Cấp bách lấy lại vị thế các đặc sản ở Đồng bằng sông Cửu Long:

Kỳ cuối: Cơ quan chức năng, chuyên gia nói gì?

Thứ Sáu, 19/10/2018 14:59  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Mới đây, Báo Công an TP.HCM trao đổi với cơ quan chức năng để tìm hiểu về những tồn tại của một số loài cây, con chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài những nhận định nhiều chuyên gia còn “hiến kế” vực dậy sản phẩm thế mạnh của vùng.

ẤP, XÃ BIẾT NHƯNG LÀM NGƠ?

Việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng thực hiện tinh vi. Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Hà Văn Buôl - Chánh thanh tra Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết: “Khó khăn nhất trong kiểm tra, kiểm soát việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu là các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi một cách tinh vi tại nơi hẻo lánh, chuyển đổi hoạt động đến vùng sâu, vùng xa, có rào chắn, cử người canh giữ”.

Tôm bơm tạp chất ngày càng tinh vi

Theo lời ông Buôl, theo phân cấp của Bộ NN&PTNT doanh nghiệp chế biến xuất khẩu do bộ quản lý, kiểm tra chứng nhận điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và thanh kiểm tra xử lý vi phạm. Từ đó, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng địa phương gặp nhiều khó khăn.

Ông Buôl dẫn chứng: “Vào kiểm tra bảo vệ mời ngồi xin ý kiến cả tiếng đồng hồ và nếu có vi phạm cũng chẳng còn gì. Điều đặt ra là những tụ điểm nhỏ chích nếu nhà máy không thu mua vậy họ sẽ đem đi đâu? Khi cho lô hàng đi xuất khẩu đều cấp mã code, vậy kiểm tra là ai mà tại sao không phát hiện?

Nếu trường hợp thị trường Trung Quốc ngừng mua tôm Việt Nam hoặc cơ quan chức năng kiểm soát chặt việc nhập khẩu thực phẩm những lô hàng này không thể tiêu thụ được”.

Ông Buôl còn cho biết thêm, việc bơm tạp chất vào tôm có thể lây nhiễm vi sinh vì rau câu bẩn, để hôi thối qua đêm, cách làm trên tạo cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp và đại lý.

“Khi những doanh nghiệp bơm tạp chất mua ký tôm 150 ngàn còn những người không làm mua tôm 140 ngàn không dám mua. Điều đó vô hình chung thúc đẩy con người ta phải làm theo. Nếu đấu tranh không đồng loạt, bắt ở Bạc Liêu sẽ chạy sang Cà Mau dẫn đến hiện tượng mất nguồn nguyên liệu, công nhân thất nghiệp. Do vậy việc đấu tranh phải đồng loạt, công bằng mới hy vọng chấm dứt được tình trạng này”, ông Buôi cho biết.

Tôm tạp chất sẽ giảm nếu đấu tranh đồng bộ.

Được biết, hồi giữa tháng 5-2017, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức cho các huyện, thị, thành phố ký cam kết trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc “nói không” với tôm tạp chất. Theo đó, Bạc Liêu đặt mục tiêu đến đầu năm 2018 sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng trên.

Trong quá trình quản lý điều hành mà địa bàn phụ trách để xảy ra hoặc không thực hiện đúng cam kết Chủ tịch cấp huyện hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Thế nhưng việc cam kết trên đến nay vẫn chưa được áp dụng.

“Nhiều cơ sở người chủ bị xử phạt sau đó vẫn tiếp tục làm. Đến khi bị phát hiện sẽ đưa người thân ra nhận, đặc biệt có người bị bệnh tai biến và khi ra quyết định người đó đã chết. Ông xã, ông ấp biết hết các tụ điểm bơm, chích tạp chất nhưng họ chưa kiên quyết dẫn đến còn tồn tại tình trạng trên”, ông Buôl cho hay.

GẠO VIỆT BỊ “ĐÁNH TRÁO” THƯƠNG HIỆU

Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, cho biết: “Vùng ĐBSCL có 4,3 triệu héc-ta đất gieo trồng lúa. Mỗi năm, khu vực có nhu cầu từ 420.000 - 450.000 tấn giống. Viện Lúa ĐBSCL chỉ cung ứng được 50%, trong đó hệ thống chính quy chỉ khoảng từ 20 – 30%, còn lại là nông hộ.

Đối với 50% nhu cầu sản xuất còn lại người dân tự giữ lúa ăn lại làm giống. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến chất lượng gạo bởi lẫn lúa cỏ”.

Hiện nay, lúa gạo Việt Nam đang diễn ra tình trạng bị đánh tráo thương hiệu.

Viện trưởng Thạch cho rằng, hiện nay nhiều nơi đặt loạn xạ tên thương hiệu gạo như: Thơm Lài, Thơm Thái, Thơm Đài Loan, Thơm Sữa… nhưng thực tế giống không có tên nào như thế. Đó gọi là hình thức đánh tráo thương hiệu.

“Có khả năng các loại gạo đó là giống của mình nhưng thông qua công nghệ chế biến, ủ, phun sương… họ làm gạo đục đi để đặt tên thành gạo ngoại. Việc đặt tên như thế cơ quan chức năng rất khó trong việc giám sát.

