Đạo đức người làm báo phải được đặt lên hàng đầu

Thứ Sáu, 17/03/2017 23:48  | Ngọc Sơn - Quốc Huy

|

(CAO) Chiều 17-3, trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2017 đã diễn ra diễn đàn "đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số".

Diễn đàn diễn ra dưới sự chủ trì của ông Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam và ông Phan Hữu Minh - Trưởng Ban Kiểm tra Hội nhà báo Việt Nam. Tham dự diễn đàn có chủ tịch, phó chủ tịch hội nhà báo của nhiều tỉnh thành...

Đại tá Trần Trọng Dũng phát biểu tại diễn đàn

Phát biểu mở đầu diễn đàn, ông Phan Hữu Minh nhấn mạnh: đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số là một điểm nhấn quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cao, thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, người làm báo và công chúng báo chí. Thuận lợi và tiến bộ, tiện ích và kiến thức là khẳng định rõ, ai cũng thừa nhận.

Hơn thế, không hòa nhập với nền tảng truyền thông số hiện nay, báo chí sẽ không thể hoạt động được và thậm chí là lạc lõng. Công dân cũng như công chúng báo chí cũng đã quen với việc sử dụng hạ tầng số và coi đó là lợi thế của tiếp nhận và cung cấp thông tin cũng như hưởng thụ từ các tiện ích này.

Truyền thông Internet kỹ thuật số vào nước ta từ năm 1998 và đây có thể nói là sự tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Việt nam là quốc gia ứng dụng nhanh. Những năm gần đây báo chí phát triển theo hướng hội nhập, mạng xã hội đóng góp vai trò to lớn trong truyền thông. Bốn loại hình báo chí: in, phát thanh, truyền hình, điện tử có đủ và phát triển cực mạnh.

Việc ra đời của mạng xã hội với các ứng dụng vô cùng nhanh nhạy và linh hoạt đã là thách thức lớn cho báo chí chuyên nghiệp. Trong khuôn khổ của Hội báo Toàn quốc, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” có ý thu hẹp phạm vi trong hoạt động báo chí chuyên nghiệp, cũng là mạch chảy của việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam hiện nay. Đây là vấn đề đang thời sự, rất cần thiết đối với chúng ta…

Diễn đàn được tổ chức để cùng thống nhất nhận thức để cùng thực hiện, cùng tránh vi phạm đạo đức. Bởi lẽ, bắt tay vào hoạt động tác nghiệp, hàng trăm thứ cám dỗ: câu view bằng đặt tít để trực lợi, ăn cắp bản quyền qua mạng, bất chấp tổn hại đưa thông tin nhằm có lợi cho nhóm hoặc cá nhân; xa rời tôn chỉ mục đích, không quan tâm đến chữ tâm, không quan tâm đến thuần phong mỹ tục, lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Ban biên tập phải là người tử tế!

Đại tá Trần Trọng Dũng - Tổng biên tập báo Công an TP.HCM là đại biểu mở đầu diễn đàn bằng tham luận với nội dung "Vai trò gương mẫu của ban biên tập trong việc thực thi đạo đức báo chí".

Nhà báo Nguyễn Uyển phát biểu

Đại tá Trần Trọng Dũng mở đầu: "Bác Hồ - với tư cách là một nhà báo cách mạng luôn đòi hỏi nhà báo cách mạng không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng chuyên môn nghiệp vụ cao mà còn phải có đạo đức tốt và trong sáng. Tai Đại hội III Hội nhà báo VN tháng 9/1962,Người nói: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng" ".

Khi nói tới đạo đức nghĩa là người ta đề cập tới những vấn đề không mang tính bắt buộc thực thi như các quy định pháp luật hoặc hành chính. Những qui định mang tính đạo đức chỉ khuyến khích những gì nên làm hoặc không nên làm. Trong cơ quan báo chí, những nội dung liên quan đạo đức báo chí có được thực hiện hay không phụ thuộc một phần rất quan trọng vào Ban biên tập mà cụ thể là Tổng biên tập. Vì sao vậy?

