Ngày 16/10, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đông Nam bộ”.
Quang cảnh hội thảo.
Cụ thể hóa thành những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề rất hay, rất có giá trị, cả lý luận và thực tiễn để từng nơi, từng địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các hệ giá trị một quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực của người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó nhiều ý kiến, nhiều bài viết tập trung đi sâu vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất cơ bản, giúp từng địa phương, từng nơi nghiên cứu để triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, đối với TPHCM và vùng Đông Nam bộ, hội thảo là cơ hội để các địa phương có thêm những thông tin, những giá trị, những hiểu biết để nâng cao nhận thức để phát triển về văn hóa, xây dựng con người trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang tập trung để thực hiện những đề án, những chiến lược có liên quan đến văn hóa, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Từ đó để văn hóa, đạo đức, phong cách của Bác Hồ thấm sâu vào đời sống xã hội, trở thành lối sống, nếp nghĩ của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân của TP cũng như cả vùng Đông Nam bộ.
Thống nhất ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, phát triển văn hóa và xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Việt Nam; được xây dựng, kế thừa, phát triển, bổ sung từ thế hệ này qua thế hệ khác và được khẳng định qua nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ, nhiều ý kiến khẳng định và nhấn mạnh xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam là sự nghiệp rất quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó cũng là mong muốn, khát vọng rất chính đáng, đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn mới. Để thực hiện có kết quả điều này, đòi hỏi mỗi địa phương, đơn vị phải nhận thức sâu sắc, triển khai một cách đồng bộ, bằng nhiều giải pháp và bằng trách nhiệm cao của hệ thống chính trị, được sự đồng tình, ủng hộ người dân.
“Chúng ta cũng phải nghiên cứu để cụ thể hóa thành những tiêu chí, chuẩn mực cụ thể, phù hợp với từng địa phương, lĩnh vực, đối tượng. Điều này thì đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu công phu, phải kiên trì, phải thường xuyên, liên tục để tạo ra được một sự nhận thức chung; nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về tầm quan trọng đặc biệt của việc xây dựng, thực hiện các hệ giá trị này” - đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ ý kiến của các đại biểu và nêu bật những đặc điểm tiêu biểu của vùng đất Đông Nam bộ, trong đó có Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, nơi hội tụ bản sắc văn hóa của nhiều vùng, miền trong cả nước, của 54 dân tộc anh em, nơi giao hòa sắc thái văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới và là một trong những trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Xây dựng nhân cách, đạo đức, những giá trị trong từng gia đình
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lưu ý, để triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, thúc đẩy sự phát triển đất nước. Vì vậy, phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về xây dựng, hoàn thiện giá trị nhân cách con người Việt Nam, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
Đề cập đến việc phải đưa ra những giải pháp thiết thực hơn để thực hiện các nội dung này, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ, hiện nay chúng ta đã và đang học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; và Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước từ vùng đất này. Người là một nhà văn hóa kiệt xuất được UNESCO công nhận, một Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Người là một lãnh đạo thiên tài của Đảng ta… Bác là tấm gương sáng để từ đó chúng ta cần phải học tập về văn hóa, ứng xử, đạo đức, phong cách của Bác để cống hiến cho Tổ quốc một cách xứng đáng.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm.
Cùng với đó là xây dựng môi trường văn hóa của doanh nghiệp, văn hóa trong nếp sống, lối sống trong khu dân cư, cơ quan, đơn vị, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo,…; văn hóa, lễ hội; đề cao thuần phong mỹ tục, những giá trị chân - thiện - mỹ, để lối sống chúng ta càng chan hòa, nhân ái, đúng nghĩa là TP nghĩa tình, bao dung, nói lời hay, làm việc tốt; tôn trọng và tôn vinh những giá trị, những tấm gương thầm lặng mà cao cả, những người tốt, việc tử tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng lưu ý đến việc tăng cường quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực để phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa truyền thống, đi đôi với nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, thể dục thể thao,… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa của nhân dân.
Nhấn mạnh đến việc tập trung giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam, triển khai cụ thể hóa Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng trong thời đại công nghiệp hóa, hệ giá trị gia đình có những thay đổi nhưng cần bám sát giá trị chân - thiện - mỹ, cốt cách tốt đẹp, nhân cách, lẽ sống để xây dựng nhân cách, đạo đức, những giá trị trong từng gia đình để góp phần cho xã hội phát triển.