(CATP) Tuyến xe buýt (XB) số 10 hoạt động từ Tiền Giang qua bến bãi huyện Cần Đước (Long An) gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân được xác định do chủ trương lãnh đạo huyện thiếu nhất quán…
Năm 2015, sau khi thống nhất chủ trương chung, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Long An và Sở GTVT tỉnh Tiền Giang chấp thuận cho tuyến XB số 10 của Công ty vận tải ôtô Tiền Giang đấu nối với tuyến buýt 62.9 (tuyến buýt phà Mỹ Lợi - Bến xe (BX) quận 8, TPHCM) của Hợp tác xã (HTX) Đồng Hiệp. Vị trí đấu nối tại bãi đậu xe khu dân cư (KDC) Việt Hóa thuộc xã Phước Đông, huyện Cần Đước. Đến năm 2017, HTX Đồng Hiệp liên kết với các đơn vị vận tải khác kéo dài hành trình tuyến 62.9 thêm 17km đến BX thị xã Gò Công (Tiền Giang), bỏ điểm kết nối ở KDC Việt Hóa.
Cũng từ chủ trương này, từ tháng 10-2019 Công ty TNHH Việt Hóa thông báo cấm không cho XB số 10 vào KDC đậu. Không có bến bãi để dừng đậu đảm bảo an toàn, buộc tài xế XB số 10 phải dừng dọc QL50. Nhiều nhà xe than phiền, tuyến xe gì mà chẳng có bến, sau đó cứ tìm chỗ trống để đậu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Theo đơn vị quản lý thời điểm này, tuyến XB số 10 gặp nhiều khó khăn về chi phí vận chuyển, trong khi đó điểm kết nối ở KDC Việt Hóa thì không có khách. Không những vậy, lượng khách trên tuyến QL50 từ Phước Đông đến TX Gò Công bị giảm chỉ còn 1/3 do trùng tuyến buýt 62.9.
Để nhà xe tiếp tục hoạt động hợp pháp trên tuyến, Công ty vận tải ôtô Tiền Giang đã có nhiều văn bản gửi các Sở GTVT Long An, Tiền Giang và UBND huyện Cần Đước xin dời điểm cuối tuyến đến bãi đậu xe Tân Lân thuộc tuyến buýt 62.2 (Tân Lân - Chợ Lớn) của HTX vận tải Thanh Bình. Đây cũng có thể xem là giải pháp phù hợp, đồng thời phục vụ hành khách tỉnh Tiền Giang và huyện Cần Đước (Long An) có nhu cầu đi TPHCM được thuận lợi hơn. Ý kiến của công ty cũng được sự đồng thuận của tài xế và người dân Long An, Tiền Giang.
Do không có bến bãi,
xe buýt số 10 phải đậu ven QL50
Ban đầu, ông Phan Văn Tưởng - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Đước - xác nhận đồng ý chủ trương kéo dài tuyến buýt số 10 đến bãi Tân Lân. Qua đó, lộ trình phải đi theo QL50 thuộc tuyến tránh thị trấn Cần Đước để kết nối vào bãi Tân Lân, không vào nội ô thị trấn Cần Đước. Tại cuộc họp ngày 30-7, có mặt đại diện các HTX vận tải trên địa bàn Cần Đước và Công ty vận tải ôtô Tiền Giang, Phó chủ tịch UBND huyện đồng ý chủ trương cho tuyến số 10 nối vào bãi Tân Lân.
Nhưng chỉ hơn tháng sau, ngày 9-9 ông Tưởng lại ký văn bản trả lời kiến nghị của Công ty vận tải ôtô Tiền Giang, yêu cầu công ty rút xe về phía Tiền Giang đậu. Phó chủ tịch UBND huyện cho rằng, hiện nay trên địa bàn huyện chưa có BX đủ điều kiện đáp ứng quy định hiện hành, khi nào có bến bãi đúng quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật, UBND huyện sẽ tạo điều kiện để các đơn vị vận tải vào kinh doanh, khai thác. Một văn bản khác đề cập, trong khi chờ các cơ quan, ban ngành giải quyết đề nghị kết nối tuyến và UBND lập quy hoạch, xây dựng BX theo quy định thì tuyến XB số 10 đã về Tiền Giang có điểm đầu, cuối tuyến là BX Tiền Giang và Gò Công. Như vậy, tuyến đầu và tuyến cuối của XB này không còn ở huyện Cần Đước.
Bức xúc kiểu chỉ đạo của UBND huyện, ngày 22-9 ông Đỗ Văn Chung - Giám đốc Công ty CP vận tải ôtô Tiền Giang - cho biết, công ty đã gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Long An trong việc giải quyết "không giống ai" của đại diện lãnh đạo UBND huyện Cần Đước về tuyến XB số 10, để tìm lại sự công bằng.
"Tuyến này có điểm đầu là BX Mỹ Tho (Tiền Giang) đi theo lộ trình trên QL50 đến điểm cuối bãi đậu xe Tân Lân (Cần Đước) là phù hợp, nhưng chính quyền viện lý do gây khó khăn cho công ty và nhà xe hoạt động", ông Chung bức xúc. Theo Giám đốc công ty, tuyến XB của ông hoạt động mấy chục năm ở nhiều tuyến giao thông liên huyện, liên tỉnh nhưng chưa bao giờ tài xế để xảy ra vi phạm nghiêm trọng phải xử lý. "Chúng tôi luôn chọn tiêu chí phục vụ khách và phối hợp tốt với chính quyền", ông Chung khẳng định.