Sáng 6-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành công thương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá ngành Công thương đã bị vấp nhưng chưa ngã mà ngược lại còn vươn lên mạnh mẽ trong năm 2016, không chỉ có Bộ Công Thương mà cả hệ thống công thương toàn quốc, trong đó có vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, HTX, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương.
Thủ tướng nêu rõ, công nghiệp chế biến chế tạo đã trở thành điểm sáng đóng góp cho tăng trưởngt (tăng 11,2%, so với tốc độ tăng 10,5% cùng kỳ). Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu và hàng tiêu dùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao (tăng 10,2%, so với 9,72% cùng kỳ).
Tạo thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng thông qua nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng được thực hiện cơ bản tốt, dù còn mặt này mặt khác.
Cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, hoạt động của Bộ đạt kết quả tốt theo hướng tinh giản và hiệu quả. “Đây là bộ làm tốt nhất. Số đầu mối giảm xuống, biên chế giảm, số phòng, số cục, vụ giảm”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng biểu dương hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực: tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD, góp phần quan trọng cải thiện cán cân thanh toán. Việt Nam tăng 14 bậc và đứng thứ 73/139 quốc gia trong Báo cáo thương mại toàn cầu năm 2016 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại như ngành khai khoáng giảm sút mạnh (gần 6%), trong đó dầu thô giảm gần 10%. Nhiều dự án của ngành Công thương bị thua lỗ kéo dài; một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ.
Một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực và hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia trong phát triển công nghiệp quốc gia như chiến lược phát triển ngành cơ khí, ô tô, thép…
Thủ tướng cũng đánh giá việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nhất là cổ phần hóa còn chậm, chưa hiệu quả.
Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều bất cập, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ kiến tạo, trong đó Bộ Công thương là một thành viên, Thủ tướng nhấn mạnh ngành công thương cần hướng đến những tầm nhìn mới. Đó là phát triển nền công nghiệp Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững là dựa vào tài nguyên tự nhiên như dầu mỏ, than đá, quặng… Thay vào đó, phải chuyển dịch từ nền công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh; Tạo ra một môi trường để người dân và doanh nghiệp có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tập trung giải quyết những tồn đọng ở các dự án thua lỗ. Trong đó, phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu đơn vị đã để xảy ra việc này.
“Nhà nước không có khả năng và cũng không ném tiền vào dự án thua lỗ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu ngành Công thương phải chú ý một số cân đối lớn của nền kinh tế trong trung và dài hạn, chứ không chỉ ngắn hạn. Đó là điện, dầu khí, than đá và một số sản phẩm khác. Thủ tướng cũng yêu cầu tái cơ cấu ngành công thương mạnh mẽ hơn để “chúng ta có một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương trong sản xuất cần quan tâm bảo vệ môi trường, đảm bảo sự bền vững.
Về các kiến nghị của Bộ Công Thương và đại diện các Bộ, ngành địa phương nêu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đó là các kiến nghị rất xác đáng và bày tỏ sự ủng hộ.
4 mục tiêu thực hiện để ngành Công Thương góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2017 đạt 6,7%: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp đặt mục tiêu tăng 8 - 9%; Xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức 6-7% được giao; Nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu 3,5% kim ngạch xuất khẩu được giao; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng khoảng 10-11%. |