Ngoài ra, hiện nay có tình trạng nhập gạo Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Lý do dẫn đến việc đó bởi họ đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng. Cụ thể, Thái Lan, Campuchia một năm họ trồng 1 vụ và sử dụng giống lúa địa phương nên chất lượng gạo tốt hơn của mình”, Viện trưởng chỉ ra thực trạng hiện nay của gạo “nửa nội, nửa ngoại”.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Thạch, nấy năm gần đây, tỷ trọng sản xuất lúa chất lượng tăng. Theo thống kê lúa chất lượng chiếm từ 70 – 80% tùy theo từng vụ. Hiện khu vực có nhiều dòng gạo chất lượng cao như: ST, Nàng Hoa 9… vẫn cạnh tranh được, bán giá thị trường ở mức cao.

Nhiều loại lúa Việt Nam trồng nhưng mang danh gạo ngoại.

Nói về việc quản lý các mặt hàng gạo trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Sanh - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.Cần Thơ, cho rằng: “Mặt hàng gạo không có đặc điểm, ký hiệu riêng để nhận diện mà chỉ nhìn bên ngoài. Về góc độ chuyên môn, ngành chức năng chỉ xử lý các mặt hàng gạo ngoại.

Tuy nhiên mặt hàng này ra thị trường với nhiều tên gọi như: Thái Lan, Campuchia, Đài Loan… nhưng rất khó xử lý bởi việc kiểm nghiệm xác định được gạo nào là ngoại, gạo nào là gạo nội không phải đơn giản. Do vậy cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc xử lý vi phạm nhãn mác”.

CẦN LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT

Tại hội nghị về cá tra giống diễn ra tại TP.Long Xuyên (An Giang), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Năm 2018, với tình hình xuất khẩu thuận lợi, sản lượng tăng, cá tra có thể vuợt mốc 2 tỷ USD. Đây là sản phẩm đặc trưng, các nước khác rất khó cạnh tranh được. Tuy nhiên, để làm chủ thị trường thế giới cần phải liên kết làm ăn từ khâu sản xuất giống cho đến chế biến, chủ động giá bán cho các nhà nhập khẩu”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNTNguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Cường đề nghị các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm, mặt hàng sau chế biến. Sản xuất không được tách tời chế biến, tách rời thị trường mà phải hình thành một chuỗi liên kết. Do vậy cần tổ chức lại ngành hàng, liên kết giữa các hiệp hội, doanh nghiệp phải thực sự tốt.

“Tất cả tập hợp lại thành một khối để đưa ngành hàng này trở thành lợi thế trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tăng cường công tác kiểm soát truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với các doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo các sản phẩm cá tra được sản xuất đúng theo quy định. Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm thực hiện nghiêm các quy đình về quản lý điều kiện sản xuất, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Đồng thời tích cực phối hợp xử lý các rào cản thị trường, xây dựng thương hiệu, hợp tác để ứng phó kịp thời với cạnh tranh thương mại từ các quốc gia khác”, Bộ trưởng Cường chỉ đạo.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Viện là nơi sản xuất cây giống chất lượng, đúng giống, sạch bệnh nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chính vì thế nhiều hộ dân tham gia vào sản xuất dẫn đến chất lượng không đảm bảo.

Việc sản xuất của nông dân hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún. Do vậy để việc sản xuất đạt hiệu quả cần dính tới doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Khi vào chung nhóm sẽ sản xuất được sản phẩm chất lượng cao hơn, đồng đều và số lượng đủ lớn để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay số lượng HTX thành công chưa nhiều.

“Những năm gần đây, nông dân năng động liên lạc để nhập các giống cây mới về trồng. Qua đó cho thấy mặt tốt nhưng lại mang tính nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc quản lý. Chúng tôi đề nghị người dân chỉ sản xuất giống được Nhà nước công nhận, chứ nếu không chẳng khác nào sản xuất giùm người ta”, Viện trưởng Hòa nhấn mạnh.

Để sản xuất có hiệu quả cần quy hoạch và liên kết.

Theo lời Viện trưởng Hòa, để việc sản xuất có hiệu quả phải quy hoạch cụ thể, vùng nào sản xuất chủng loại gì, thời gian nào thu hoạch từ đó mới tránh tình trạng thừa hàng dội chợ. Ngoài ra, việc liên hệ với các đối tác để nắm nhu cầu tiêu thụ cũng rất quan trọng bởi từ đó sản xuất đầu vào và đầu ra được kịp thời.

“Trái cây là chủng loại tươi, thời gian bảo quản rất ngắn. Do vậy cần có các giải pháp chế biến trái cây tươi để đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt các doanh nghiệp phải cùng tham gia để nắm bắt được nhu cầu của thị trường.

Những năm gần đây, xuất khẩu trái cây tăng đáng kể nhưng vẫn còn vướng mắc do việc sản xuất nhỏ lẻ. Từ đó dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đối tác số lượng lớn buộc họ phải thu gom từ nhiều địa điểm khác nhau khiến các lô hàng không đồng đều, không đảm bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”, tiến sĩ Hòa cho biết thêm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang