Bình Dương: Xử lý nghiêm xe tự chế không bảo đảm an toàn

Chủ Nhật, 08/09/2024 18:23  | Nam Anh

|

(CATP) Trước những nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng như ảnh hưởng mỹ quan đô thị, thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Dương đã tập trung xử lý xe ba bánh tự chế, xe chở hàng cồng kềnh. Kết quả cho thấy, tình trạng chở hàng cồng kềnh, vi phạm an toàn giao thông đã giảm rõ rệt.

Thời gian qua, tình trạng nhiều xe ba, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp, không bảo đảm an toàn, được sử dụng để chở hàng hóa cồng kềnh trên một số tuyến đường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Lực lượng chức năng đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, cũng như tăng cường công tác tuần tra, phát hiện xử lý vi phạm, nhưng tình trạng xe "tự chế", không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên đường, làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Từ thực trạng trên, Công an tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông liên quan xe ba, bốn bánh tự chế, xe môtô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn. Trong giai đoạn 1 của Kế hoạch đến ngày 14/9/2024, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an các thành phố, thị xã, huyện... tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến việc cấm sản xuất, sử dụng xe tự chế tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, lên án những hành vi vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh, điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

Để bảo đảm thực hiện hiệu quả, Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động của các xưởng cơ khí, cơ sở sản xuất, lắp ráp xe tự chế, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như mua bán linh kiện, phụ tùng xe không nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ; sử dụng khung, máy, linh kiện của các phương tiện khác nhau để lắp ráp thành phương tiện mới và các vi phạm khác liên quan đến điều kiện đăng ký kinh doanh, phòng cháy chữa cháy... Yêu cầu cam kết không sản xuất, giao dịch với loại xe này. Việc xử lý triệt để từ "gốc" sẽ khiến nguy cơ mất TTATGT từ loại hình xe tự chế này giảm đáng kể.

Một số hình ảnh xe tự chế chở hàng cồng kềnh, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông

Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê danh sách thương binh, bệnh binh, người khuyết tật trên địa bàn hiện đang sử dụng xe tự chế, ghi nhận đầy đủ các thông tin như: họ tên, địa chỉ, số căn cước, số thẻ hoặc giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh; loại thương binh, hạng thương tật; loại xe tự chế đang sử dụng, số máy, số khung, ghi nhận hình ảnh, đặc điểm của xe tự chế... Qua đó, có cơ sở để xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật hoặc các đối tượng giả danh thương binh, bệnh binh, người khuyết tật nhằm mục đích "bảo kê” cho xe tự chế, xe kéo hoạt động.

Trong Giai đoạn 2 từ ngày 15/9, lực lượng Cảnh sát giao thông và Công an các địa phương trong tỉnh tổ chức lực lượng, tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến người điều khiển, chủ phương tiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe môtô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn phụ trách trên tinh thần "Thượng tôn pháp luật", "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Trong thời gian tới, Công an tỉnh Bình Dương đề nghị người dân dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không sử dụng phương tiện xe lôi, xe 3, 4 bánh tự lắp ráp hoặc sử dụng giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đừng vì mưu sinh, kiếm sống cho bản thân và gia đình mình mà bất chấp quy định của pháp luật, gây nguy hiểm cho chính người lái xe và những người tham gia giao thông.

Bình luận (0)

Lên đầu trang