Công an TPHCM đẩy mạnh thực hiện Đề án 06: Những chiến sĩ áo xanh thầm lặng

Thứ Sáu, 18/10/2024 08:30  | Ngọc Anh

|

(CATP) Đồng hành với cán bộ chiến sĩ (CBCS) Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Phòng CSQLHC về TTXH) Công an TP.Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu triển khai Kế hoạch 1878 của Ban chỉ đạo (BCĐ) Đề án 06 TP.Hồ Chí Minh nhưng với chúng tôi, cảm xúc vẫn như lần đầu. Đó là sự thấu cảm tột cùng với những mảnh đời kém may mắn, là sự cảm phục sâu sắc với những con người mang trên người bộ cảnh phục màu xanh!

Những ngày cuối tuần không nghỉ

Sau một tuần làm việc vất vả, ai cũng mong đến cuối tuần để được nghỉ ngơi. Đó là thời gian quây quần cùng gia đình, là thời gian để tái tạo sức lao động, nhưng với tổ cấp căn cước lưu động của Phòng CSQLHC về TTXH công an TP.Hồ Chí Minh thì đây là thời gian tổ tranh thủ đến các cơ sở bảo trợ, mái ấm trên địa bàn TP để thu thập dữ liệu, cấp căn cước cho những người có hoàn cảnh kém may mắn đang được chăm sóc tại đó.

Thứ 6, từ sáng sớm, bốn CBCS của tổ cấp căn cước lưu động thuộc Đội 2, Phòng CSQLHC về TTXH CATP.Hồ Chí Minh đã tay xách, nách mang các loại máy chuyên dụng có mặt tại Trung tâm Bảo trợ, chăm sóc trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè, số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.17, Q.Bình Thạnh. Dự kiến, đợt này tổ sẽ thu thập dữ liệu cấp căn cước cho 40 trường hợp trẻ từ 14 tuổi trở lên và hơn 70 trường hợp trẻ dưới 14 tuổi. Để thuận lợi cho công việc, Trung tâm sắp xếp cho các bé có khả năng đi lại hoặc ngồi xe lăn được làm trong buổi sáng còn chiều dành cho các bé không có khả năng đi lại, nằm trên giường bệnh. Công việc của cả tổ diễn ra suôn sẻ bởi các bé dù chậm phát triển hoặc khuyết tật nhưng rất ngoan và nghe lời nên các cô chú của tổ thao tác công việc khá nhẹ nhàng. Làm quên thời gian, đến 11 giờ 45, khi bé cuối cùng được thu thập xong thông tin, các anh chị mới đóng máy, mở cơm hộp ra ăn rồi mọi người tranh thủ nghỉ ngơi ngay khu vực ghế đá dưới sân trung tâm. Mệt nhoài nhưng không ai muốn về bởi khoảng 13 giờ 30 chiều đã phải tiếp tục công việc.

Đội CSQLHC về TTXH Công an Q.Gò Vấp cấp căn cước cho các em thiếu niên Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.Hồ Chí Minh

13 giờ 30, bắt đầu ca chiều, tổ cấp căn cước được các cô bảo mẫu đưa đến phòng của các bé. Bé gái Nguyễn Đan Thanh (SN 2016) là "khách hàng" đầu tiên của tổ. Tám tuổi, Thanh nằm bất động trên giường với cái đầu siêu to do bệnh não úng thủy. Con được đưa vào Trung tâm quá trễ nên không thể phẫu thuật. Việc duy nhất làm được cho con là các cô bảo mẫu chăm sóc con cực kỳ chu đáo để con bớt đau trong khoảng thời gian ít ỏi, con đến với cuộc đời. Lần lượt các bé được chụp ảnh, nhập thông tin... Đến bé cuối cùng, khi gõ xong thông tin, đại úy Nguyễn Thị Hằng Nga không kìm được nước mắt khi bé cố nắm tay cô như để cảm ơn.

Sang phòng chăm sóc những bé bại não, nhiều trường rất khó thu thập thông tin do các bé xoay trở không ngừng. Nhiều bé gồng cứng chân tay nên không thể thu thập được vân tay. Cậu Hồ Văn Thiên (SN 2003) hơn 20 tuổi nhưng quắt queo như đứa trẻ. Thấy Thiên có phản ứng khi gọi tên, Trung tá Đỗ Phúc Hưng trêu cho Thiên cười để chụp hình. Cô bảo mẫu trực tiếp chăm sóc cho biết, bị bại não nhưng An Nhiên khôn lắm, nói gì cũng hiểu.

Còn Nguyễn Văn Tân (SN 2002), cả tổ loay hoay hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn không thu thập được hình ảnh do Tân gồng người và cử động liên tục. Cô bảo mẫu phải xoa bóp và liên tục gọi tên để Tân thả lỏng người... Một người cầm điện thoại giơ lên cao cho bé nhìn theo... để chụp ảnh. Trung tá Đỗ Phúc Hưng cho biết, do việc thu thập thông tin hình ảnh của các bé khó khăn nên thời gian thu thập thông tin mỗi bé thường mất vài chục phút, vì vậy mỗi ngày, tổ chỉ làm được vài chục trường hợp.

