NHAN NHẢN TRÊN PHỐ
Dù đã bị cấm từ năm 2008, các loại xe ba gác, xe máy kéo theo thùng hàng vẫn là loại phương tiện phổ biến ở TPHCM. Do đặc điểm nhỏ gọn, các loại xe này được người dân tin dùng vì có thể giao hàng hóa tới mọi nơi, kể cả những con hẻm nhỏ trên địa bàn thành phố. Do vậy, dù đa số những chiếc xe này đều là xe tự chế, không có đầy đủ các giấy tờ pháp lý để lưu thông nhưng đây vẫn là một dạng phương tiện có sức sống dai dẳng, khó để lực lượng chức năng dẹp bỏ hoàn toàn.
Ở hầu hết mọi tuyến đường nội thành, không khó để thấy cảnh tượng xe máy, ôtô lưu thông cố luồn lách, chạy lên vỉa hè để né tránh khi đi ngang những chiếc xe tự chế này. Sáng 22-12, khu vực đường Phạm Thế Hiển (P6 và P7Q8) có hàng chục chiếc xe 3 - 4 bánh tự chế lưu thông tấp nập. Hầu hết những chiếc xe này thuộc sở hữu của những người bán hàng rong, trái cây... và được "chế" lại để phục vụ việc mua bán hàng ngày.
Vụ tai nạn do xe ba gác máy gây ra tại H. Bình Chánh
Khoảng 9 giờ cùng ngày, chỉ trong khoảng 1km tính từ khu vực cầu Bà Tàng (P6Q8) có đến 5 chiếc xe tự chế lưu thông ngang nhiên giữa đường. Trong đó, một chiếc xe máy vi phạm luật rất nghiêm trọng khi được chế lại để kéo theo thùng hàng rau củ quả. Bản thân chiếc xe chiếm hơn phân nửa làn đường, lại được chủ nhân trang bị thêm 2 cây dù kích thước lớn phía trên. Lưu thông suốt một quãng đường dài, chiếc xe chạy ngang dọc, thỉnh thoảng thắng gấp khi có người hỏi mua hàng.
Tương tự, một chiếc xe khác cũng vi phạm nặng nề khi được chế lại để chở cam. Mặc cho nhiều người cùng lưu thông trên đường tỏ vẻ khó chịu, chủ của chiếc xe tự chế này vẫn chiếm gần trọn một làn đường, vừa chạy vừa bật loa rao hàng inh ỏi. Chiếc xe hoàn toàn không có kính chiếu hậu nên chủ xe tên H. không để ý có đến 3 - 4 chiếc ôtô đang nối đuôi phía sau vì đường quá chật, không thể vượt dù đã bóp kèn nhiều lần.
Xe chở cam được "chế" lại với giá chỉ vài triệu đồng
Xe chở rau củ quả không biển kiểm soát trên đường Phạm Thế Hiển
Chị Hồng (nhà ở đường Phạm Thế Hiển) chia sẻ: Không hiểu sao cỡ 2 tháng nay, những chiếc xe kiểu này xuất hiện rất nhiều trên đường. Bề rộng của xe đến 2 - 3m, người chạy không cần biết trước sau có ai đang lưu thông hay không, cứ thế vừa đi vừa rao bán hàng. Đã có nhiều vụ tai nạn do những chiếc xe này bất ngờ bẻ lái đột ngột để vào lề bán hàng nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý. Ngoài ra, do mặt đường Phạm Thế Hiển tương đối nhỏ, những chiếc xe tự chế kiểu này thường xuyên dẫn đến tình trạng kẹt xe khi ôtô không có cách nào vượt lên trước.
Nhiều người dân cũng bày tỏ bức xúc khi vài tháng trở lại đây, các loại xe 3 - 4 bánh tự chế xuất hiện tràn lan dọc tuyến đường Phạm Thế Hiển. Chị Dương (nhà ở P6Q8) bức xúc: "Tuyến đường này có nhiều cửa hàng bán nệm mút, bao bì, vật liệu xây dựng... nên lượng xe tải, xe ba gác qua lại mỗi ngày rất nhiều. Mấy tháng nay lại thêm xe chở trái cây xuất hiện khiến cả con đường như cái chợ di động. Thật sự đi xe máy ở đây rất ám ảnh, dù mình luôn tuân thủ luật lệ giao thông, lái xe quan sát cẩn thận nhưng vẫn luôn nơm nớp lo sợ những chiếc xe tự chế hay xe ba gác chở hàng hóa cồng kềnh cứ liên tục rẽ trái rồi lại lách qua phải không báo trước".
Anh B. (bán trái cây), một người cũng sở hữu chiếc xe tự chế cho biết: "Do tình hình buôn bán cả năm ế ẩm vì dịch nên nhiều người, trong đó có tôi, không đủ tiền để thuê mặt bằng như trước. Sau khi nghỉ suốt mấy tháng trời, nhiều anh em khi bán lại rủ nhau "chế" xe lưu động như vầy để dễ di chuyển, dễ dừng dọc đường bán hàng. Lỡ đậu trước nhà người ta bị đuổi đi thì ra chỗ khác bán tiếp".
Theo anh B., chiếc xe tự chế chỉ tốn mấy triệu đồng vì anh dùng chiếc xe Dream của mình có sẵn, nhưng tiết kiệm cho anh được gần 5 triệu/tháng so với việc thuê vỉa hè trước cửa nhà người dân để bày bán hàng hóa. "Cũng biết là vi phạm giao thông, bày xe ra đường thì khó cho người khác đi lại nhưng vì miếng cơm nên đành phải cắn răng mà làm" - anh B. phân trần.
Hàng loạt xe chở hàng tự chế dừng trên đường Lý Thường Kiệt chờ khách gọi đi giao hàng
ÁM ẢNH KINH HOÀNG
Ngoài khu vực Q8, các quận khác như Q9, Q12, Q.Thủ Đức, Q.Gò Vấp, Q.Bình Tân..., tình trạng xe ba gác, xe 3 - 4 bánh tự chế hoạt động rầm rộ cũng bắt đầu quay trở lại. Hầu hết những xe này rất thô sơ, cũ kỹ, nhiều chiếc được sử dụng để chở vật liệu xây dựng cồng kềnh, sắc nhọn như kính, tôn nhôm, sắt, thép... không được chằng buộc kỹ lưỡng trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho người dân.
Trên tuyến QL1A (đoạn qua Q12, H.Bình Chánh...), khi xe tải, xe khách lưu thông đông đúc, nhiều xe 3 - 4 bánh tự chế chất đầy sắt thép vẫn liên tiếp lạng lách để vượt mặt. "Giờ ra đường không còn sợ nhất công nông nữa mà phải sợ xe tải với xe ba gác máy. Thùng xe cơi nới trái luật, chở hàng cồng kềnh không thể quan sát được phía sau lẫn 2 bên hông mà chạy thì lúc nào cũng như đang đi đua xe", một chủ quán nước ven QL1A lắc đầu ngán ngẩm.
Còn anh Trần Văn Hữu (H.Bình Chánh, chủ tiệm vật liệu xây dựng): "Chở vật liệu xây dựng như cát, gạch đá thì phải chở xe nhỏ mới len lỏi được vào hẻm giao hàng. Xe ba gác là rẻ nhất, chỉ cỡ 30 triệu đồng/chiếc chứ như tụi tôi làm gì có tiền đầu tư mua xe tải. Hồi xưa tôi còn giao hàng bằng xe ba gác đạp, nhưng giờ để cho nhanh thì phải mua ba gác máy dù biết xe không có giấy tờ gì”.
Dù vậy, các vụ việc thương tâm khi xe tự chế gây tai nạn chết người xảy ra trên địa bàn TPHCM không phải là hiếm. Ngày 2-11, khu vực H.Bình Chánh xảy ra một vụ tai nạn do xe ba gác máy gây ra. Theo đó, xe ba gác máy gắn BS: 60R1-7234 khi chạy trên đường Liên ấp 6-2, hướng từ đường Quách Điêu về đường Kênh Trung Ương đã tông vào ông T. (62 tuổi, quê Đồng Tháp) đang đi bộ dưới lòng đường. Do quá hoảng loạn, tài xế tiếp tục tông gãy cột biển báo giao thông và bảng quảng cáo của một tiệm thuốc tây trên vỉa hè rồi mới dừng lại.
Trước đó, ngày 1-10, một chiếc xe ba gác chở cửa cuốn và sắt thép lưu thông trên đường Trần Văn Chẩm (H. Củ Chi) đã tông trực diện xe máy BS: 54Y6-0933. Vụ tai nạn làm bé Y. (13 tuổi) tử vong tại chỗ. Hiện trường vụ việc rất kinh hoàng khi thi thể bé Y. dính chặt vào một bên hông xe ba gác.
Xe ba gác máy tự chế với bánh xe xiêu vẹo chạy với tốc độ cao
Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Ngọc Tường (Phó ban chuyên trách Ban ATGT TPHCM) cho biết, từ các vụ tai nạn do xe 3 - 4 bánh tự chế gây ra có thể thấy sự nguy hiểm, mất an toàn giao thông của loại phương tiện này. Vừa qua, UBND TPHCM đã chỉ đạo các quận huyện khẩn trương tổ chức rà soát, thống kê số lượng, tình trạng sử dụng và thông tin liên quan đến người sử dụng các loại phương tiện 3 - 4 bánh tự chế đang hoạt động trên địa bàn.
Còn theo thống kê của Sở Giao thông vận tải TPHCM, hiện trên địa bàn thành phố vẫn có khoảng 30.000 xe tự chế, xe 4 bánh gắn động cơ chở hàng hoạt động. Đáng nói, trong số này chỉ có... 1 xe còn thời hạn của Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Vấn đề kiểm soát, hạn chế các phương tiện xe tự chế 3 - 4 bánh và xe chở hàng đã được Chính phủ và TPHCM nêu ra cách đây hơn 10 năm. Cụ thể, Nghị quyết 32 ngày 29-6-2007 của Chính phủ nêu rõ việc đình chỉ lưu hành đối với nhiều loại phương tiện, trong đó có xe 3 - 4 bánh tự chế, bắt đầu từ năm 2008. Cùng với đó, Thủ tướng cũng ban hành quyết định hỗ trợ các chủ xe thuộc diện bị cấm, để họ có điều kiện thay thế phương tiện hoặc chuyển đổi việc làm.
Thực hiện lệnh cấm, từ đó đến nay TPHCM đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3 - 4 bánh tự chế, đồng thời chi 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Tuy vậy, tất cả những nỗ lực này vẫn không làm xe 3 - 4 bánh tự chế trở nên ít đi mà thậm chí còn xuất hiện nhiều hơn.