Trước hết, trong một cơ quan báo chí, vị trí trách nhiệm của Tổng biên tập được pháp luật quy định, cụ thể, trong Luật báo chí 2016 (có hiệu lực từ 1/1/2017) tại Điều 24 qui định về người nhiệm vụ và quyền hạn người đứng đầu cơ quan báo chí cụ thể là Tổng biên tập: Là người chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản báo chí và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình; là người xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của cơ quan báo chí, phê duyệt kết cấu nội dung ấn phẩm, chỉ đạo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; là người quản lý nhân sự, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà báo, phóng viên, nhân viên,…

Ở một số cơ quan báo chí (như báo chí của các tổ chức Đảng, Công an, Quân đội,…) Tổng biên tập còn là Bí thư cấp ủy phụ trách công tác xây dựng Đảng. Như vậy, có thể nói người Tổng biên tập được trao cho “quyền lực” rất lớn để thực thi nhiệm vụ.

Trước đây, khi chưa có internet và thông tin điện tử, về cả lý do khách quan và chủ quan, việc Tổng biên tập thực thi trách nhiệm và nghĩa vụ đạo đức báo chí để làm gương cho cấp dưới noi dường như dễ dàng, thuận lợi hơn.

Diễn đàn “đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”

Từ khi bước vào kỷ nguyên số, trách nhiệm của Tổng biên tập nặng nề hơn, áp lực lên công việc của họ hàng ngày, hàng giờ, thậm chí hàng phút (như đối với việc điều hành xuất bản báo điện tử). Vì thế sự gương mẫu của Tổng biên tập trong việc thực thi đạo đức báo chí là cực kỳ quan trọng.

Mặt khác, do đạo đức không mang tính áp đặt ( nghĩa là có thể thực hiện cũng được mà không thực hiện thì cũng không bị chế tài), để thực hiện đạo đức báo chí thì phương pháp chủ yếu của Ban biên tập và cụ thể là Tổng biên tập là thuyết phục.

Mà để thuyết phục được người khác làm theo, điều quan trọng nhất người Tổng biên tập phải làm là bản thân phải gương mẫu thực hiện, cũng giống như trong gia đình, muốn con ngoan thì trước hết cha mẹ phải gương mẫu để con học tập theo.

Đại tá Trần Trọng Dũng nêu 3 vấn đề liên quan đến đạo đức của người đứng đàu cơ quan báo chí:

Một là, Tổng biên tập vốn là một nghề khá đặc biệt, là người đứng đầu cơ quan báo chí. Vì vậy đòi hỏi một tờ báo có đạo đức báo chí thì điều đầu tiên đòi hỏi TBT không chỉ có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn sâu rộng, có khả năng quản lý và điều hành mà còn phải là người có tư cách đạo đức, hay nói cách nôm na là người “tử tế”. Theo từ điển bách khoa mở wikipedia, người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn. Một TBT được như vậy chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều việc cố tình vi phạm đạo đức báo chí.

Hai là Tổng biên tập phải thể hiện quan điểm chỉ đạo tờ báo phải giũ đúng tôn chỉ, mục đích, phục vụ lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân. Điều đó giúp cho việc thực hiện đạo đức báo chí thuận lợi. Đặc biệt trong kỷ nguyên số, khi mà việc sao chép các nội dung thông tin trên mạng trở nên quá dễ dàng thì vai trò của TBT càng quan trọng trong việc giữ được những nguyên tắc của đạo đức báo chí.

Nếu TBT cổ súy hay nhẹ hơn là thấy phóng viên có những biểu hiện vi phạm đạo đức báo chí trong quá trình tác nghiệp như cố tình sao chép, đạo văn, “đánh hội đồng” doanh nghiệp, tiết lộ nguồn tin vô nguyên tắc, xâm phạm bí mật đời tư… mà không phê phán thì mặc nhiên phóng viên có vi phạm sẽ coi là “sếp” đã bật đèn xanh cho làm.

Điều này đặc biệt thể hiện rõ khi Ban biên tập chỉ đạo triển khai các đề tài phức tạp, nhạy cảm. Tổng biên tập phải cân nhắc xem đề tài ấy phục vụ lợi ích của cộng đồng hay nhóm lợi ích nào, cá nhân nào? Khi triển khai đụng chạm tới các mối quan hệ cá nhân của chính Tổng biên tập thì phải xử lý như thế nào?

Trên thực tế, các phóng viên thường nhìn vào cách xử lý của TBT để đánh giá về quan điểm, nhận thức cũng như đạo đức báo chí của người lãnh đạo. Vì vậy người Tổng biên tập rất cần xử lý khéo léo và rõ ràng , minh bạch, ra quyết định phải đăng hoặc không đăng bài báo để phóng viên phải tâm phục khẩu phục.

Ba là Trong điều kiện phải tự chủ về tài chính, tờ báo phải cố gắng triển khai các hoạt động kinh tế báo chí để có nguồn lực nuôi bộ máy và phát triển tờ báo. Trong lĩnh vực “cơm áo, gạo tiền” khá tế nhị này, Tổng biên tập càng phải thể hiện quan điểm rõ ràng, không vụ lợi trên tinh thần đặt lợi ích cộng đồng trên lợi ích của tờ báo và lợi ích của tờ báo lên trên lợi ích của cá nhân nói chung và cá nhân Tổng biên tập nói triêng.

Nhà báo Nguyễn Uyển Nguyên Trưởng ban công tác Hội – HNBVN tham gia diễn đàn với nội dung “Nhà báo với giao diện mở-trách nhiệm lớn khi tham gia thông tin”. Ông Uyển khẳng định: Báo chí là một nghề! Đã là nghề thì nhất thiết phải có đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được xã hội thừa nhận, quy định rõ hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội.

Theo ông Uyển bất kể ở đâu, khi nào báo chí và nhà báo cũng phải hoạt động theo luật pháp. Nhà báo phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ công chúng về những gì mình đã loan tin. Cho nên tính trung thực, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm và đức khiêm tốn của người làm báo phải được đề cao; luôn vươn tới để phản ánh hiện thực xã hội và thế giới như nó có chứ không phải như người ta mong muốn.

Nhà báo Việt Nam phải có bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội... Cho nên, nhất thiết người làm báo phải nghiêm chỉnh tuân thủ và thực hiện đúng, đủ, nghiêm ngặt “10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp” hiện hành!

Ông Nguyễn Tuấn Anh – phó chủ tịch Hội nhà báo Thanh Hóa

Muốn vậy, nhà báo phải nhận thức thật rõ về bản thân khi đã chọn báo chí là cái nghề cái nghiệp. Nghề mà suốt đời phải rèn rũa bản lĩnh vì dân, vì nước, vì lẽ phải và sự công bằng. Có vậy thì từ nơi nhà trường đào tạo nghề báo đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và quản lý báo chí và nhà báo mới chú tâm rèn đức, rèn nghề, rèn bản lĩnh; mới tự thân, tự chủ dấn mình vào thực tế để tạo nên tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Chỉ như thế, công tác kiểm tra, giám sát mới thường xuyên, mới khắc phục lỗi tùy tiện của nhà báo. Chỉ như thế, thì tham gia thông tin, hay khai thác thông tin, đưa tin trên các loại hình báo chí (kể cả blog, Facebook cá nhân) chúng ta sẽ không mắc sai phạm! Chỉ như thế, mới mong thông tin trung thực, chính xác, thông tin có căn cứ khoa học, văn hóa và chính trị; mới đẩy lùi được thông tin xấu, độc hại xâm nhập. Chỉ như thế, mới xứng danh là nhà báo Việt Nam.

Chiều cùng ngày, Hội báo toàn quốc năm 2017 cũng diễn ra hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang