(CATP) Những ngày qua, khi bão lũ hoành hành khắp các tỉnh phía Bắc, lực lượng CAND phát huy vai trò nòng cốt trong ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Nhớ lời căn dặn "lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an", với phương châm không để người dân bị đói rét và nguy hiểm trong bão lũ, lực lượng Công an (CA) cùng với nhiều lực lượng cứu hộ, cứu nạn khác, đã không quản tính mạng, hiểm nguy, gác lại riêng tư và sự bình an của gia đình để thực hiện nhiệm vụ cứu dân, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ CA bất chấp nguy hiểm xông pha trên mọi mặt trận phòng, chống, khắc phục bão lũ, cứu nạn, cứu hộ, có người lấy thân mình chặn nguy cơ vở đê, có người băng rừng xuyên suối trong điều kiện sạt lở bủa vây tứ phía để tìm người dân nghi mất tích do sạt lở; nhiều đồng chí đã phải chống chọi lại với nỗi đau vô cùng lớn khi mất người thân, gia đình do đất đá sạt lở vùi lấp, hay có đồng chí hy sinh cả tính mạng trong thực hiện nhiệm vụ... Tất cả hình ảnh đẹp đó đã vun đắp thêm tình cảm yêu mến của người dân đối với lực lượng CA, góp phần tô thắm hình ảnh người CAND "vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Cán bộ công an bất chấp nguy hiểm, lấy thân mình ngăn chặn nguy cơ vỡ đê
Vào 0 giờ 15 phút ngày 12/9, Thượng úy Vũ Tuấn Lực, cán bộ CA xã Trần Phú, H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra thì phát hiện 1 đoạn đê được gia cố bằng bao tải đất, cát tại sông Bùi, xã Trần Phú có dấu hiệu bị cong, xô lệch và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Không chút do dự, Thượng úy Vũ Tuấn Lực đã lao vào vị trí xung yếu, dùng thân mình đè lên các bao cát để giữ cho đoạn đê không bị bung ra trước dòng nước chảy xiết. Đồng thời, hô hoán, kêu gọi người dân và đồng đội tới hỗ trợ, sử dụng bao tải đất, cát để gia cố lại đoạn đê. Nhờ sự phối hợp nhanh chóng, sau gần 30 phút, đoạn đê nguy hiểm đã được bảo vệ an toàn, không xảy ra sự cố nghiêm trọng. Thượng úy Vũ Tuấn Lực chia sẻ: "Khi phát hiện đoạn đê bị cong và có nguy cơ vỡ, tôi không nghĩ gì đến sự hiểm nguy mà lao vào ghì chặt các bao cát. Đồng đội và người dân đã hỗ trợ rất nhiệt tình, nhờ đó mà đoạn đê không bị nước tràn phá". Hình ảnh Thượng úy Vũ Tuấn Lực bất chấp hiểm nguy dùng thân mình ngăn chặn nguy cơ đê vỡ đã góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân, thể hiện tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của lực lượng CAND.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Công an đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình Trung tá Hoàng Mạnh Lâm
Phó trưởng Công an phường giúp dân chống lũ, nghẹn lòng nhận tin mẹ và em trai bị vùi lấp
Trước thời điểm cơn bão số 3 đổ bộ, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc CA tỉnh Yên Bái, lãnh đạo CATP.Yên Bái, CAP.Nguyễn Phúc tổ chức ứng trực 100% quân số, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, di dời tài sản an toàn cho nhân dân... 20 giờ ngày 09/9, Trung tá Hoàng Mạnh Lâm, Phó trưởng CAP.Nguyễn Phúc, TP.Yên Bái nhận được cuộc gọi của mẹ - bà Dương Thị Diệu, hỏi thăm và dặn dò anh cẩn thận khi đi làm nhiệm vụ trong mưa lũ. Trung tá Lâm trấn an mẹ yên tâm, dặn dò mẹ ở nhà nhớ bảo đảm an toàn rồi khẩn trương đi thực hiện nhiệm vụ. Trung tá Lâm phần nào yên tâm vì mẹ anh không phải ở nhà một mình do đợt này có em trai Hoàng Văn Tám, một cán bộ quân đội đang về nghỉ phép thăm nhà.
Khoảng 24 giờ cùng ngày, Trung tá Lê Chí Thành - Trưởng CAP.Nguyễn Phúc, bất ngờ nhận được điện thoại thông báo nhà của đồng chí Lâm ở khu Minh Bảo, P.Minh Tân bị sạt lở, toàn bộ căn nhà bị vùi lấp, bên trong có mẹ và em trai... Khi nghe tin dữ ấy, Trung tá Lê Chí Thành cố giữ bình tĩnh tìm cách liên lạc với người đồng đội của mình.
Nụ cười rạng rỡ của Đại úy Nguyễn Mạnh Cường và các cán bộ Công an xã Cốc Lầu khi tìm kiếm được nhóm 17 hộ dân
Vụ sạt lở đau lòng xảy ra vào khoảng 21 giờ ngày 09/9, nhưng lúc đó nước lên quá nhanh, chảy xiết, toàn bộ khu vực bị cô lập hoàn toàn nên các lực lượng cứu hộ không thể tiếp cận... Trong tình huống ấy, CA địa phương liên hệ với hàng xóm của bà Dương Thị Diệu nhanh chóng hỗ trợ. Trong đêm, những người hàng xóm đã nỗ lực dùng tay, xẻng tìm kiếm đến 3 giờ sáng hôm sau nhưng vẫn không tìm được các nạn nhân. Khoảng 9 giờ ngày 10/9, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của CATP.Yên Bái và CAP.Minh Tân mới tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở và bắt đầu công tác tìm kiếm... Khi nghe tin dữ, Trung tá Lâm vẫn đang thực hiện nhiệm vụ được giao, nước vẫn không ngừng dâng cao, chảy xiết, bao người dân vẫn đang từng giờ từng phút cần lực lượng cứu hộ, cứu nạn giúp họ thoát hiểm, giúp cứu tài sản an toàn... Anh ngồi qụy xuống đất, trong một đêm, anh mất đi người mẹ thân yêu và cậu em trai. Đến 11 giờ ngày 10/9, Trung tá Hoàng Mạnh Lâm mới về được nhà. Gần 19 giờ ngày 10/9, thi thể mẹ và em trai của anh được tìm thấy, anh đứng lặng vì đau xót. Nuốt nước mắt, Trung tá Lâm tự tay tắm rửa cho mẹ, cho em trai lần cuối rồi nhờ bà con chòm xóm chuẩn bị hậu sự.
Cũng mất người thân trong mưa bão số 3 là binh nhì Hoàng Trọng Diệp đang thực hiện nhiệm vụ tại Trại tạm giam CA tỉnh Yên Bái. Trong sáng 10/9, binh nhì Hoàng Trọng Diệp cùng các đồng đội của mình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho Trại tạm giam CA tỉnh Yên Bái và phạm nhân, sẵn sàng phương án giúp đỡ, ứng cứu nhân dân trên địa bàn trong trường hợp cần thiết, thì bất ngờ nhận được tin ngôi nhà ở quê em tại xã Minh Chuẩn, H.Lục Yên, tỉnh Yên Bái bị đất đá sạt lở, chôn vùi. Hoàng Trọng Diệp chỉ biết trông chờ vào một phép màu sẽ đến với gia đình mình, nhưng Diệp đã gục ngã khi biết cả 5 người trong gia đình em (gồm ông, bà, bố, mẹ và em gái) đều đã mất trong cơn lũ dữ.
Không chỉ mất mát người thân, đó còn là những tấm gương đã không quản tính mạng, hiểm nguy để bảo đảm sự an toàn tài sản và tính mạng của người dân. Trước đó, khoảng 24 giờ ngày 07/9/2024, lũ dồn dập dâng cao ngập khu nhà ở cán bộ, chiến sĩ và phòng giam và làm sập tường rào, gây nguy hiểm cho các phạm nhân tại Phân trại số 2 Trại giam Quảng Ninh, đồng chí Trần Quốc Hoàng (SN 1987), cán bộ tại Trại giam Quảng Ninh đã dũng cảm vượt mưa gió, ra mở cổng thoát hiểm phía sau để tháo nước trong khu giam, bảo đảm an toàn cho đồng đội và các phạm nhân nhưng do nước quá lớn, chảy xiết nên sau khi mở cổng, đồng chí Hoàng đã bị lũ cuốn trôi, hy sinh khi làm nhiệm vụ trong bão Yagi. Sáng 09/9, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bí thư Đảng ủy CA Trung ương, Bộ trưởng Bộ CA đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm từ Thiếu tá lên Trung tá trước thời hạn, kể từ ngày 08/9/2024 đối với đồng chí Trần Quốc Hoàng (SN 1987, quê quán tại Mỹ Hào, Hưng Yên) - Thi hành án viên Trung cấp tại Trại giam Quảng Ninh, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc và trường giáo dưỡng. Chiều 09/9/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ký Quyết định truy tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho đồng chí Trần Quốc Hoàng, cán bộ Trại giam Quảng Ninh.
Công an tỉnh Yên Bái giúp người dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua
Băng rừng đi tìm dân "nghi mất tích" trong mưa lũ
Đó còn là câu chuyện Đại uý Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng CA xã Cốc Lầu, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, đứng ngồi không yên sau 3 ngày không liên lạc được với trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bảo Yên - nơi bị nghi sạt lở, đã quyết định đề xuất Trưởng CA huyện lập một tổ công tác gồm 3 đồng chí CA xã, huy động thêm 1 đồng chí thuộc lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở, 1 đồng chí xã đội thôn Cốc Lầu mang theo lương thực, nước uống vượt rừng tìm đường tới nhóm 17 hộ dân giữa thời tiết mưa bão, núi đồi bị sạt lở đứt gãy, giao thông trên đường bộ bị tê liệt hoàn toàn... với mong mỏi các hộ dân ở Kho Vàng vẫn an toàn. May mắn là sau nhiều giờ đồng hồ băng rừng vượt qua nhiều hiểm trở, các CBCS đã tìm thấy người dân thôn Kho Vàng đang tạm lánh nạn trên núi. Đại uý Nguyễn Mạnh Cường đã điều động người mang lương thực, thực phẩm đến cứu trợ cho người dân, đồng thời kiểm tra, phân công theo dõi, đôn đốc người dân gia cố chắc lại các lán trại, không để người dân đi xuống khu vực nguy hiểm... Giữa những thông tin thương tâm từ Làng Nủ, thì việc tìm được 115 người dân nghi mất tích ở Kho Vàng là tín hiệu vui... Với mỗi cán bộ CA nói chung, Đại úy Cường nói riêng, người dân được bình yên, hạnh phúc, đó là niềm vui và cũng là mệnh lệnh của trái tim, tô thắm thêm hình ảnh của người chiến sĩ CAND trong lòng nhân dân.