Cấp bách lấy lại vị thế các đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long:

Kỳ 4: Khi thủy sản, trái cây bị “phù phép”

Thứ Năm, 18/10/2018 22:09  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Tôm nguyên liệu luôn ở mức giá cao nên nhiều thương lái vì lợi nhuận bất chấp làm liều bằng cách bơm tạo chất. Đối với sầu riêng, mít, vú sữa để có lượng hàng lớn cung ứng cho các hợp đồng, nhiều cơ sở không ngần ngại nhúng hóa chất, pha trộn.

NHỨC NHỐI NẠN BƠM TẠP CHẤT VÀO TÔM

Nhiều doanh nghiệp than trời vì nạn bơm tạp chất vào tôm để tăng trọng nhưng vì lợi nhuận lớn nhiều đối tượng vẫn bất chấp, nhắm mắt làm liều dẫn tới hậu quả khôn lường. Ông Long Văn Nghĩa – Công ty TNHH MTV Long Mạnh (Bạc Liêu) cho biết: “Việc bơm tạp chất là do đại lý nhỏ (cấp 2) thực hiện trên tôm tự nhiên (thả lan) sau khi thu gom.

Bơm tạp chất giúp tăng trọng lượng từ 10 – 15% và đối với tôm thâm canh không thể thực hiện vì số lượng quá lớn. Bơm tạp chất sẽ ảnh hưởng chung đối với những người nuôi tôm. Doanh nghiệp mua tôm bơm tạp chất họ phân biệt được nhưng để có hệ thống đại lý đủ mạnh, đảm bảo nguồn hàng đành ngó lơ”.
Tôm nuôi tự nhiên được bơm tạp chất sau khi thu gom

Trước nạn bơm tạp chất vào tôm nhiều doanh nghiệp cho rằng ngành chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa để các cơ sở kinh doanh “nói không” với tôm chứa tạp chất.

Ông Nghĩa phân tích: “Việc xử phạt trong thời gian qua chưa thật sự đủ mạnh. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu tôm có bơm tạp chất bị các nước tiên tiến phát hiện họ sẽ tẩy chay, doanh nghiệp bị mất uy tín và nước ngoài đánh thuế rất cao. Do đó nhiều doanh nghiệp phải về Việt Nam làm cách này, cách kia để bù vào khoản hao hụt đó. Việc đưa tạp chất vào tôm là hành vi trục lợi bất chính, xem thường sức khỏe người tiêu dùng”.

Mặc dù lực lượng chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tăng cường kiểm tra nhưng tình trạng bơm tạp chất vào tôm vẫn còn diễn biến phức tạp. Ngày 28-4, tại xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Công an huyện Hòa Bình và chính quyền địa phương tổ chức họp dân công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đối với 2 chủ cơ sở kinh doanh thu mua tôm có hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu.

Theo đó, xử phạt hành chính 100 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh trong thời hạn 3 tháng đối với cơ sở thu mua tôm của ông Phạm Hữu Bình (ngụ ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B) và xử phạt 85 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh 2 tháng đối với cơ sở thu mua tôm do bà Nguyễn Ngọc Thúy (ngụ ấp An Thạnh Hưng I, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi).

Một cơ sở bơm tạp chất ở TX.Giá Rai bị phát hiện

Điều đáng chú ý là thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi như bố trí người cảnh giới, lắp camera giám sát, rào chắn xung quanh và tổ chức vận chuyển bằng xe khách. Đến khi bị lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện thì cho rằng chở thuê, không biết giao cho ai.

Cụ thể, khoảng 16 giờ ngày 29-6-2018, trên tuyến Quốc lộ 1A (thuộc địa bàn P.Hộ Phòng, TX.Giá Rai) lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh đã kiểm tra hành chính xe khách giường nằm BS: 72B-022.50 chạy tuyến Cà Mau – Sài Gòn – Nha Trang do tài xế Đỗ Thanh Hùng (45 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) điều khiển.

Qua kiểm tra, lực lượng phát hiện 12 thùng tôm nặng 450kg bơm chích chất Agar (rau câu). Đáng chú ý là trước đó, vào ngày 21-6, cũng chính xe khách này đã bị lực lượng nói trên kiểm tra thu giữ 24 thùng tôm bơm chích tạp chất trọng lượng gần 650kg khi đang vận chuyển ra miền Trung tiêu thụ.

MÍT, SẦU RIÊNG “NGẬM” HÓA CHẤT

Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sầu riêng tăng mạnh, cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, lượng sầu riêng chín tự nhiên có rất ít, trong khi đó sầu riêng “ngậm” hóa chất cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Điều này gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng trong nước.

Tình trạng ép chín sầu riêng bằng hóa chất vẫn còn xảy ra

Theo tìm hiểu, thương lái chọn mua cả vườn sầu riêng của từng hộ nông dân, sau đó hái đồng loạt kể cả những trái còn non. Sầu riêng sau khi hái được thương lái nhúng vào xô hóa chất đã hòa sẵn. Mục đích để ép sầu riêng chín rồi đưa ra thị trường, có khi xuất khẩu sang nước ngoài.

Gia đình có 2 héc-ta sầu riêng, anh U.L.H. (ngụ huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết: "Sầu riêng năm nay nếu bán sớm có giá trên 70 ngàn đồng/kg, còn muộn cũng từ 55 – 60 đồng/kg khiến nông dân lãi lớn.

Trái sầu riêng thực sự ngon thì cần để chín tự nhiên. Tuy nhiên sầu riêng với đặc điểm khi chín tự rụng vào ban đêm và lẻ tẻ nên sau 100 ngày để trái là thương lái thử cơm rồi hái. Sau khi hái họ tiến hành nhúng sầu riêng vào hóa chất đã pha sẵn trước khi đưa đi tiêu thụ”.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc Quốc lộ 1A và tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang) xuất hiện rất nhiều điểm bán, thu mua sầu riêng, mít. Hàng ngày, nhiều xe tải, container đến đây nhận hàng. Gặp một tiểu thương mua bán sầu riêng tên Nga (ngụ xã Bình Phú, TX.Cai Lậy), chị này cho biết: “Mỗi ngày, tôi cung ứng cho thị trường hàng trăm ký sầu riêng.

Dù bỏ cọc mua sầu riêng cả vườn nhưng loại chín tự nhiên rất ít. Sầu riêng loại trái dễ bị hao hụt, khi sống 4kg nhưng đến chín chỉ còn 3,7kg. Đối với sầu riêng nhúng hóa chất thường được các cơ sở dùng cán dao gõ để kiếm trái chín vì sợ ảnh hưởng sức khỏe từ hơi thuốc. Sầu riêng nhúng ngửi nghe mùi khăng khẳng, còn tự nhiên thơm dịu”.

Vì lợi nhuận một số thương lái mua mít non nhúng thuốc dẫn đến giá sụt giảm

Hiện mít Thái được thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 40 – 50 ngàn đồng/kg khiến nhà vườn trúng đậm. Có vườn mít Thái rộng 8 công ông Lương Văn Tám (ngụ xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp) cho biết: “Loại mít này sau 14 tháng trồng sẽ cho thu hoạch bán. Mỗi cây cho năng suất đạt khoảng từ 100 – 150 kg, đem lại thu nhập trên 1 triệu đồng. Trồng mít không sợ ế hàng bởi đến đợt thu hoạch là thương lái đến tận vườn thu mua”.

Làm nghề gom mít giao cho các chủ vựa lớn ở Cà Mau, Phan Rang, Phan Thiết hơn chục năm nay, anh Lê Hồng Quân (ngụ huyện Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: “Vào thời điểm thu hoạch rộ vựa mua khoảng 6 – 8 tấn/ngày còn thời điểm này chỉ khoảng 3 – 4 tấn. Mít là loại trái cây được thị trường ưa chuộng vì thế giá thu mua ngày càng tăng cao. Vì lợi nhuận một số thương lái mua mít non nhúng thuốc dẫn đến giá sụt giảm. Với việc mua mít non giá sẽ thấp hơn từ 2 – 3 ngàn đồng/kg so với mít già”.

Là chủ vựa mít, sầu riêng H.T. (xã Thanh Hòa, TX.Cay Lậy), bà N.B.B. cho biết: “Giá mít hiện còn 41 ngàn đồng/kg thay vì 3 ngày trước là giá 70 ngàn đồng/kg. Giá xuống thấp vì Trung Quốc ngưng mua. Sầu riêng và mít nhúng hóa chất sẽ đồng loạt chín nhanh, đều, không bị sượng và trông bắt mắt. Trái sầu riêng được nhúng để từ 3 – 4 ngày là chín, khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ sẽ lâu bị hư thối. Loại hóa chất nhúng được cấp phép sử dụng và an toàn chứ không phải hóa chất Trung Quốc (?!)".

Hiện mít Thái được thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 40 – 50 ngàn đồng/kg

BÁT NHÁO VÚ SỮA ĐI MỸ

Tại vùng ĐBSCL các tỉnh trồng nhiều vú sữa gồm: Tiền Giang, Hậu Giang và Cần Thơ với khoảng 13 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Tiên nhiên, trong số này, chỉ có 5 doanh nghiệp được cơ quan chức năng Hoa Kỳ cấp mã code.

Dù mới được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang Mỹ nhưng thời gian gần đây xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp pha trộn vú sữa trồng ngoài vùng được cấp mã code vào các lô hàng xuất khẩu do thiếu nguồn nguyên liệu.

Vú sữa xuất khẩu sang Mỹ được trồng nhiều ở Tiền Giang, Cần Thơ và Hậu Giang

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Tiền Giang, toàn tỉnh có 102,8 héc-ta vú sữa được cấp mã code, với 276 hộ nông dân tại 3 huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè. Từ lễ công bố (26-12-2017) lô vú sữa Việt Nam đầu tiên xuất khẩu vào thị trường Mỹ đến tháng 4-2018 đã có 5 doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu 176/240 tấn của cả nước được xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Theo phản hồi của đối tác nước ngoài, tỉnh hình tiêu thụ trái vú sữa tại thị trường này rất thuận lợi và “cháy hàng”. Tuy nhiên do thời gian chuẩn bị quá ngắn nên việc sản xuất cũng như quản lý vùng trồng còn nhiều hạn chế, mã code chưa được kiểm soát chặt chẽ nên một số doanh nghiệp xuất khẩu nóng vội dẫn đến hiện tượng pha trộn trái vú sữa ngoài vùng trồng được cấp mã code vào các lô hàng xuất khẩu.

Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT Tiền Giang phối hợp với Cục BVTV tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp và nhà quản lý để chấn chỉnh kịp thời, đồng thời kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị chuyên môn phối hợp với địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ xuất xứ, mẫu mã, chất lượng những lô hàng vú sữa xuất khẩu của các doanh nghiệp và quá trình làm thủ tục xuất khẩu.

Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Tiền Giang Võ Văn Men: “Để việc xuất khẩu vú sữa tốt hơn các ngành chức năng cần kiểm soát nghiêm ngặt vùng trồng đã được cấp mã code, đảm bảo chất lượng vú sữa xuất khẩu theo tiêu chuẩn của phía đối tác. Tập huấn hướng dẫn sản xuất theo GAP tiến tới chứng nhận VietGAP nhằm tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng 5 hoạt chất thuốc BVTV mà phía Hoa Kỳ cảnh báo dư lượng, đặc biệt là hoạt chất Carbendazim. Hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học”.

Sở NN&PTNT Bạc Liêu: “Từ tháng 3-2017 đến tháng 6-2018, sở đã phối với với lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh đã kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và vận chuyển tôm nguyên liệu trong địa bàn phát hiện 129 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất với số lượng là trên 30 tấn, trong đó 53 trường hợp bơm chích, 28 trường hợp thu gom, 48 trường hợp vận chuyển. Loại tạp chất được bơm vào tôm chủ yếu là Agar và CMC. Các ngành chức năng đã đề xuất xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 5 tỷ đồng và công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng”.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang