Sài Gòn vào mùa... "đào lên, lấp xuống" (kỳ cuối)

Thứ Bảy, 27/10/2018 20:42

|

(CAO) Điệp khúc “đào lên – lấp xuống” vào dịp cuối năm luôn là nỗi khổ bấy lâu nay mà người dân thành phố phải cắn răng chịu đựng. Báo chí nói nhiều, cơ quan chức năng cũng thấu hiểu, vậy sao chẳng gỡ khổ cho người dân.

Nguyên nhân, theo đơn vị quản lý là tại… “quy trình”. Không lẽ, “quy trình” sinh ra để hành người dân đến thế?

KỲ CUỐI: TRÁCH NHIỆM KHÔNG CAO SẼ GÂY LÃNG PHÍ, PHƯƠNG HẠI ĐẾN XÃ HỘI

Đào lấp theo… quy trình

Tiết lộ của ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM) về nguyên nhân dẫn đến về tình trạng có nhiều công trình thi công đào – lấp đường sá vào thời điểm giáp Tết, là do “quy trình”, đã khiến nhiều bạn đọc cười ra… nước mắt.

Quy trình ở đây, theo người đại diện cơ quan quản lý, là việc thi công phải lên kế hoạch từ đầu năm, bao gồm: thiết kế, phê duyệt, ghi vốn theo quy định… Toàn bộ phải mất khoảng 9 - 10 tháng trở lên mới được duyệt vốn, giải ngân. Và đương nhiên, đến cuối năm mới có đủ điều kiện để bắt tay vào thực hiện.

Vỉa hè thành phố đang chịu cảnh "mang sẹo chi chít"!

Do vậy, ông Đường đã kiến nghị “cần phải thay đổi quy trình” để hạn chế việc các công trình thi công dồn vào cuối năm. Thoạt nghe, có vẻ rằng ý kiến này hợp lý. Tuy nhiên, nếu nhìn vấn đề ở một chiều sâu khác, chúng ta sẽ thấy được rất nhiều điều.

Đồng ý rằng quy trình nêu trên tạo ra một vài vướng mắc nhất định, khiến số lượng các con đường thi công dồn vào một thời điểm, dẫn đến tình trạng mạng lưới giao thông của thành phố, vốn đã quá tải, lại bị đè thêm “cục đá” đào – lấp, khiến nó càng nặng nề hơn gấp bội.

Ngán ngẩm vì những dãy vỉa hè loang lổ

Nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến những bức xúc của người dân? Một dẫn chứng, nếu ai hằng ngày lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, Q1, TPHCM, sẽ không khỏi đau lòng trước thực cảnh bị xuống cấp. Từ một con đường bằng phẳng, đẹp đẽ, chỉ sau một thời gian bị “xẻ thịt”, đã trở lồi lõm, khó đi.

Chính phóng viên trong sáng 26-10 đã phải nhăn mặt khi tuyến đường này do bị xuống cấp sau những “trận” đào – lấp, đã biến thành một bãi bụi, gây ô nhiễm môi trường. Như vậy, có thể thấy việc tái lập đường sá sau thi công quá bầy hầy, vô trách nhiệm mới là nguyên nhân chủ yếu khiến người dân kêu ca.

Đừng đổ lỗi, hãy hành động!

Theo báo cáo của Thanh tra Sở GTVT, tính đến ngày 25-9-2018, thành phố có tổng số 137 vị trí rào chắn trên 59 tuyến đường phục vụ thi công các công trình thiết yếu. Ngoài ra còn các công trình lắp đặt, ngầm hóa lưới điện, viễn thông, dây thông tin; sửa chữa, thay thế, phát triển mạng lưới ống cấp nước mục, nghẹt; lắp đặt mới cống thoát nước, giảm ngập hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ khác có thời gian thi công từ 22 đến 05 giờ sáng hôm sau, hoàn trả mặt bằng vào ban ngày.

Lạ một điều, khi chúng tôi đặt câu hỏi “Ai sẽ chịu trách nhiệm cho tình trạng đào – lấp đường sá, sau đó tái lập cẩu thả, vô trách nhiệm, làm hư đường như hiện nay?”, thì đơn vị quản lý là Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM), đã không đi vào nội dung chính!.

Công tác quản lý hạ tầng đang bị buông lỏng gây phương hại đến toàn xã hội

Theo phòng này, đối với các lô – cốt án ngữ trên đường hiện nay, việc bố trí lực lượng điều tiết, đảm bảo giao thông là quy định bắt buộc mà các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công phải thực hiện theo. Các đơn vị này được yêu cầu phải xây dựng phương án tổ chức phân luồng giao thông cụ thể, trình Sở GTVT thông qua trước khi triển khai thực hiện ngoài hiện trường. Thanh tra Sở Giao thông vận tải, UBND các quận - huyện, các khu Quản lý giao thông đô thị, lực lượng Cảnh sát giao thông là các đơn vị theo dõi, giám sát trong suốt quá trình thực hiện.

Tương tự, với các công trình vi phạm hành vi không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong”, chúng tôi chỉ chị được một phần trả lời có liên quan đến việc quản lý rất ngắn ngọn là “Cần có thời gian để thực hiện một số giải pháp kỹ thuật của ngành”. Như vậy, trách nhiệm vẫn còn bỏ ngỏ bởi đơn vị quản lý đã vin vào những yếu tố khách quan, nếu không muốn nói là đổ lỗi!

Giao thông chen chúc tại... những công trình "điểm"

Trong bài viết trước, Báo CATP đã từng nhắc về công tác quản lý, giám sát từ gốc đối với những hoạt động thi công trên đường sá hiện nay của TPHCM. Nhắc lại góp ý của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội viên Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, rằng cách giải hiện trạng này, trước đây đã được nhiều chuyên gia đô thị hiến kế. Từ việc đề cao vai trò của đơn vị quản lý chung, rút ngắn thủ tục quản lý, xây dựng đề án cải tạo mặt đường một cách đồng bộ… đều cần phải được quan tâm.

Nhưng rõ ràng, vấn đề quan trọng nhất vẫn chính là ý thức trách nhiệm và năng lực của người đứng đầu các đơn vị quản lý. “Chỉ khi họ ý thức được rằng, sự vô trách nhiệm sẽ gây phương hại đến xã hội, gây lãng phí tiền của nhà nước như thế nào thì lúc đó, tình trạng xấu mới được triệt tiêu” – tiến sỹ Nguyên nhấn mạnh.

Một thống kê của Sở GTVT cũng cho thấy, trong 9 tháng năm 2018, Thanh tra sở này đã phát hiện và lập biên bản 636 vụ vi phạm thi công trên vỉa hè, lòng đường, với số tiền xử phạt là hơn 3,8 tỷ đồng. Đáng nói, một số nhà thầu vi phạm, tái phạm thường xuyên trên 10 lần. Trong đó, số hành vi vi phạm “Không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng khi thi công xong” qua các năm vẫn chiếm trên 50%.

Người dân đã quá ngán ngẩm vì mùa "đào lên, lấp xuống"

Một con số khá ấn tượng và nó đã nói lên được rất nhiều lộn xộn trong việc thi công đường sá của thành phố. Thế nhưng, câu hỏi mà chúng tôi và rất nhiều bạn đọc còn muốn biết là liệu Sở GTVT đã “mạnh tay” thật sự bằng cách với một nhà thầu làm ăn cẩu thả nào đó nằm trong số liệu hay chưa, hay vẫn để họ sai, khắc phục rồi lại tiếp tục… sai?

Dù gì đi nữa, sự “mạnh tay” đó cũng chỉ là cách để răn đe. Trên hết, phải có sự giám sát chặt chẽ quá trình thi công. Theo nhiều bạn đọc, nếu cơ quan quản lý làm nghiêm và quyết liệt, thì sẽ không một “ông” thi công nào dám “vượt rào” để tái diễn chuyện trái mắt. Sự quyết liệt ấy đương nhiên không được xây dựng bằng việc đổ lỗi và phủi bỏ trách nhiệm của chính mình.

Khi đang lên khuôn bài viết này, chúng tôi nhận được một văn bản (gửi qua mail) của Sở GTVT, nói về những giải pháp khá bài bản, khoa học trong tương lai. Mong rằng giải pháp đó sẽ được cụ thể hoá bằng hành động thực tiễn và hiệu quả, để người dân không còn khổ mãi vì điệp khúc “đào lên – lấp xuống”…

Sở GTVT TP.HCM đồng ý kiến nghị ngưng đào một số tuyến đường của UBND Q.3

Ngày 16-10, Sở GTVT TP có công văn thống nhất với kiến nghị của UBND Q3, tạm ngừng xem xét cấp phép thi công trên các tuyến đường trên địa bàn quận này, đối với các chủ đầu tư để xảy ra sai phạm. Sở GTVT đề nghị UBND Q3 tổng hợp sai phạm của các chủ đầu tư nêu trên, chuyển Thanh tra Sở để xử lý theo quy định.

Đồng thời, đề nghị UBND Q3 chỉ đạo lực lượng chức năng quận rà soát, xử lý vi phạm theo thẩm quyền được phân công. Các tuyến đường có hiện trạng đào – lấp vô tội vạ nêu trên trước đó được Báo CATP phản ánh nhiều lần, sau khi người dân gọi đến đường dây nóng của báo để bày tỏ bức xúc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang