TP.HCM: Tìm lời giải bài toán thoát ngập cho đô thị

Thứ Ba, 10/07/2018 20:15  | Hà An

|

(CAO) Liên tiếp trong các buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 6/2018, lãnh đạo TP.HCM đã nhấn mạnh về vấn đề quy hoạch trong phát triển thành phố.

Quy hoạch đô thị phát triển theo hướng nào đang là sự lựa chọn mang tính sống còn, bởi không chỉ chỗ ở người dân hôm nay mà tương lai thành phố mai sau.

Thực tế, những năm qua, thành phố thuê nhiều nhà tư vấn, quy hoạch có tên tuổi trên thế giới thực hiện nhiều đồ án quy hoạch như: Đồ án phát triển khu Nam; Đồ án quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm; Đồ án quy hoạch bờ Tây sông Sài Gòn… Hầu hết các đồ án quy hoạch xây dựng này điều nằm ở khu vực phía Nam thành phố.

Tuy nhiên, những dự án nhà ở, khu đô thị hiện đại phát triển về phía Nam vốn là vùng trũng thấp của thành phố đã bộc lộ nhiều bất cập, xóa sổ nhiều ao hồ, kênh rạch, đầm ruộng... chứa nước mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng.

Những tuyến đường huyết mạch ở phía Nam  như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Hữu Thọ và nhiều khu vực thuộc quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh,… ngập nặng mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn.

TP.HCM hiện còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác quy hoạch phát triển đô thị. Ảnh minh họa

Trước sự biến đổi khí hậu như hiện nay đòi hỏi công tác quy hoạch đô thị cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi quy hoạch đô thị hợp lý không những giúp thành phố phát triển bền vững mà giảm gánh nặng đầu tư.

Địa hình khu vực Tây Bắc của TP như Củ Chi, Hóc Môn có địa hình cao, địa chất tốt, thuận lợi cho việc phát triển đô thị. Đây là nóc nhà của thành phố. Phần lớn diện tích đất của Củ Chi cao hơn mực nước biển từ 8 đến 10 mét. Đối với độ cao này, đô thị mới sẽ giải quyết được tình trạng ngập nước dễ dàng hơn.

Ngoài yếu tố lợi thế địa hình, địa chất, để phát triển đô thị khu vực này còn có quỹ đất lớn. Riêng Củ Chi có diện tích trên 43.000 ha. Đất đai chủ yếu là vườn cây, trang trại nên thuận tiện cho việc quy hoạch phát triển đô thị hiện đại. Quy hoạch hợp lý sẽ giải quyết những bất cập đã tồn tại trong thời gian qua và nơi ở an toàn cho người dân thành phố trong tương lai.

Theo kỹ sư xây dựng Trần Văn Thường, Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư phát triển xây dựng Trần Gia, với độ cao gần 10 mét so với mực nước biển và điều kiện địa chất tốt, khu vực Tây bắc không chỉ loại bỏ được những bất lợi của vùng đất ngập nước mà thuận lợi cho phát triển, xây dựng đô thị hiện đại. Giá thành đầu tư hạ tầng đường sá đến nhà ở thấp hơn.

Thực tế, người dân xây dựng căn nhà ở vùng đất cao giảm được 20-30% giá thành xây dựng công trình so với khu vực vùng trũng, khu Nam thành phố. Cùng với lợi thế của địa hình cao, địa chất tốt, khu vực Tây Bắc còn có hệ thống giao thông đường bộ nối kết, bao quanh bởi sông Sài Gòn. Để khu vực Tây Bắc TP phát triển bài bản và xứng tầm, công tác quy hoạch đô thị phải được chú trọng và đặt lên hàng đầu.

TP.HCM: Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng “lỗi hẹn”
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang