(CAO) 81 chiếc xe máy vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông, được Đội CSGT Cát Lái (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM) đăng tìm chủ sở hữu trên Báo Công an TPHCM (số ra ngày 28-11-2019) đã gây thắc mắc cho nhiều bạn đọc. Trên thực tế, đây là những phương tiện rơi vào tình trạng “mù” thông tin, không thể nhận dạng do xe đã quá cũ nát và bị chủ sở hữu “quên lãng” thời gian dài sau khi bị CSGT xử phạt.
Theo đó, 81 xe hai bánh mà Đội CSGT Cát Lái đăng báo để tìm chủ sở hữu đều là những xe không biển số, không xác định được số máy, số khung, thậm chí không phân biệt được loại xe gì. Những phương tiện này không được người điều khiển hoặc chủ sở hữu đến giải quyết kể từ ngày bị tạm giữ cho đến nay.
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM cũng cho biết, những xe này là "xe mù xe mờ", không còn biển số, số khung, số máy cũng bị cạo và xóa nên không thể xác định được thông tin.
Tuy nhiên, nếu muốn thanh lý phương tiện, theo quy định hiện nay, bắt buộc đơn vị phải cho đăng báo thông tin rộng rãi để đảm bảo pháp lý.
“Muốn thanh lý những chiếc xe dạng này, phải đăng trên báo giấy rồi kẹp các tờ báo đó vào hồ sơ thanh lý từng chiếc. Dù những chiếc xe này đã không thể nhận dạng nhưng CSGT cũng không thể ghi là đang giữ 81 xe không có biển số, không số khung, số máy chung chung được mà phải cụ thể” – một cán bộ thuộc Đội CSGT Cát Lái nói.
Chiều 2-12, phóng viên Báo CATP đã đến một kho tạm giữ xe vi phạm của Phòng CSGT Đường sắt – Đường bộ Công an TPHCM tại quậnb 9 để trực tiếp ghi nhận tình trạng thực tế của những chiếc xe nói trên. Đúng như thông tin của Phòng CSGT, hầu hết xe vi phạm tại đây đều là xe cũ và rơi vào tình trạng không thể nhận dạng số khung, số máy…
Bên trong kho tạm giữ xe “mù” không thể nhận dạng của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM
Theo một cán bộ CSGT, trong quá trình tuần tra kiểm soát, CSGT phát hiện người lái những xe này có lỗi vi phạm nên lập biên bản tạm giữ. Trên thực tế, những phương tiện kiểu vậy thường bị cà mất số khung, số máy, tháo biển số… Chính vì thế nên không có thông tin để kiểm tra trên hệ thống và không xác định được chủ xe để mời lên làm việc, xử lý.
Được biết, hiện Phòng CSGT đường sắt – đường bộ Công an TPHCM đang tạm giữ khoảng 2.000 xe vi phạm không ai tới nhận, trong đó có xe cà tàng và cả những xe vẫn còn hoạt động tốt.
“Việc phải giữ xe máy như vậy gây ra rất nhiều cản trở, gánh nặng cho chúng tôi vì không những tốn diện tích để tạm giữ phương tiện, mà còn tiềm ẩn nguy hiểm về cháy nổ. Nhưng không dễ để thanh lý được một phương tiện như thế vì phải qua nhiều quy trình, đảm bảo yếu tố pháp lý. Thủ tục tịch thu được thực hiện theo quy định tại Điều 81 Luật xử lý vi phạm hành chính. Việc xử lý phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo Điều 82 Luật xử lý vi phạm hành chính và các quy định khác của pháp luật có liên quan” – một lãnh đạo Phòng CSGT đường sắt – đường bộ Công an TPHCM thông tin.
Bên trong kho tạm giữ "xe mù xe mờ"
Trước tình huống này, Phòng CSGT đường sắt – đường bộ Công an TPHCM đang tính phương án đề xuất để thay đổi quy định và quy trình thanh lý xe, nhưng khả năng sẽ mất rất nhiều thời gian. Vì thế, lực lượng CSGT rất mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ của người dân khi đón nhận thông tin.
Nhiều người đến Đội CSGT Cát Lái
Theo một cán bộ Đội CSGT Cát Lái, nhiều người dân đã tìm đến đội này để nhờ CSGT tìm lại xe bị mất (cùng thời điểm Báo CATP đăng). “Hầu hết người dân đến làm việc để tìm lại xe bị mất. Tuy nhiên, các loại xe mà chúng tôi đang tạm giữ rơi vào các năm 2016 – 2017 - 2018, là xe cũ (thuộc dạng xe bị bỏ rơi) nên đến nay, vẫn chưa có chiếc xe nào trong 81 chiếc đã đăng báo tìm được chủ sở hữu.
Theo thông tin từ Phòng CSGT, nếu ai từng bị mất hoặc thất lạc xe có thể đến Đội CSGT Cát Lái trình tất cả các giấy tờ hợp pháp liên quan đến phương tiện để đối chiếu. Sau khi đối chiếu, kiểm tra, nhận dạng, xác định đúng chủ xe, CSGT sẽ lập biên bản bàn giao phương tiện. Nếu hết thời hạn tạm giữ phương tiện kể từ ngày đăng tin, không có người đến giải quyết thì tiến hành các thủ tục thanh lý theo quy định.
Xe “mù” gây bức xúc người dân, nhưng xử lý thì… trần ai
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TPHCM, với những xe không biển số, không số khung, không số máy… đơn vị này đề xuất rã bán sắt vụn vì đều là những xe cà tàng, hay dùng chở gas, nước, hàng hóa. Người dân cũng rất bức xúc với những xe này khi tham gia giao thông không an toàn, nhưng không biết phải đợi tới khi nào mới được duyệt.
Riêng về các loại phương tiện này, Phòng đã liên tục tổ chức các chuyên đề phòng chống, xử lý nghiêm theo quy định. Nhưng như đã nói, quy trình thanh lý phải trải qua nhiều bước và được thẩm định nghiêm ngặt từ nhiều ngành nên việc xử lý dứt điểm vẫn rất trần ai.
Cận cảnh những chiếc xe “3 không" bị lực lượng CSGT Công an TPHCM xử phạt, tạm giữ