Đoàn công tác của TPHCM lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt tại Châu Âu

Thứ Năm, 17/10/2024 11:47

|

(CATP) Ngày 15/10, trong khuôn khổ chương trình công tác, tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt, đoàn công tác của TPHCM đã có chuyến thăm, làm việc với khoa Đông Nam Á học, Đại học (ĐH) Goethe Frankfurt, Đức.

Chia sẻ với đoàn tại buổi gặp gỡ, đại diện bộ môn Đông Nam Á, GS Arndt Graf giới thiệu về lịch sử của trường. Theo đó, bộ môn Đông Nam Á học được hình thành từ những năm 1960 bởi GS Otto Karow, ngày nay thuộc Viện Ngữ văn Đông Á của khoa Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa ĐH Goethe. Bộ môn có chương trình, các khóa học tiếng Việt cho sinh viên. Hiện nay, trường còn tổ chức thêm các buổi dạy miễn phí tiếng Việt cho trẻ em người Việt tại trường. Thư viện của trường rất quan tâm trang bị sách dạy tiếng Việt, sách về văn hóa, xã hội Việt Nam để sinh viên, bạn đọc quan tâm có tài liệu tham khảo.

Ông Holger Warnk, giảng viên, quản lý thư viện khoa chia sẻ thêm nhiều thông tin liên quan đến hệ thống thư viện của trường cũng như sách về Việt Nam. Trường có 7 thư viện, trong đó riêng thư viện số 5 đoàn ghé thăm thuộc khoa Khoa học Ngôn ngữ và Văn hóa có khoảng 500.000 ấn phẩm các loại. Tổng lượng người dùng có thẻ thư viện hơn 100.000 người. Thư viện rộng cửa đón chào độc giả, ai cũng có quyền vào thư viện, xem các ấn phẩm tại chỗ.

Đoàn được trải nghiệm các tiện ích sách giấy, sách điện tử, công tác lưu trữ tài liệu liên quan đến Việt Nam. Ghi nhận của PV, nhiều đầu sách tiếng Việt của các nhà xuất bản Việt Nam có mặt trên các giá sách của thư viện, chủ yếu về lịch sử văn hóa, ngôn ngữ, tộc người...

Đoàn công tác của TPHCM đã làm việc với khoa Đông Nam Á học, Đại học Goethe Frankfurt, Đức

Ông Holger Warnk cũng giới thiệu cho đoàn tham quan phòng trưng bày sách Việt Nam, viết về Việt Nam xưa và nay. Đáng chú ý có nhiều đầu sách giấy quý từ nửa cuối thế kỷ XIX in tại Việt Nam, như: Học trò khó phủ (1883), Chuyện khôi hài (1884), Lục súc tranh công (1911)...

Chia sẻ tại cuộc gặp, ông Nguyễn Ngọc Hồi thông tin tới đại diện bộ môn Đông Nam Á học về sự quan tâm của Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng tới sách, xuất bản và văn hóa đọc. Đoàn rất vui mừng trước sự quan tâm của trường về chương trình giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên, người nước ngoài. Cũng vì thế, khi tham gia Hội sách quốc tế Frankfurt, đoàn sắp xếp chuyến thăm, gặp gỡ để trao tặng các đầu sách tiếng Việt về văn hóa, lịch sử, xã hội... cho bộ môn, để bổ sung vào hệ thống thư viện của khoa, trường thêm đầu sách tham khảo cho sinh viên, độc giả có nhu cầu.

Tại buổi gặp, đại diện nhiều đơn vị xuất bản, thư viện của TPHCM như NXB Tổng hợp TP, NXB Trẻ, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP... đã giới thiệu thêm về hoạt động xuất bản của TP, các đầu sách có giá trị tham khảo thiết thực dành cho sinh viên, độc giả của trường như bộ: Lịch sử Việt Nam bằng tranh, Hý kịch Việt Nam, Tuồng hát cải lương khảo và luận, Những miền xa trên hành tinh xinh đẹp, Lược khảo địa danh vùng đất Nam Bộ...

Hơn 200 đầu sách được đoàn trao tặng cho đại diện trường, GS Arndt Graf đã bày tỏ sự vui mừng, xúc động và tin tưởng rằng, thư viện cũng như khoa sẽ sử dụng thật tốt những đầu sách này trong hoạt động giáo dục, đào tạo của trường liên quan tới Đông Nam Á, tới Việt Nam.

Tại Mỹ, nhiều trường ĐH lớn đã đưa tiếng Việt vào giảng dạy, như ĐH Houston, ĐH California, ĐH Yale, ĐH Oriental, ĐH Washington, ĐH Oregon... Một số trường có chương trình trao đổi sinh viên với các trường tại Việt Nam như: ĐH Hobart and William Smith, ĐH Oriental, ĐH Washington... Theo thống kê, tại TP.Houston, bang Texas, Mỹ có hàng chục nghìn người nói tiếng Việt, trong đó có những người Châu Á, Úc, Đông Âu và Bắc Mỹ. Đây là ngôn ngữ nước ngoài được nhiều người sử dụng thứ hai tại Houston (sau tiếng Tây Ban Nha).

Tại Canada, ĐH giảng dạy tiếng Việt nổi tiếng nhất là Học viện Konrad. Ở Châu Âu, trường dạy tiếng Việt lâu đời nhất là ĐH Prague, với ngành "hot" Dân tộc học Việt Nam. ĐH LOrientale (Italia), ĐH Humboldt, ĐH Hamburg, ĐH Passau (Đức), ĐH Fulbright (Anh)... đều là các trường có ngành Việt Nam học.

Tại Nga, sinh viên muốn nghiên cứu về tiếng Việt và Việt Nam học sẽ tìm đến ĐH Quốc gia Lomonosov. Tại Ukraina, tiếng Việt được dạy tại ĐH quốc gia Kiev. Ở Nhật Bản, sinh viên học tiếng Việt sẽ học tại trường ĐH ngoại ngữ Tokyo. Còn ở Hàn Quốc, điểm đến sẽ là ĐH ngoại ngữ Hankuk.

Tại khoa Việt Nam học, ĐH LOrientale (Napoli, miền Nam nước Ý), sinh viên được học kiến thức cơ bản về xã hội và văn hoá Việt Nam, ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng tiếng Việt.

Khoa Việt Nam học tại các trường ĐH ở Châu Âu, Châu Mỹ thường cùng chung chuyên ngành Châu Á, trong đó có tiếng Trung, tiếng Thái, tiếng Nhật, tiếng Hàn. Thời gian gần đây, tại Châu Âu và Mỹ, ngành học Châu Á, trong đó có ngành Tiếng Việt, rất thu hút sinh viên.

Chương trình học trong lĩnh vực Việt Nam học được đánh giá là khó, cần sự kiên trì. Do vậy, điểm vào ngành này thường không cao. Tùy kỳ thi tuyển sinh vào ĐH ở mỗi nước mà có những quy định xét tuyển khác nhau. Tại Đức, sinh viên học một năm ĐH dự bị, sau đó tham gia "Kỳ thi đánh giá chất lượng tương đương". Khi có điểm thi, sinh viên sẽ nộp vào khoa Việt Nam học.

Còn tại Hàn Quốc, từ năm 2016, trong số các môn ngoại ngữ thứ hai thi vào ĐH, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã đưa thêm môn tiếng Việt. Bài thi gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm, kiểm tra ngữ pháp, từ vựng, cách dùng từ trong tiếng Việt. Môn thi kéo dài trong 40 phút.

Bình luận (0)

Lên đầu trang