Bảo vệ bến ca nô 9 lần cứu người nhảy cầu tự tử

Chủ Nhật, 24/11/2024 15:06

|

(CATP) Nghe tiếng truy hô của nhiều người trên cầu Bến Lức, anh bảo vệ bến ca nô ven sông Vàm Cỏ Đông hiểu ngay chuyện gì đang xảy ra. Không chút chần chừ, bằng động tác điêu luyện anh chạy xuồng máy ra giữa dòng nước để “cứu vớt” nạn nhân đang tự tìm cái chết.

Phải cứu cho được nạn nhân nhảy cầu

Nước da ngăm đen, gương mặt rám nắng, dáng đi chắc nịch, nhìn bề ngoài ít ai đoán chính xác tuổi của anh Võ Phát Song (SN 1984, gọi là Dũng), hiện là nhân viên hợp đồng cấp dưỡng, bảo vệ bến ca nô của Phòng CSGT Công an Long An, điểm tại chân cầu Bến Lức ven sông Vàm Cỏ Đông.

Sáng 19/11, chia sẻ với chúng tôi, anh ngồi trầm ngâm thật lâu rồi nhỏ nhẹ tâm sự: “Nhiều anh chị tuổi đời còn rất trẻ, trong cuộc sống gặp khó khăn, suy nghĩ bế tắc không tìm ra lối thoát thì chọn cách quyên sinh bằng cách nhảy cầu Bến Lức xuống sông Vàm Cỏ Đông, đó là hành động tiêu cực. Phát hiện vụ việc dù nhanh hay chậm, sớm hay muộn mình cũng phải làm mọi cách để cứu sống nạn nhân. Những trường hợp không tìm được, vài ngày sau thi thể nổi lên dù không hề quen biết nhưng trong lòng tôi day dứt buồn lắm. Từ đầu năm 2024 đến nay, tôi đã dùng xuống máy tìm hàng chục trường hợp nhảy cầu Bến Lức tự vẫn, trong đó cứu sống 9 người tuổi còn rất trẻ. Nguyên nhân hầu như do buồn chuyện gia đình, tình cảm, vỡ nợ... Gần như năm nào cũng có người nhảy cầu, nên việc chạy xuồng máy “nhanh như chớp” là điều hết sức bình thường trong thời điểm như vậy. Chậm vài giây là xem như mất cơ hội đưa nạn nhân trở lại cuộc sống đời thường”, anh Song nói.

Anh Song (áo phao) trong một lần cứu người nhảy cầu Bến Lức tự tử

Anh kể, khoảng 19 giờ ngày 17/11, chị B.T (SN 1991, ngụ H.Thạnh Hóa) điều khiển xe máy một mình từ hướng TP.Tân An về thị trấn Bến Lức. Khi gần đến giữa cầu Bến Lức chị T. dừng xe leo lên thành cầu Bến Lức nhảy xuống. Nhiều người đi đường chứng kiến nhưng quá bất ngờ không kịp phản ứng. Nghe tiếng cầu cứu, anh đang ngồi ở bến ca nô nhanh chóng dùng xuồng máy chạy ra giữa dòng nước. Với kinh nghiệm của mình, anh Song thả xuồng trôi theo con nước lớn chừng 10m chờ, khi nhìn thấy nạn nhân vừa trồi lên, anh lập tức quăng áo phao, dây kéo rồi lao xuống đẩy chị T. ôm áo phao đưa lên phương tiện an toàn. Lúc lên bờ bình tĩnh lại, chị T. nghẹn ngào: “Tôi quá dại dột làm cực mấy anh, cho tôi xin lỗi và biết ơn anh suốt đời”.

Hai kẻ vô ơn đánh người cứu mình

Trong số 9 nạn nhân được cứu sống chỉ có 2 phụ nữ, còn lại đều là nam giới. Anh Song chia sẻ, công việc thường ngày là cấp dưỡng, bảo vệ ca nô cho Đội CSGT đường thủy thuộc Phòng CSGT Long An đậu gần dốc cầu Bến Lức. Từ bên dưới ngồi quan sát trên cầu và QL1 đi ngang rất rõ, chỉ cần nghe tiếng kêu cứu của người đi đường do va chạm xe, tai nạn giao thông hay… nhảy cầu là anh biết.

Nạn nhân được cứu sống, có nhiều gia đình đến cám ơn nhưng cũng có những người vừa lên bờ quay lại hành hung anh. Anh Song nhớ rất rõ, một thanh niên hơn 30 tuổi, người miền Tây, do buồn chuyện gia đình đã chạy xe máy tới cầu Bến Lức, rồi trèo qua lan can nhảy xuống sông vào buổi chiều cuối tuần. Đông người đứng trên cầu chứng kiến đều bất lực, lúc này anh cùng anh CA phụ trách ấp xã Thạnh Đức chạy xuồng máy ra giữa dòng sông chờ nạn nhân nổi lên. Sau gần 10 phút sau, thanh niên này đang ngụp lặn xuôi theo con nước lớn cách xuồng 4m, anh Song ném cái áo phao ra xa, sau đó anh mang thêm áo phao vào người rồi cầm đoạn dây cáp cột chặt vào phương tiện để bơi ra tiếp cứu nạn nhân. Vật lộn với dòng nước chảy xiết, cuối cùng anh đưa “người tự tử” lên phương tiện chạy vào bờ và đưa lên nhà để hô hấp.

Cầu Bến Lức, nơi anh Song đã hỗ trợ cứu 9 sống nạn nhân nhảy cầu

Khi tinh thần trở lại bình thường, thanh niên này trả ơn bằng cách chụp lấy cái nón bảo hiểm lao vào đánh CA ấp và anh Song với lý do “ai kêu mấy ông cứu, tôi đang cần chết giờ đưa lên đây để làm gì!?”, vừa nói anh thanh niên định “ăn thua đủ” lần đã được can thiệp kịp thời.

Không lâu sau đó, trung tuần tháng 3/2024, thanh niên quê H.Cần Đước, nhảy cầu Bến Lức tự tử do thiếu nợ. Anh Song một lần nữa làm “Lục Vân Tiên” thời nay, anh chạy xuồng máy liên tục tìm kiếm khu vực xung quanh chân cầu và cứu được nạn nhân lên bờ an toàn. Nhưng thay vì cám ơn thì thanh niên này chửi bới rồi bỏ đi.

Dù được cám ơn hay bị “người ơn” hành hung, chửi bới, anh Song luôn tự hào vì mình đã cứu được mạng người, làm điều tốt cho người thân của họ.

Đang làm thủ tục đề nghị khen thưởng

Chị Nguyễn Thị T. (SN 1990, ngụ H.Cần Đước) khi nhận tin báo chồng nhảy cầu Bén Lức tự tử, sau đó được nhân viên bảo vệ bến ca nô cứu sống, lập tức cùng người thân đến dốc cầu Bến Lức để đón chồng về. “Mấy ngày gần đây do áp lực chuyện tiền bạc nên chồng tôi suy nghĩ nông cạn. Nhờ anh Song đã cứu được người thân, tình cảm này gia đình chúng tôi không thể nào quên được”, chị T. biết ơn chia sẻ.

Anh Nguyễn Lê Duy - cán bộ UBND xã Thạnh Đức (H.Bến Lức) cho biết: “Khi xảy ra vụ việc nằm trên địa bàn xã, lực lượng CA, dân quân đều tham gia phối hợp cùng anh Song. Tuy nhiên, có vụ anh em ra đến nơi thì anh Song đã vớt được nạn nhân rồi”.

Theo phòng CSGT CA tỉnh Long An, hiện đơn vị đang phối hợp chính quyền 2 xã Thạnh Đức và Nhựt Chánh lập hồ sơ để đề nghị khen thưởng, biểu dương đột xuất thành tích đạt được của anh Song trong năm 2024. Đây là việc làm rất có ý nghĩa bởi không phải ai cũng làm được một cách trọn vẹn như anh Song.

Bình luận (0)

Lên đầu trang