Thi hành án buộc Grab bồi thường hơn 4,8 tỷ đồng cho Vinasun

Thứ Hai, 22/06/2020 17:40

|

(CAO) Mới đây, ngày 3/6/2020, Tổng Cục thi hành án dân sự TP.HCM ra quyết định thi hành án về việc Công ty TNHH Grab buộc phải bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) số tiền 4.851.946.518 VNĐ sau khi kết thúc vụ kiện ngày 10/3/2020.

Cũng theo quyết định này, nếu Công ty TNHH Grab không thi hành bồi thường khoản tiền nêu trên, thì hàng tháng Công ty TNHH Grab phải thanh toán tiền lãi trên số tiền còn phải thi hành. Grab cũng phải hoàn trả lại cho Vinasun Taxi số tiền chi phí giám định là 347.014.105 VNĐ, ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Grab phải thực hiện quyết định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Theo Vinasun, việc khởi kiện Grab không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình, mà mong muốn đem lại môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp

Theo đó, ngày 10/03/2020 TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định không chấp nhận kháng nghị phúc thẩm số 21/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 14/10/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM và quyết định bổ sung kháng nghị phúc thẩm số 07/QĐ-VC3-KDTM ngày 28/01/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM. Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty TNHH Grab. Giữ nguyên bản án sơ thẩm đã xử với nội dung:

Có đủ căn cứ để xác định, từ ngày 14/02/2014 đến nay Công ty TNHH Grab đã thực hiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (taxi) nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam đối với Công ty TNHH Grab, cụ thể buộc Công ty TNHH Grab bồi thường thiệt cho Công ty CP Ánh Dương Việt Nam số tiền 4.851.946.518 đồng (bốn tỷ tám trăm năm mươi mốt triệu, chín trăm bốn mươi sáu ngàn, năm trăm mười tám đồng).

Ngoài ra Tòa phúc thẩm còn kiến nghị Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền một số vấn đề như: Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của Grab theo quy định của pháp luật; sửa đổi nội dung “Đề án 24” cho phù hợp với thực tế (nếu tiếp tục thực hiện đề án này); kiến nghị Bộ Tài chính và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giải pháp quản lý về giá cước vận chuyển, về thuế đối với Cty TNHH Grab theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp kinh doanh vận tải; kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm Cty TNHH Grab trong việc thực hiện các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động tham gia làm việc cho “Grab” theo đúng quy định.

rước đó, vụ Vinasun kiện Grab ra toà đã gây xôn xao dư luận, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng. Theo Vinasun, việc khởi kiện Grab không phải chỉ để bảo vệ quyền lợi của mình, mà mong muốn dùng quyết định của Toà án để đem lại môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang