Trung tâm chống ngập TP.HCM:

'Siêu' máy bơm chống ngập cần nhiều lần thử nghiệm

Thứ Tư, 04/10/2017 10:17  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Để có được đánh giá chính xác nhất, lãnh đạo Trung tâm chống ngập TP.HCM đã đề xuất UBND TP cho phép được thử nghiệm thêm 4 lần nữa.

Lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc thuê dịch vụ máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh - Ảnh: Linh Vũ

Trước đó, ngày 2-10, Trung tâm chống ngập TP.HCM và Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung ký kết hợp đồng nguyên tắc thuê dịch vụ máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (P.22, Q.Bình Thạnh).

Tại buổi ký kết hợp đồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Quang Trung trong công tác nghiên cứu, thiết kế và thi công máy bơm chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, giúp người dân đi lại bớt khó khăn hơn. Khuyến khích tập đoàn tiếp tục nghiên cứu các công nghệ mới, giúp thành phố chống ngập ở các điểm khác. Đồng thời giao Trung tâm chống ngập và đơn vị liên quan phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến hệ thống ống cống, cơ sở hạ tầng… đảm bảo phát huy hiệu quả máy bơm.

'Siêu' máy bơm cam kết giảm ngập úng tại 'rốn ngập' Nguyễn Hữu Cảnh

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cơ khí Quang Trung (chủ đầu tư dự án 'siêu' máy bơm) - Nguyễn Tăng Cường cho biết, ông chế tạo chiếc máy bơm vì muốn chấm dứt tình trạng người dân thành phố sống trong trận úng lụt, nhân viên môi trường thì dầm mưa móc cống. Đồng thời, cốt nền của TP.HCM khá thấp, độ nghiêng dốc của cống nhỏ và miệng cống bé đã gây nên ngập úng mặc dù trời mưa không lớn. Phương án được đề ra là làm hồ điều hoà để chống ngập, tuy nhiên một số điểm không thể chảy ra ngoài thì vẫn sẽ gây nên tình trạng úng lụt.

'Khi chúng tôi nghiên cứu và giới thiệu máy bơm này, nhiều chuyên gia cũng chưa đồng tình lắm vì cho rằng thành phố đã có nhiều phương tiện kỹ thuật. Nhưng chúng tôi vẫn tự bỏ vốn nghiên cứu lắp ráp sản phẩm và mời lãnh đạo thành phố đến tham quan, đồng thời xin phép Thành uỷ, UBND TP cho hoạt động thử nghiệm. Chúng tôi chỉ mong sản phẩm được ứng dụng, mang đến nhiều hiệu quả cho thành phố', ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, đơn vị đã cho thiết bị thử nghiệm 3 lần, lần đầu tiên vào ngày 19-9, lượng mưa không lớn nhưng đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn xảy ra ngập úng nhiều nơi, khi máy vận hành thì trong 25 phút hết ngập; tiếp đó ngày 21-9, thành phố mưa không lớn nhưng do là đợt triều cường đạt đỉnh, xấp xỉ báo động 3 nên đơn vị đã phối hợp cùng Trung tâm chống ngập TP.HCM thử nghiệm.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng trong trận mưa lớn ngày 30-9 - Ảnh: Linh Vũ

'Thời điểm đó mưa không lớn nhưng triều cường lên nhanh lắm, chúng tôi đã chủ động phối hợp Trung tâm chống ngập và mời báo chí đến chứng kiến. Giả thiết đưa ra là bên trong thành phố mưa lớn nhiều đường ngập và bên ngoài triều cường đạt đỉnh. Sau khi máy bơm hoạt động, chỉ 13 phút toàn bộ đường Nguyễn Hữu Cảnh khô ráo', ông Cường chia sẻ.

Liên quan đến trận mưa lớn ngày 30-9, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh biến thành sông làm nhiều phương tiện chết máy, ông Cường cho rằng trận mưa đó tại thành phố có hơn 40 điểm ngập và đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn ngập sâu 65 - 93 cm, máy bơm hoạt động trong 70 phút thì đường hết ngập.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng trong trận mưa lớn ngày 30-9 - Ảnh: Linh Vũ

'Nhiều người đã cho rằng thiết bị hoạt động chưa hiệu quả khi những lần trước nước hút chỉ trong 15 phút, 25 phút nhưng lần này đến 70 phút. Trận mưa lớn có đoạn nước ngập gần 100 cm, tính toán thời gian lượng nước thoát ra xấp xỉ 100.000 m3/giờ; trong khi máy bơm thiết kế công suất tối đa là 96.000 m3/giờ (công suất máy từ 26.000 - 96.000 m3/giờ). Khi lượng nước được hút hết, chúng tôi cảm thấy đây là điều tuyệt vời vì thời điểm đó cống đã tắc, nhưng máy hoạt động hết công suất vẫn vận hành tốt'', ông Cường giải thích.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn giao với đường Điện Biên Phủ - ảnh chụp tối ngày 30-9

Cũng theo ông Cường, khi dự án được giao Trung tâm Chống ngập TP.HCM, đơn vị sẽ gắn chip vào các miệng cống và khi chip báo thì máy bơm sẽ được khởi động, không để nước ngập rồi mới làm.

Tuy nhiên, tại đoạn chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh đoạn giao cắt với đường Điện Biên Phủ, ông Cường cho biết, khu vực này bị ngập nặng trong các trận mưa lớn - nhỏ là do hệ thống cống bị tắc nghẽn. 'Đây là điểm ngập không liên quan đến chúng tôi, đơn vị tôi chỉ làm máy bơm rút nước, còn chuyện nạo vét cống, sửa chữa, cải tạo cống của của thành phố', ông Cường nói.

Cần thêm nhiều lần thử nghiệm 'siêu máy bơm'

Đây là ý kiến của phát biểu của Giám đốc Trung tâm chống ngập TP.HCM - Nguyễn Ngọc Công, tại buổi ký kết hợp đồng nguyên tắc thuê dịch vụ máy bơm.

Theo ông Công, đến nay các hạng mục liên quan đến máy bơm đã và đang được thi công. Hai tuyến cống mặt đường trước toà nhà The Manor đã thi công xong và cơ bản hoàn thành bơm thử nghiệm, hạng mục tiếp theo tại toà nhà Saigon Pearl và khi hoàn thành lượng nước bơm sẽ mạnh hơn.

Tại tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong năm 2017, công tác nạo vét đã được thực hiện 4 lần và đến cuối tháng 10 sẽ tiếp tục nạo vét các tuyến đường khác. Tuy nhiên do người dân ý thức chưa cao nên sau 1 tuần nạo vét, đến kiểm tra lại thì rác tiếp tục xuất hiện.

'Trong hai lần bơm thử nghiệm lượng mưa dưới 20 ml nên công tác rút nước thực hiện tốt. Đến ngày 30-9, mực nước triều cường do được 17 ml và 40 phút sau tại Trạm đo là 97 ml, theo tính toán quy đổi tiêu chuẩn nhà nước về thiết kế cống mưa 3 giờ, lượng mưa này có thể đạt 150 ml, vượt quá sức chứa của một số cống tại thành phố. Đến 18 giờ nhiều nơi trên địa bàn tiếp tục ngập đến mức 0,6 m, máy bắt đầu vận hành từ 19 giờ 20; trong 1 tiếng 10 phút toàn bộ tuyến đường hết ngập', ông Công cho biết.

Ông Công cho biết thêm, trong quá trình kiểm tra, một số nơi vẫn còn tình trạng ngập như khu vực Q.2, chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh,... trung tâm đã xem xét phương án, kiểm tra tuyến cống nơi ngập để đánh giá mức độ nước thoát ra sông Sài Gòn.

Để có được đánh giá chính xác nhất, lãnh đạo Trung tâm chống ngập TP.HCM đã đề xuất UBND TP cho phép được thử nghiệm thêm 4 lần nữa.

'Trung tâm cần thử nghiệm thêm 4 lần nữa, triều cường đạt mức 1.4 - 1.45 m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động II 0,05m) hoặc lượng mưa đạt 100 mm là cơ sở đánh giá đầy đủ về hiệu quả máy bơm. Đây là công nghệ tương đối mới, lần đầu được áp dụng nên giữa kết quả thí nghiệm và thực tế sẽ có khác biệt. Chúng ta phải giữ phương pháp thử nghiệm loại trừ trong cơ sở rút ra đánh giá hiệu quả và có thể áp dụng ở những nơi nào', ông Công nhận định.

Về hợp đồng nguyên tắc vừa được ký, Trung tâm chống ngập TP.HCM cho rằng đây là sự ràng buộc thực thi chống ngập của đường Nguyễn Hữu Cảnh. Bên cạnh đó, đối với chủ đầu tư 'siêu máy bơm', từ nay đến cuối năm doanh nghiệp sẽ không để xảy ra tình trạng ngập trên tuyến đường này; tách và thu gom rác khi hút nước.

'Tôi rất phấn khởi vì sau nhiều năm nghiên cứu, nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp bằng sự đánh giá cao của chính quyền thành phố và các sở ban ngành. Nếu các sở ban ngành, người dân ủng hộ, chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu và tham gia một số công trình khác áp dụng công nghệ này chống ngập úng; mang lại hiệu quả trong bài toán chống ngập của thành phố', Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cơ khí Quang Trung - Nguyễn Tăng Cường chia sẻ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang