Xe tự chế, xe cũ nát vẫn tung hoành: Xử phạt không giải quyết tận gốc vấn đề!

Thứ Hai, 07/03/2022 10:12  | Đức Nam

|

(CATP) Hàng năm, các ngành chức năng ở TPHCM lại rầm rộ mở các đợt cao điểm nhắm vào nhóm xe thô sơ, 3 - 4 bánh, xe tự chế; các phương tiện thuộc diện "mù”, "mờ" không rõ nguồn gốc đang ngày càng tung hoành khắp các "hang cùng ngõ hẻm", gieo rắc nhiều nỗi ám ảnh với người đi đường. Thế nhưng, chỉ cần đợt cao điểm đi qua, tình hình đâu lại vào đó. Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng vấn nạn này vẫn triệt xong lại mọc.

Xe chủ giao, bắt chủ lo

Tuần qua, Phòng CSGT Công an TPHCM liên tục tổ chức các chuyên đề nhằm xử lý tình trạng xe thô sơ, 3 - 4 bánh, xe tự chế không đảm bảo an toàn, chở hàng quá tải, cồng kềnh tham gia giao thông trên đường. Đây không phải đợt ra quân rầm rộ đầu tiên mà đơn vị này triển khai. Tuy nhiên, cứ vào mỗi đợt cao điểm xử lý, nhiều chủ sở hữu xe "cà tàng", xe tự chế lại tìm cách "né” lực lượng chức năng.

Lý do mà đại đa số người điều khiển phương tiện bao biện về việc sử dụng xe tham gia giao thông không đảm bảo an toàn, kỹ thuật để vận chuyển hàng hóa luôn là câu chuyện kinh tế. Dù họ ý thức rõ việc sử dụng các loại xe không đảm bảo an toàn để chở hàng là vi phạm luật giao thông đường bộ, dễ phát sinh tai nạn nhưng vì lợi ích kinh tế nên vẫn... ngó lơ. Nhưng dù lý do gì cũng phải thượng tôn pháp luật. Không thể biện minh vì nghèo, phương tiện xe thô sơ, tự chế là cần câu cơm, rồi bắt người đi đường gánh nguy hiểm cùng mình...

Lực lượng CSGT TPHCM xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển hàng hóa cồng kềnh

Quá trình ghi nhận thực tế của phóng viên lại cho thấy một thực trạng ngược lại. Bên cạnh một bộ phận người dân thực sự có thu nhập thấp, thiếu vốn để chuyển đổi phương tiện mưu sinh thì đa phần người còn sử dụng số xe này và xem đây là hình thức vận chuyển hàng hóa được ưu tiên lại là các chủ cửa hàng kinh doanh - người được xem là có điều kiện về kinh tế.

Việc sử dụng các loại xe tự chế, xe "cà tàng" mà không chuyển đổi phương tiện được số chủ cơ sở kinh doanh lựa chọn, bởi sẽ mang đến cho họ nhiều lợi nhuận hơn. Cụ thể, chủ kinh doanh sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn trong việc mua sắm, bảo dưỡng phương tiện, giảm được giá thành vận chuyển hàng, dễ dàng đi lại trong nội ô trong bối cảnh TP đã áp dụng quy định cấm tải, xe 3 bánh theo giờ ở nhiều tuyến đường.

Ghi nhận ở một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp), chúng tôi đếm được tại đây có tới gần chục chiếc xe máy thuộc kiểu không thể nào "tàng" hơn được nữa. Chỉ cần có đơn hàng, số xe này nhanh chóng được chất đầy các bao xi măng, bao cát hoặc thậm chí chở theo cả những bó sắt, thép có chiều dài hơn 3 mét. Dù chở hàng cồng kềnh, hàng nặng nhưng cách đi của những xe "cà tàng" này lại khá "cà chớn".

Ghi nhận trong sáng 5-3, một người đàn ông "gá hờ" trên vai một bó thanh nhôm dài hơn 5m, rồi vút tay ga phóng đi ào ào trên đường Dương Quảng Hàm bằng một tay mặc thời điểm này đường phố đông đúc người qua lại. Thấy cảnh tượng như "diễn xiếc" trên đường, chị Nguyễn Thị Hà (ngụ quận Gò Vấp) than thở: "Sợ quá, lái xe mà lạc tay lái hay chỉ cần quẹt vào người đi đường thì hậu quả cũng khó lường!".

Còn tại khu vực khu công nghiệp Pouyen (Q.Bình Tân), Đội CSGT An Lạc (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt CATP) chỉ chưa tới 30 phút tuần tra đã phát hiện và xử lý hàng chục trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh. Các phương tiện này đa phần là số xe mô tô, xe gắn máy "cà tàng". Nhiều xe thậm chí không có đèn, còi, gương chiếu hậu và cả phanh trước, sau. Khi bị CSGT ra hiệu lệnh kiểm tra, nhiều người thậm chí còn phải nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ mới có thể dừng và xuống xe làm việc.

Một xe ba bánh chở theo những thanh sắt dài gây nguy hiểm

Khi bị CSGT truy vấn lý do gì lại chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người đi đường, nhiều người nói rằng họ là người làm công, chủ bảo sao làm vậy vì phương tiện do chủ đưa để sử dụng. Làm việc với CSGT, Anh Nguyễn Thanh Lâm thừa nhận việc chở hàng theo kiểu này sẽ rất nguy hiểm nhưng chủ đã yêu cầu nên buộc phải thực hiện. Anh Lâm thậm chí còn cho biết, trước khi nhận việc anh cũng lo lắng. Nhưng chủ xe yêu cầu anh chạy, nếu bị CSGT xử phạt thì chủ lo. "Tôi không chạy thì người khác cũng chạy mà không chạy thì tôi mất việc, mất thu nhập" - anh Lâm nói.

Theo một cán bộ trong tổ công tác, hiện các quy định xử lý chỉ tập trung vào các lỗi vi phạm hành chính xảy ra trên các phương tiện. Cụ thể, mỗi lần xử lý, CSGT thường chỉ lập biên bản các lỗi: xe không kính chiếu hậu và đèn tín hiệu, chở hàng cồng kềnh... Dù các mức phạt khá cao nhưng thực tế xảy ra là người vi phạm sau khi bị xử phạt thường có tâm lý xem nhẹ, bỏ xe không đóng phạt vì số tiền bỏ ra mua chiếc xe "cà tàng" mới còn rẻ hơn việc thực hiện nghiêm quy trình đóng phạt.

Đây chính là nguyên nhân lý giải cho việc, dù CATP đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xử lý thì những chiếc xe tự chế, xe thô sơ, xe "mù”, xe "mờ" vẫn còn đất sống. Có theo chân lực lượng chức năng trong quá trình xử lý các nhóm xe "bất trị” này này mới hiểu được cái khó của CSGT. Cần sớm có thêm các chế tài trong việc theo dõi, giám sát song song với công tác xử phạt. Trang bị đầy đủ các phương tiện cũng như xem xét thêm về thẩm quyền cho lực lượng chức năng, từ đó giúp ngành chức năng có thêm các biện pháp xử lý cụ thể nếu chủ phương tiện vi phạm cố tình phớt lờ luật. Bên cạnh đó, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này để chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi ngành nghề... Đừng để tiếp diễn tình trạng "nguội", "lạnh" xảy ra mỗi khi các đợt cao điểm đi qua.

Tính từ cuối tháng 12-2021 đến nay, CSGT TP.Hồ Chí Minh đã xử phạt 44 trường hợp điều khiển xe không kiểm định an toàn kỹ thuật; 2.386 trường hợp điều khiển xe không có gương chiếu hậu; 727 trường hợp điều khiển xe không có thắng, đèn, còi...

Đến khi nào mới cấm hẳn?

Tại hội nghị về công tác quản lý xe 3 - 4 bánh tự chế trên địa bàn TPHCM (16-2), ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, từ lâu Nhà nước đã có các quy định về hạn chế, chấm dứt hoạt động của xe 3 - 4 bánh tự chế. "Tuy nhiên, để tồn tại hay dẹp hẳn cần phải có lộ trình và phải kiên quyết thực hiện theo lộ trình, để đến năm 2025 phải chấm dứt hoạt động phương tiện này" - ông Hưng nói.

Tuy nhiên, vào cuối năm 2021, viện dẫn lý do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn TPHCM, Sở Giao thông - Vận tải TPHCM đã có văn bản kiến nghị, tạm hoãn "khai tử" xe thô sơ 3 - 4 bánh. Sở Giao thông - Vận tải cho rằng, nhu cầu sử dụng xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh là có thật, do tính cơ động cao và thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng... Vì vậy việc hạn chế rồi tiến đến chấm dứt hoạt động loại xe này ảnh hưởng nhu cầu, thói quen người sử dụng, nhất là người thu nhập thấp.

Để sớm xử lý nạn xe "cà tàng", xe thô sơ 3 - 4 bánh tung hoành thì xử phạt không vẫn chưa đủ

Điều này vô tình khiến người dân hiểu sai về các quy định của Nhà nước trong việc sử dụng các phương tiện này tham gia giao thông đường bộ. Một lần theo chân Đội tuần tra - dẫn đoàn (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, CATP) xử lý các vi phạm liên quan tới xe thô sơ, xe 3 - 4 bánh tự chế tại vòng xoay Điện Biên Phủ, tài xế Nguyễn Văn N. sau khi bị CSGT xử phạt về lỗi đi vào đường cấm, người này cho rằng quyết định trên là không đúng.

Ông N. khẳng định, xe mình không chở hàng cồng kềnh cũng như đọc báo chí thấy thông tin tạm thời gia hạn hoạt động cho các phương tiện này. Tuy nhiên, khi được CSGT giải thích về quy định về ý nghĩa biển cấm cũng như giải thích thêm về các lỗi vi phạm như không có đăng ký, đăng kiểm... thì ông này mới ý thức được lỗi vi phạm của mình.

Sở Giao thông - Vận tải TPHCM có thống kê, trên toàn TP hiện còn gần 3.000 xe 3 - 4 bánh đã được đăng ký cấp biển số nhưng còn tới hơn 30.000 xe 3 - 4 bánh thô sơ tự chế không gắn động cơ (xích lô, ba gác đạp, xe đẩy tay...) và có động cơ chưa cấp biển số.

Ngoài ra, còn một số lượng không nhỏ các xe mang biển số tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh... lưu thông trên địa bàn và loại xe 4 bánh thí điểm với biển số "50TĐ" có phép, đăng kiểm nhưng đều nằm trong diện "cà tàng", mất an toàn và không phù hợp để lưu thông. Đa số phương tiện đã xuống cấp, chở quá tải, cồng kềnh, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường...

Sớm cấm hẳn xe "thí điểm"

Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó trưởng phòng CSGT CATP kiến nghị Sở cùng CATP cần khảo sát và tham mưu UBND TPHCM ban hành quyết định mới thay thế Quyết định 08/2013 của UBND TPHCM (về cấm và hạn chế xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3 - 4 bánh lưu thông trong khu vực nội đô và trên một số tuyến đường thuộc địa bàn TPHCM) vì không còn phù hợp thực tế. Lên kế hoạch khảo sát, thống kê đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe 3 - 4 bánh toàn địa bàn để tham mưu lãnh đạo TPHCM có biện pháp xử lý.

Đồng ý với đề xuất này từ Phòng CSGT, đại diện các quận, huyện và TP.Thủ Đức cho rằng, cần tập trung hơn nữa vào công tác xử lý các lò lắp ráp, sản xuất xe 3 - 4 bánh; đồng thời phân bổ kho bãi cho các quận, huyện vì không đủ kho bãi lưu chứa, quy trình thanh lý phức tạp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang