Rác làm ô nhiễm môi trường, phát sinh bệnh tật và gây ngập đường sá, ấy vậy mà người ta cứ vô tư… xả rác. Ý thức, luôn là yếu tố tiên quyết để bảo vệ môi trường. Và “chuyện của… rác” mà chúng tôi nhắc đến hôm nay, cũng là câu chuyện của… ý thức!
Nhật ký dòng kênh đen
7 giờ 30 sáng 18-10, đoạn kênh dưới gầm cầu Cái Trung, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (TPHCM) bốc lên một mùi hôi khó tả. Bên dưới, rác đặc quánh, tụ lại thành mảng lớn. Dòng nước không thể lưu thông vì nơi đây chỉ toàn rác và… rác!
Phía xa,những nhánh lục bình giăng đầy, xen kẽ bên trong cũng chỉ là… rác. Chúng dường như chiếm hết cả không gian của dòng nước đen. “Rác nơi đâynhiều đến nỗi làm thu hẹp mặt kênh, nước không thể thoát được. Dòng kênh này đang bị “chết đi” theo từng ngày” – anh Trần Văn T. (42 tuổi, người dân ở đây), buồn bã cất lời.
“Chiếc áo rác” đặc quánh dưới gầm cầu Cái Trung, H.Bình Chánh.
Dòng nước đen kịt bốc mùi hôi thối.
11 giờ trưa cùng ngày, xuôi theo dòng kênh Chiến Lược (Q.Bình Tân), người viết nhìn thấy lổm nhổm những bao nylon, vật dụng phế phẩm! Tại một đoạn kênh, một người đàn bà đi ngang qua, khuôn mặt lấm lét ngó nghiêng. “Phịch!” – chị ta vừa vứt xong một bịch nylon căng tròn, ánh mắt vô hồn rời đi. Lại là… rác!
12 giờ trưa hôm sau (19-10), dưới chân cầu Chữ Y, đường Nguyễn Biểu (Q5),nước triều đang lên, sóng ì oạp vỗ vào 2 bên bờ. Những mảng lục bình trôi giữa dòng kênh Tàu Hủ, kẹp chặt bên trong là những bọc rác lều phều. Phóng tầm mắt nhìn xa khắp dòng nước đang hắt lên ánh mặt trời, cũng chỉ… lều phều rác!
Những ánh mắt ngán ngẩm vì rác thải
Hộp cơm, vỏ dừa, yên xe, thùng xốp, bao tải… bồng bềnh tứ phía. Một chiếc ghe vớt rác lờ đờ trôi trong dòng chảy đặc quánh, đen ngòm. Nước bốc lên thứ mùi khó tả. Một người đàn ông mang theo một giỏ rác bự chảng, từ trên bờ lấm lét trườn xuống mép kênh, rồi vô tư… vứt! Bên kia bờ, một ông lão nhìn thấy, thở dài rồi nói bâng quơ: “Ý thức!”.
Rác thải hiện diện khắp nơi
Chỉ với một vài dòng kênh, chúng tôi đã ghi được một trang nhật ký rất chân thật về tình trạng ô nhiễm tại những nơi này. Lạ nỗi, khi chúng tôi thắc mắc rằng những dòng kênh này bị ô nhiễm từ khi nào, thì chẳng một ai trả lời chính xác được câu hỏi đó…
Rác đi rồi rác lại… về
Ở Q.Bình Thạnh, chẳng nơi đâu “phong phú” rác bằng đoạn kênh dưới cầu Băng Ky. Nước kênh đen ngòm, đặc quánh và mùi hôi thì thật kinh khủng! Rác thải khỏi phải nói, từng mảng lớn “bấu víu” vào nhau, phủ kín dòng nước. Men theo hai bên bờ kênh, cảnh tượng cũng chẳng thể khá hơn, bầy hầy và nhếch nhác!
Đây là đoạn kênh bị ô nhiễm trầm trọng, từng được Báo CATP nhiều lần phản ánh. Sau đó, UBND Q.Bình Thạnh tổ chức thu dọn và triển khai nhiều kế hoạch cải tạo để “giải thoát” cho đoạn kênh này, nhưng đến nay, chuyện đâu vẫn hoàn đó. “Rác đi rồi rác lại… về!
Dòng kênh đen ngòm dưới chân cầu Băng Ky.
Người ta đã quen với nếp sống vứt rác bừa bãi, vô ý thức. Họ xem dòng kênh này như một bãi rác lộ thiên. Chính quyền dù có dọn dẹp mấy lần nhưng vẫn không ăn thua” - bà Nương (66 tuổi – có nhà kề dòng kênh), nói với vẻ chán chường.
Vậy tình trạng ô nhiễm xảy ra khi nào? Nghe chúng tôi hỏi, bà Nương lắc đầu vì chẳng biết từ khi nào dòng kênh lại biến thành “chiếc áo rác” như thế. Nhưng một điều mà bà chắc chắn: nguyên nhân đến từ ý thức con người! “Họ vứt rác, xả thải sinh hoạt bất chấp ra dòng kênh mà không nghĩ đến hậu quả về sau”– bà lão bức xúc.
Lục bình và rác thải kết thành từng mảng lớn phủ kín dòng kênh đen
Hàng trăm khu vực ở TPHCM phải bất đắc dĩ trở thành bãi rác do ý thức kém cỏi của một bộ phận người dân. Từ cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương (Q5), đến giao lộ Huỳnh Thị Phụng - Đào Cam Mộc (Q8), trải dài ra các dòng kênh, rạch ở Q.Thủ Đức, Q7 và huyện Nhà Bè… đâu đâu cũng ngổn ngang rác thải.
Bãi rác dã chiến tại giao lộ Huỳnh Thị Phụng - Đào Cam Mộc (Q8) khiến ai đi qua cũng phải khiếp vía
Thậm chí, có bãi rác ô nhiễm còn được tập kết rác đối diện UBND P4, Q8 và cách trụ sở của Công ty TNHH Một thanh viên Dịch vụ công ích Q8 (một đơn vị chuyên dọn rác) chỉ vài bước chân, nhưng bấy lâu nay không thể dẹp bỏ.
Tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh), người dân cũng đang nhức nhối về chuyện rác thải bên trong khu dự án xây dựng khu đô thị lỡ dở mang tên 6A của Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà. “Sống chung với núi rác!” – đó là câu nói ngắn gọn của Nguyễn Bé Tư, một hộ dân, khi được chúng tôi nhờ nhận xét về tình trạng này.
Rác chất cao ở trên đường...
... và phủ kín dưới rạch thoát nước tại khu dự án 6A xã Bình Hưng, H. Bình Chánh
Trong trí nhớ của những người cao tuổi sống dọc bờ kênh Nước Đen (Q.Bình Tân), dòng kênh này trước đây không “thê lương” đến vậy! Lối sống bừa bãi, thờ ơ với ô nhiễm môi trường của một bộ phận người dân, đã “hoá kiếp” cho dòng kênh vốn hiền hoà, trong trẻo.
“Chả ai có thể đi dọn rác suốt được với ý thức “bằng 0” của những người vứt rác. Biết bao lần chính quyền ra chiến dịch dọn dẹp, rồi nạo vét cải tạo lòng kênh, tưởng chừng sẽ thay đổi được thực trạng nhưng rồi cũng bó tay. Dòng kênh mà có suy nghĩ như con người, chắc nó tủi phận lắm!”, ông Tài (65 tuổi – một hộ dân) nói xong, chỉ tay hướng về xác của một con gia xúc đang lềnh bềnh trôi dưới dòng kênh “đen lấp lánh”.
Cần sự chung tay của cả cộng đồng
Đến kênh Chiến Lược (P.Bình Hưng Hoà A, Q.Bình Tân), ai cũng biết phu vớt rácNguyễn Ngọc Đức. Người “thương” dòng kênh này như ông, có lẽ là quá hiếm. “Có hôm ông ấy mệt quá nên ngất xỉu ngay trên bờ kênh. Rất may được mọi người phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời. Vậy mà sáng mai người ta lại thấy ổng lấp ló ra đây vớt rác” – chị Vân (sống ven kênh Chiến Lược), xúc động kể.
Ngày qua ngày, ông Nguyễn Ngọc Đức lặng thầm với rác trên dòng kênh Chiến Lược
Cũng nhờ tinh thần của ông Đức mà tình trạng rác thải trên kênh đã giảm đáng kể. Nhưng chỉ dựa vào công sức của một người thì có lẽ, chuyện dọn rác ở dòng kênh này như “dã tràng xe cát”.“Nhiều lúc đang vớt rác thì nghe tiếng “chủm” rất to, quay lại thì một túi rác to đùng vừa được một người dân quăng ra giữa kênh, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Thấy cảnh đó tôi buồn lắm, nhưng chỉ biết cố gắng dùng vợt để kéo lên chứ biết nói gì hơn” – ông Đức ngậm ngùi.
Đâu chỉ riêng ông Đức nặng lòng với môi trường, cuộc đối thoại giữa công nhân Ngô Chí Hùng (Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM) và Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, đã làm lay động trái tim của hàng triệu người dân thành phố.
Vứt rác dưới kênh, dưới đường chưa đủ, nhiều người còn ngang nhiên thảy xuống cống. Họ đâu biết rằng, đó không chỉ là “sự tiếp tay” khiến thành phố ngập nặng mỗi lúc trời mưa, mà còn vô hình làm đau anh công nhân dọn cống.
Công nhân thoát nước vất vả dọn rác dưới ống cống
“Có những hôm mò trong cống, tôi đạp phải kim tiêm tứa máu, đau thấu tim. Hay khi đang loay hoay đưa rác ra ngoài, tôi bị nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vô đầu...” - anh Hùng nói với lãnh đạo thành phố, rồi mím chặt môi, nước từ từ rớt xuống. Anh khóc, không vì sợ đau, mà buồn cho ý thức con người.
Nói chính xác hơn, đó là giọt nước mắt của một công dân có trách nhiệm, lâu nay dồn nén sự tủi thân khi nhìn thấy thành phố mình yêu quý, bị xâm hại bởi ý thức quá tệ của một bộ phận người dân.
“Tôi rất mong người dân có ý thức hơn nữa trong việc xả rác, đổ chất thải. Việc này sẽ giúp hạn chế ngập úng, góp phần làm đẹp cho thành phố và không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của công nhân thoát nước” - anh gửi gắm.
Rác nổi lều phều, vây kín các ống thoát nước ở kênh 19-5 (Q.Tân Phú)
Nghe đến đây, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn giọng: "Khi nghe tâm sự của anh, mỗi người sẽ có cảm nhận riêng và tôi tin rằng, với lòng tự trọng, mọi người sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình để góp phần làm cho thành phố đẹp hơn, giúp cho những người công nhân như anh đỡ vất vả hơn. Đại diện chính quyền thành phố, tôi xin lỗi anh, xin lỗi tất cả những người làm công tác này. Nếu mỗi người có ý thức thì chuyện này sẽ không xảy ra”.
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM (UDC), mỗi ngày đơn vị này thu gom vận chuyển khoảng 200 tấn bùn lẫn rác trong hệ thống cống thoát nước. Việc rác nhiều dưới cống là do ý thức bỏ rác đúng nơi quy định chưa cao, và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ngập nước. Do thiếu nhân lực nên việc vớt rác chỉ được thực hiện ở các tuyến đường thường xuyên ngập nước do mưa.
Một bãi rác nằm ngay bên dưới tấm bảng cấm đổ rác tại Q.8
UDC cho rằng, để hạn chế tình trạng rác dưới cống rãnh, cần có nhiều biện pháp kết hợp. Đặc biệt là việc tăng cường vận động người dân bỏ rác đúng nơi quy định, tuyên truyền pháp luật về xử lý đối với vi phạm xả rác không đúng quy định nơi công cộng.
“Biện pháp hữu hiệu, bền vững chính là đưa nội dung xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định sẽ gây ngập nước, ô nhiễm môi trường vào các chương trình giáo dục, từ cấp tiểu học cho đến đại học” – một lãnh đạo UDC kiến nghị.
Công an Q8 tham gia dọn rác dưới kênh trong chiến dịch “Hành quân Xanh 2018”.
Vẫn còn đó những dòng kênh, con đường đang oằn mình vì bị “bức tử” bởi ô nhiễm. Biết bao người dân thành phố, hằng ngày phải sống chung với những hiểm họa bệnh tật từ rác thải, do chính bàn tay của… chính con người tạo nên! Bảo vệ môi trường, là câu chuyện không chỉ đặt lên vai của nhà quản lý mà cũng rất cần sự chung tay của cả cộng đồng mà ở đó, ý thức luôn là vấn đề tiên quyết nhất!
Tại
Hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X họp ngày 15 và 16-10-2018, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung 16 giải pháp, trong đó, lưu ý ra quân thực hiện cuộc vận động "Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước" trong 2 năm (từ tháng 10-2018 đến tháng 10-2020), góp phần hỗ trợ UBND TP.HCM triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động gô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020
Anh Trần Đỗ Nam Long, Phó Bí thư Quận đoàn Q.1Để thành phố sạch, đẹp, không rác, rất cần sự chung tay của mọi người dân, trong đó thanh niên phải là người đi đầu trong thực hiện và truyên tuyền. Ngoài dọn vệ sinh, các bạn thanh niên còn phải tích cực tuyên truyền để người dân có ý thức trong giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi xuống đường gây tắc nghẽn cống. Theo tôi, đây là việc làm cần được duy trì và kiên nhẫn trong thời gian dài. Chỉ khi người dân hiểu, có ý thức giữ gìn, có sự chung tay thì mới giúp môi trường sống được sạch, đẹp.