Niềm vui của các em khi nhận căn cước

Còn nhiều khó khăn trên con đường đồng hành với nhân khẩu đặc biệt

Được biết dù đã có kế hoạch từ trước nhưng ngày hôm trước, Tổ lưu động phải làm việc đến 22 giờ để rút hồ sơ của các bé. Chị Huỳnh Thị Thúy Dung, nhân viên trung tâm cho biết, các bé được thu thập dữ liệu đợt này đều có giấy khai sinh, chỉ thiếu căn cước. Trung tâm vẫn còn một số bé được tiếp nhận khẩn cấp theo quyết định 812 của UBND TP.Hồ Chí Minh đang được cập nhật các loại giấy tờ. Trung tâm hiện chăm sóc 348 trẻ thì đa phần là trẻ mồ côi, chỉ có khoảng 20 trẻ có thân nhân. Do là trẻ mồ côi nên khi được đưa vào trung tâm, một số trẻ không hề có hoặc thiếu giấy tờ tùy thân. Những trường hợp này, Trung tâm phải xác minh thông tin của trẻ.

Nhiều trường hợp trẻ từ địa phương khác đến, Trung tâm gửi công văn đi nhiều lần, ròng rã trong vài tháng trời nhưng địa phương trả lời rất trễ, thậm chí không trả lời. Căn cứ theo quy định mới, với những trường hợp này, tư pháp P.17, Q.Bình Thạnh sẽ giải quyết cấp khai sinh mới cho trẻ để tháo gỡ khó khăn. Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ, chăm sóc trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè Ngô Anh Tuấn cho biết, do các bé thường xuyên phải đi viện nên có căn cước sẽ rất thuận lợi do theo quy định thì dù có BHYT, khi vào viện, các bé trên 14 tuổi vẫn cần phải xuất trình căn cước. Nếu không có căn cước thì phải có giấy xác nhận là bé được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm.

Rời Trung tâm Bảo trợ, chăm sóc trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè, chúng tôi đến Trung tâm Công tác xã hội giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.Hồ Chí Minh khi đã qua giờ tan tầm. Hết giờ cấp căn cước tại trụ sở Công an quận, Đội CSQLHC về TTXH đã nhanh chóng mang máy móc qua đó để cấp căn cước và thu thập thông tin cấp mã định danh cho hơn 30 thiếu niên đang được chăm sóc, dạy nghề tại đây.

Tổ cấp căn cước lưu động của Đội 2, Phòng CSQLHC về TTXH cấp căn cước cho các bé ở Trung tâm Bảo trợ, chăm sóc trẻ tàn tật, mồ côi Thị Nghè

Phó giám đốc Trung tâm Lê Bá Hoàng cho biết, trung tâm tiếp nhận trẻ lang thang cơ nhỡ trong độ tuổi từ 8 tuổi cho đến dưới 16. Các con bỏ nhà lang thang, không nơi cư trú. Khi được đưa vào trung tâm, hầu hết các con giấu thông tin, khai không đúng sự thật, gây không ít khó khăn cho việc xác minh nhân thân. "Thu thập được thông tin chính xác thì bước xác minh thông tin tại các tỉnh thành cũng rất trần ai do công văn đi thì nhanh mà công văn phản hồi thì có khi đợi vài tháng cũng không thấy đâu", ông Hoàng chia sẻ. Trường hợp có phản hồi, trung tâm sẽ lập danh sách gửi P.4, Q.Gò Vấp, nơi Trung tâm trú đóng. Những trường hợp chưa có giấy khai sinh sẽ được cấp giấy khai sinh. Trường hợp có Giấy khai sinh thì được cấp căn cước. Do các em là nhân khẩu đặc biệt nên Trung tâm được cả bên công an và ủy ban phường hỗ trợ rất nhiệt tình.

Đồng hành cùng Trung tâm ngay từ những năm 2012, chị Trần Thị Kim Vân cán bộ tư pháp P.4, Q.Gò Vấp, chia sẻ: "Việc khai thác thông tin của trẻ lang thang cơ nhỡ cực kỳ khó khăn do các em luôn đối phó bằng thông tin giả. Để lấy được thông tin phải chịu khó tâm sự, chuyện trò, để các em tin tưởng. Có thông tin rồi, bước xác minh cũng không hề dễ dàng bởi công văn đi thì nhanh mà đợi công văn về thì mỏi mòn". Theo chị Vân, Kế hoạch 1878 đã tháo gỡ nhiều bước khó khăn cho những người làm công tác tư pháp như chị, mở đường cho những nhân khẩu đặc biệt có được giấy tờ tùy thân, hưởng đầy đủ chính sách an sinh xã hội.

Được nhận căn cước trong đợt này, Kim Thị Anh Thư (SN 2010, quê Trà Vinh) vui lắm. Em cười luôn miệng và khoe hiện đang được học nghề may và làm tóc tại Trung tâm. Anh Thư bỏ nhà đi từ năm 13 tuổi, được đưa về trung tâm trong một lần thu gom trẻ lang thang. Thư nói sau khi được hồi gia, có căn cước rồi, em sẽ xin đi làm để có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân. Cùng niềm vui với Thư, Nguyễn Chí Tâm (SN 2011; nhà ở Q9) dù còn đầy đủ gia đình nhưng vẫn thích được ở trung tâm để học nghề sửa xe máy. Tâm nói khi hồi gia sẽ xin cha mẹ mở cho cửa hàng sửa xe chứ không đi lang thang nữa.

Thấy niềm vui trong mắt các con thì tôi hiểu, để mang lại niềm tin cho những mảnh đời vốn đã mất đi ít nhiều niềm tin vào cuộc sống là điều hết sức khó khăn, và đó là công sức của những con người đang ngày đêm miệt mài thực hiện Kế hoạch 1878 với mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Bình luận (0)

Lên đầu trang