bố” sinh cậu bé kháu khỉnh. Hai năm sau, khi hết nghĩa vụ, về nhà có việc làm, gia đình Q. biết chuyện đã đến xin tổ chức cưới. Đám cưới diễn ra ngay tại “Nhà của bố” hết sức ý nghĩa. Nay hai người đã có thêm đứa con gái thứ hai.

Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1961) và chị Nguyễn Thị Loan là hai bảo mẫu và được xem là mẹ của 55 con gái cùng với 55 cháu ngoại. Chị Mai vào làm việc tại “Nhà của bố” từ những ngày đầu mới thành lập, còn chị Loan sau hai năm.

Ông Robert Kalatschan cùng chị Mai (bên trái) và chị Loan

Khi kể về những kỷ niệm, chị Mai và chị Loan rưng rưng hàng lệ, vừa thương các con dại dột nhưng cũng rất hạnh phúc khi các con đã vượt qua những vấp váp cuộc đời để cứng cỏi hơn, làm người mẹ tốt hơn như hôm nay.

Chị Mai tâm sự: “Có những lúc các cháu vào bệnh viện sinh nở không có ai, chỉ có tôi và   chị Loan đến tại bệnh viện. Thấy các em đau đớn khi sinh nở mà không có người thân, thấy xót xa. Nhưng   "Nhà của bố” đã là điểm tựa, mang đến cho mẹ con các cháu có cuộc sống tốt hơn…”.

“Hầu hết các mẹ còn trẻ, thiếu kiến thức về nuôi con nên chúng tôi, là những người đã từng làm mẹ, chăm con nên hướng dẫn, bảo ban các em. Cứ thế, người đến trước giúp đỡ người đến sau và người biết việc hướng dẫn người còn thiếu sót, từ đó các em trở thành những người mẹ cứng cỏi, chỉnh chu hơn…”, chị Mai bộc bạch.

“Nhìn các cháu ngoại vui đùa, hạnh phúc bên ngôi nhà mới là tôi thấy cảm giác rất rộn ràng và vui sướng. Đây được xem là ngôi nhà ấm áp nhất mà tôi từng chứng kiến, nó hết sức ý nghĩa và nhân văn nên chúng tôi dành hết lòng để chăm sóc, bảo ban các con, các cháu”, chị Loan cười góp chuyện.

“Đến nay “Nhà của bố” có 55 các mẹ và các bé sinh sống tại đây. Hiện tại có 7 mẹ và bé, 3 em đang mang bầu sắp sinh trong tháng tới. Hầu hết các mẹ từ “Nhà của bố” ra đều đã có việc làm, nhiều trường hợp có gia đình hạnh phúc, một số mẹ cũng một mình nuôi con nhưng có cuộc sống ổn định. Họ rất biết ơn “Nhà của bố” đã nâng đỡ, chắp cánh cho họ có cuộc sống mới. Đó cũng là ý nguyện mà ông Robert Kalatschan ước muốn”, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh nói.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang