(CATP) Nhân dịp Tết cổ truyền Ất Mùi, dưới tiêu đề “Tâm thư của một nhà ngoại cảm chân chính”, một tờ báo mạng đăng bức thư đề ngày 13-2-2015 của ông Nguyễn Quốc Thắng, người tự nhận mình là nhà ngoại cảm.
Vậy có cái gọi là “nhà ngoại cảm chân chính” như phong tặng của tờ báo kia hay không? Riêng với ông Thắng, tôi muốn được hỏi thêm rằng, cơ quan hay cá nhân nào phong tặng ông danh hiệu “nhà ngoại cảm”?
Ngoại cảm có thật hay không?
Ngoại cảm (Extrasensory Perception) là khả năng nhận biết phi ngũ quan, tức giác quan thứ sáu. Nó bao gồm thần giao cách cảm (đọc ý nghĩ người khác), thấu thị hoặc thấu thính (nhìn xuyên tường hay nghe được âm thanh từ rất xa), tiên tri (biết tương lai) và hậu tri (biết quá khứ). Cùng với viễn di tâm học (như bẻ cong đồ vật bằng ý nghĩ) và khả năng “nói chuyện với người chết”, ngoại cảm là một trong ba chủ đề chủ yếu của cái gọi là các hiện tượng tâm linh, theo nghĩa các hiện tượng kỳ dị, lạ thường.
Vậy khả năng ngoại cảm có thật hay không? Trong khi báo chí đại chúng đưa ra rất nhiều trường hợp chứng tỏ ngoại cảm có thật, thì giới chuyên gia cho rằng, đó chỉ là các bằng chứng mang tính giai thoại, nên hoàn toàn không đáng tin cậy theo các tiêu chí khoa học.
“Nhà tâm linh” Yuri Geller nhìn cong thìa? Đó chỉ là ảo thuật!
Kể từ năm 1883, khi Hội nghiên cứu tâm linh đầu tiên trên thế giới được thành lập tại Anh, sau hơn 130 năm nghiên cứu công phu, các nhà khoa học chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng tin cậy nào về ngoại cảm, dù là phân tích cẩn thận các trường hợp ngoại cảm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hay tiến hành cả thử nghiệm khoa học về ngoại cảm trong phòng thí nghiệm. Điều đó cho thấy, có lẽ ngoại cảm là một khả năng không có thật.
Bạn đọc có thể cho rằng, chưa có bằng chứng về ngoại cảm không có nghĩa ngoại cảm không có thật. Biết đâu một ngày nào đó, một nhà khoa học thông minh và may mắn đưa ra được các bằng chứng xác thực thì sao? Không thể bác bỏ khả năng này, nhưng dường như đó chỉ là một kỳ vọng thiếu thực tế. Tại sao tôi nói như vậy?
Cần nhấn mạnh rằng, sau thử nghiệm thất bại về thần giao cách cảm những năm 1980 (thử nghiệm Ganzfeld: một nhà ngoại cảm được xem một bức tranh rồi truyền ý nghĩ cho một nhà ngoại cảm khác ở phòng bên cạnh; nhà ngoại cảm này phải tìm ra bức tranh đúng trong số bốn bức tranh có trong phòng), gần 30 năm nay, giới dị thường học không đưa ra được bất cứ một quy trình thử nghiệm nào.
Đó là lý do James Randi, nhà ảo thuật lừng danh từng vạch mặt “nhà tâm linh số 1 nhân loại” Yuri Geller chỉ là kẻ lừa gạt, khi thực hiện được tất cả các màn “nhìn cong thìa” bằng sự khéo léo của bàn tay, lập ra Quỹ Giáo dục James Randi với thách thức một triệu đô la. Theo đó, quỹ này sẽ thưởng một triệu đô la Mỹ cho bất cứ ai thực hiện được một khả năng ngoại cảm hay tâm linh (theo nghĩa dị thường chứ không theo nghĩa tín ngưỡng) trước sự giám sát của các nhà khoa học. Hàng ngàn nhà ngoại cảm đã tới thử vận may, nhưng tất cả đều thất bại. Bạn đọc có thể tìm hiểu về quỹ trên tại địa chỉ web.randi.org.
Nghiên cứu ngoại cảm tại Việt Nam
Ở nước ta, trên danh nghĩa có ba cơ sở nghiên cứu ngoại cảm là Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA). Điều đáng nói là các cơ quan này tổ chức nghiên cứu ngoại cảm mà chưa thực sự hiểu ngoại cảm và thiếu thông tin về các nghiên cứu trên thế giới.
Chính vì vậy mà tôi phải viết từ năm 2007 rằng, cần bác bỏ mọi nghiên cứu của UIA. Đó là do ông tiến sĩ, tổng giám đốc UIA hoàn toàn không biết ngoại cảm là gì (ông cho rằng ngoại cảm là cảm nhận thế giới bên ngoài (!)), mới đây lại nói lập mộ giả không phải là lừa gạt, vì “liệt sĩ bảo thế”(!)). Còn với Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, GS Ngô Bảo Châu từng viết trên facebook cá nhân ngày 28-10-2013 rằng, đó là cơ sở đi ngược với ý chí phủ nhận mê tín của khoa học. Tôi cũng từng viết trên Người đưa tin năm 2013 rằng, đó là một cơ sở phản khoa học hơn là khoa học.
Cần lưu ý rằng, mê tín và phản khoa học là những lời kết án không thể nặng nề hơn đối với một cơ sở khoa học. Vậy mà gần hai năm đã qua, ba cơ sở nghiên cứu ngoại cảm nước ta không hề đưa ra bất cứ một lời phản bác chính thức nào. Điều đó cũng cho thấy thực chất khoa học của các cơ sở đó là như thế nào.
Do cộng đồng khoa học thế giới xem ngoại cảm là ngụy khoa học, nên không thể có cái gọi là “nhà ngoại cảm chân chính”, như tờ báo mạng nọ phong tặng cho ông Nguyễn Quốc Thắng.