(CAO) Những người lấy mật luôn phải đương đầu với đàn ong dữ, bị đốt, ngã từ trên cao... Nhọc nhằn, nguy hiểm nhưng đổi lại sau mỗi chuyến băng rừng, lội đồng, vượt đầm lầy họ có nguồn thu nhập lên đến vài triệu đồng.
Một trong những thợ “săn” ong có tiếng ở xã Thạnh Thới, H.Trần Đề, Sóc Trăng là anh Nhất Toàn (37 tuổi) và Tư Kính (36 tuổi, ngụ tại địa phương). Để tìm tổ ong, họ phải di chuyển đoạn đường hàng chục cây số mỗi ngày
Chiếc xe gắn máy đưa hai anh rong ruổi khắp các ngõ ngách của ấp này, xã nọ để tìm tổ ong. Khi phát hiện, họ sẽ lấy lá dừa để làm đuốc đuổi ong ra khỏi tổ.
Đuốc đã đốt, anh Kính lấy chiếc túi lưới chùm mặt kín mít, rồi tót lên ngọn cây cao hơn 20m. Trong lúc anh trèo, người nhà lánh đi nơi khác vì sợ ong tấn công khi động tổ.
Trèo đến nơi, anh bắt đầu đưa ngọn đuốc mù mịt khói vào gần tổ ong. Bị ngạt khói, bầy ong túa ra như đám mây đen bao phủ quanh người anh. Một tay bám thân cây, tay còn lại anh Kính cầm dao cắt những phần sáp chứa mật cho vào xô. Mọi việc diễn ra rất nhanh và gọn chỉ tính bằng giây.
Phần mật lấy xong được các
thợ săn vắt vô chiếc xô. Toàn bộ 1,5 lít mật được các anh bán hết cho chủ nhà.
Rời nơi đây, chúng tôi tiếp tục đi lấy đến những tổ ong khác. Dù di chuyển gần 20 cây số nhưng chiếc xe máy chạy chỉ nhanh hơn xe đạp. Anh Kính giải thích, việc chạy chậm để tìm những tổ ong mới. Sau gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến một tổ trong đóng trên cây xoài đã được lấy mật cách nay 15 ngày.
Trước khi ra tổ ong, anh Toàn đã vô nhà thông báo với chủ. Ong làm tổ trên cây thấp nên việc lấy mật diễn ra nhanh chóng và dễ dàng. Được số mật bằng với tổ trước nhưng các anh phải chia một nửa cho chủ.
Anh Kính nói: “Cách nay hơn 5 năm, chủ vườn cho bắt tự do và thậm chí thuê mình làm, còn giờ phải trả tiền từ 100 – 200 ngàn/lần lấy mật hoặc chia đôi lượng sáp. Mình chấp nhận để họ giữ chứ không người khác hốt mất”.
Tiếp đến chúng tôi phải di chuyển qua xã khác lấy tổ ong cuối cùng. Do được đóng trên cây gừa cổ thụ nên việc leo trèo và lấy mật hết sức khó khăn.
Trong lúc cắt phần sáp vô tình anh Kính đánh rơi cây đuốc. Lúc này, đàn ong dữ bu lấy anh, thậm chí chích nhiều mũi. Cố cắt xong anh liền tuột vội xuống để đồng nghiệp hỗ trợ. Bị đánh hơn chục mũi nhưng anh Kính vẫn thản nhiên nói: “Chích riết quen rồi, ngày nào không bị chích về ăn cơm không ngon”.
Trên đường về bất ngờ anh Kính và Toàn dừng lại tại một vườn dừa vì phát hiện tổ ong “khủng” trên cây bạch đàn cao chót vót. Do đây là tổ mới nên các anh đã vào liên hệ chủ nhà để được lấy mật. Người nhà có nhu cầu sử dụng nên thống nhất cách thương lượng là lấy mật chứ không lấy tiền.
Như lần bắt trước nhưng phải leo lên cây thẳng đứng, tận ngọn mới có chỗ bám. Dù vậy, không làm khó được cánh thợ săn. Lấy được phần mật to nhanh chóng di chuyển xuống đất, anh Kính vui mừng nói: “Lâu lắm rồi mới “trúng mánh” như hôm nay. Cây này cao mà cắt phần mật nặng hơn 5kg run cả tay chân”.
Sau đó, nhóm thợ săn vào chia một phần cho chủ nhà rồi di chuyển ra hướng Quốc lộ.
Tiếp tục một số tổ ong mật được anh Toàn và anh Kính phát hiện, thu hoạch dễ dàng.
Theo hai thợ săn, người có kinh nghiệm bắt ong nhiều lần cũng không bỏ tổ. Chỉ cần quan sát là biết đàn ong dữ hay hiền, mật nhiều hay ít. Anh Kính nhớ lại: “Bản thân từng bị đánh hơn 20 mũi khiến hai bàn tay, cơ thể sưng vù đến nỗi mở nút áo cũng không được; còn thịt da nóng bừng như bị sốt phải nằm nghỉ gần tuần lễ”.
Sau nửa ngày, anh Toàn và anh Kính về nhà tiến hành rọc tổ ong lấy mật. Anh Toàn cho biết: “Dùng dao rọc mật chảy ra khỏi tổ không cần phải vắt”.
Chiến lợi phẩm 2 anh thu về hơn 7 lít mật ong. Mỗi lít được bán với giá 600 ngàn đồng.
Phần sáp được các anh đem đi ngâm rượu.
Ngoài săn ong mật, các anh còn bắt ong vò vẽ. Tuy nhiên để bắt được loài này phải đợi đến đêm vì lúc này chỉ có những tổ đóng cạnh
nhà dân chứ vườn tạp kiếm không ra.
Tổ ong vò vẽ được bắt trọn, rồi được cho vào bao chờ ong sống thoát hết ra ngoài.
Ong già thoát hết, các thợ săn tiến hành lấy nhộng (ong non) để chế biến các món khoái khẩu như: nấu cháo, xào hành…
Ong già được cho vào bình ngâm rượu.
Mỗi bình rượu ong vò vẽ 6 lít có giá 2,5 triệu đồng.