(CAO) Sáng 21/9, chương trình giao lưu cùng 5 tác giả có sách thuộc bộ "Tiếng Việt giàu đẹp" đã diễn ra tại TPHCM. Đây cũng là lần đầu tiên dự án sách này ra mắt thông qua một sự kiện trực tiếp.
Với 11 tựa sách, bộ "Tiếng Việt giàu đẹp" của NXB Trẻ có sự đóng góp của các tác giả là nhà nghiên cứu ngôn ngữ kỳ cựu và những người có nghề nghiệp liên quan đến ngôn ngữ, văn hóa và viết lách trong nước. Nhân dịp bộ sách ra mắt hai tựa mới trong năm 2024 và tái bản trọn bộ các tựa đã phát hành, Nhà xuất bản tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm cùng 5 tác giả.
Các tác giả, diễn giả tọa đàm, giao lưu tại chương trình
5 tác giả trong lĩnh vực ngôn ngữ, giảng dạy và sáng tác giao lưu, trò chuyện trực tiếp cùng độc giả, gồm: GS.TS Nguyễn Đức Dân, tác giả của 4 tựa sách trong Bộ sách "Tiếng Việt giàu đẹp" gồm: Từ câu sai đến câu hay, Triết lý tiếng Việt, Muôn màu lập luận, Nỗi oan thì, là mà; PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang là tác giả của tựa sách Tiếng Việt Phương Nam; Phó GS.TS Trịnh Sâm - tác giả của tựa sách Đi tìm bản sắc tiếng Việt; tác giả Dương Thành Truyền, tựa sách Tình ca tiếng nước ta; nhà thơ Lê Minh Quốc, tác giả của tựa sách Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm.
Cũng tại sự kiện, BTC có bàn trưng bày và đọc miễn phí bộ sách dành cho bạn đọc. Chương trình đọc miễn phí này thuộc chuỗi sự kiện “Read with me” do NXB Trẻ tổ chức, theo đó mỗi tháng một lần, đơn vị sẽ tổ chức đọc miễn phí tại địa điểm công cộng các sách thuộc một thể loại nhất định. Tính đến nay, Read with me đã có các chủ đề như: sách lịch sử, series Harry Potter, sách thiếu nhi, sách văn học trẻ trong nước…
GS.TS Nguyễn Đức Dân và Trung tá, TS Nguyễn Duy Trung - Trưởng ban Phóng viên, Báo Công an
TPHCM tại chương trình
Đông đảo bạn đọc đến tham gia chương trình
Bộ sách góp phần lý giải nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tiếng Việt phong phú ở các vùng miền trên Tổ quốc, sử dụng những ví dụ gần gũi trong kho tàng tiếng Việt xưa và cả ngôn ngữ hiện đại ngày nay từ nhiều nguồn: ca dao tục ngữ, báo chí, tác phẩm văn chương, lời bài hát, ngôn ngữ đời thường, và cả ngôn ngữ mạng. Những năm qua, dự án sách này được sự đón nhận rộng rãi của bạn đọc, đa số các tựa đều tái bản, trong đó có tựa đã in lần thứ 9.