Vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại: Tai nạn chực chờ

Thứ Hai, 01/11/2021 17:48

|

(CATP) Dù đã bị cấm, nhưng hàng ngày trên các tuyến đường tại địa bàn TP.Hồ Chí Minh, nhiều người tham gia giao thông vẫn có thói quen vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động. Không chỉ nghe và gọi, họ còn vô tư lướt Facebook, Zalo, nhắn tin... khi đang điều khiển phương tiện khiến những người chứng kiến không khỏi bức xúc.

TIỀM ẨN NGUY CƠ GÂY CHẾT NGƯỜI

Theo các cơ quan chức năng, trong các trường hợp gây tai nạn giao thông, nguyên nhân do người lái xe thiếu tập trung quan sát thường chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó có hành vi vừa lái xe vừa nghe ĐTDĐ. Đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại... gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn.

Anh Ngô Văn Anh (ngụ Q.Tân Phú) bức xúc: “Tôi thấy nhiều người đang điều khiển xe máy nhưng vẫn sử dụng điện thoại. Mới đây, trên đường 3 Tháng 2 (Q10), dù lưu lượng phương tiện rất đông, nhưng nam thanh niên một tay điều khiển xe máy, tay kia lướt phím điện thoại nhắn tin. Đến khu vực chờ đèn đỏ, do không để ý phía trước, anh ta vượt luôn và suýt đâm vào một ôtô khiến mọi người xung quanh đều hoảng hốt.

Chúng ta thường xuyên bắt gặp những hình ảnh này trên đường phố

Khi đời sống xã hội phát triển, chiếc điện thoại thông minh là vật bất ly thân đối với nhiều người, đặc biệt đối với giới trẻ. Hình ảnh nhiều nam thanh nữ tú vừa chạy xe máy, ôtô vừa dán mắt vào màn hình điện thoại rất quen thuộc trên nhiều tuyến đường. Họ lý giải có nhiều việc quan trọng phải giải quyết, nhưng xét cho cùng, không có cuộc gọi hay tin nhắn nào quan trọng bằng sinh mạng của chính mình và những người chung quanh.

Chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ Q3) cho biết, hiện nay mạng xã hội phát triển nên thu hút nhiều người (chủ yếu là giới trẻ) sử dụng điện thoại thông minh. Điều đáng nói, họ vừa lái xe vừa gọi điện, nhắn tin, lướt Facebook, Zalo rất nguy hiểm. Một buổi chiều giữa tháng 10-2021, trên đường Lý Thái Tổ, một người đàn ông vừa chạy xe vừa “nấu cháo” điện thoại nên đã tông vào dải phân cách và ngã nhào. Cũng may người này chỉ bị trầy xước nhẹ, còn chiếc xe thì hư hỏng nặng.

Ngoài ra, cánh tài xế xe ôm công nghệ còn trang bị luôn giá điện thoại đặt trước đầu xe máy để vừa chạy xe vừa “dán mắt” đọc tin nhắn, hoặc tìm đường, tính cước phí nên không thể quan sát được các phương tiện đang lưu thông xung quanh. Một tài xế GrabBike cũng thừa nhận bản thân cũng từng vừa chạy xe tìm đường, liên hệ với khách bằng hình thức này. Biết rằng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhưng vì công việc bắt buộc phải thế (?!).

Thiết nghĩ, ngoài ý thức của các tài xế, cùng việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, các hãng xe ôm công nghệ cũng phải có vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quản lý chất lượng tài xế để họ luôn đề cao ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông, đảm bảo sự an toàn cho hành khách thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, các lớp đào tạo về ATGT cho các lái xe của mình.

CẦN XỬ LÝ NGHIÊM

Luật Giao thông đường bộ quy định, người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông không được nghe điện thoại. Nếu trường hợp khẩn cấp thì phải tấp xe vào lề đường, dừng xe rồi mới nghe điện thoại. Theo quy định, tại Ðiểm a Khoản 4 Ðiều 5 của Nghị định 100/2019/NÐ-CP, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự lưu thông trên đường, dùng tay sử dụng điện thoại di động. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng.

Chúng ta thường xuyên bắt gặp những hình ảnh này trên đường phố

Ðối với mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và xe gắn máy, Nghị định 100/2019/NÐ-CP phạt tiền từ 600.000 - 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe sử dụng dù, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Thực hiện hành vi này nếu gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2-4 tháng.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lái xe sử dụng điện thoại là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến tai nạn. Nghiên cứu cho thấy, tốc độ phản ứng của người lái xe khi sử dụng điện thoại giảm tới 50%. Việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông sẽ gây phân tâm, hạn chế khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung; khả năng điều khiển, kiểm soát tốc độ khi gặp tình huống bất ngờ bị giảm mạnh, trở nên lúng túng, không xử lý kịp thời rất dễ gây ra tai nạn.

Ðể hạn chế tình trạng “nghiện” điện thoại trong lúc đang lái xe, ngăn ngừa tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xảy ra, các cơ quan chức năng cần nâng cao tuyên truyền để mọi người nhận rõ sự nguy hiểm của việc này. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng, người điều khiển phương tiện nên tấp xe vào lề đường để sử dụng điện thoại. Ngoài ra, những hành vi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện giao thông cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo an toàn tính mạng bản thân và người cùng tham gia giao thông.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng ĐTDĐ khi lái xe có nguy cơ TNGT cao gấp 4 lần so với không sử dụng ĐTDĐ. Còn theo phân tích của cơ quan chức năng, số vụ TNGT do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu bia.

Bình luận (0)

Lên đầu trang