(CAO) Hai ngày chính lễ (14 và 15-4 âm lịch) của Lễ hội Phật Đản năm nay trùng với hai ngày cuối tuần nên đông đảo người dân đã đi chùa để mừng hội lớn của Phật giáo.
Sáng 19-5 (tức 15-4 âm lịch), hàng ngàn người Sài Gòn đi lễ chùa mừng đại lễ Phật Đản. Ngay từ sáng sớm, các chùa trên địa bàn TP đã có rất đông tăng ni, phật tử đến tưởng nhớ ngày Đức Phật ra đời.
Tại chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3), chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh),... có rất đông các tăng ni, phật tử cùng hàng ngàn người dân tới thắp nhang, cầu mong quốc thái dân an, gia đình ấm no và cuộc sống an lạc.
Tại các chùa khác trong thành phố, các nghi thức như: tắm Phật, giảng đạo, phóng sinh,… cũng đồng thời được diễn ra.
Đại Lễ Phật đản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tăng ni, phật tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Ngày mừng Đức Phật đản sinh, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo của thế giới.
Trước đó, tối 18-5 (14-4 âm lịch), tại chùa Pháp Hoa (quận 3) hơn 5.000 người dân đã tham gia thả hoa đăng trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để cầu ước may mắn và bình an.
Hàng ngàn tăng ni, phật tử đến tham dự Đại lễ Phật đản - Vesak PL.2563 do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức tại chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10) lúc 6 giờ sáng ngày 19-5 (tức 15-4 âm lịch). Ảnh: CTV
Rất đông các tăng ni, phật tử cùng hàng ngàn người dân tới thắp nhang, cầu mong quốc thái dân an, gia đình ấm no và cuộc sống an lạc tại chùa Diệu Pháp sáng 19-5 (nhằm 15 âm lịch).
Thiêng liêng nghi lễ tắm Phật.
Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh. Ảnh: Ngô Đồng
Theo kinh điển ghi lại, khi Thái tử Sĩ Đạt Đa sau này tu hành thành Phật Thích Ca Mâu Ni đản sinh có 9 rồng phun nước tắm cho Ngài, hoan hỉ đón mừng sự đản sinh của Ngài. Bây giờ phật tử tắm Phật để diễn tả sự hoan hỉ chào mừng Đức Phật đản sinh. Ảnh: Ngô Đồng
Ý nghĩa thứ hai, việc dùng nước tắm Phật để gột rửa thân tâm của chính mình cho được thanh tịnh. Người tu Phật khi thực hiện việc tắm Phật muốn mong cho tất cả chúng sinh từ bỏ tham sân si ố uế của tâm hồn, mong tâm được thanh tịnh trong sạch.
Ngoài ra, nghi thức tắm Phật còn gắn với văn hóa truyền thống Việt Nam. Khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam gắn bó hài hòa với tín ngưỡng của người Việt Nam, ngày Phật đản trước đây của người Việt Nam tổ chức vào ngày 8-4 âm lịch đi liền với ước nguyện cầu mưa của văn hóa nông nghiệp Việt Nam.
Người dân thành tâm cầu nguyện trong nghi lễ tắm Phật
Người dân tới lễ chùa để cầu mong một cuộc sống ấm no, an lành, không có bệnh tật, mọi khổ nạn sẽ qua.
Người dân cũng mang theo cá, chim để phóng sinh
Thả cá phóng sinh dịp lễ Phật đản
Nhiều người thuê tàu để mang cá ra sông Sài Gòn để thả
Nhiều người mua chim sẻ bán trong khuôn viên chùa, thả phóng sinh với mong muốn nhìn những cánh chim bay để lòng nhẹ nhõm hơn, thoát khỏi những sân si đời thường.
Trước đó, tối 18-5 (14-4 âm lịch), tại chùa Pháp Hoa (quận 3) hơn 5.000 người dân đã tham gia thả hoa đăng trên dòng kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè để cầu ước may mắn và bình an. Ảnh: Phúc Dương.
Theo dân gian thì hoa đăng (đèn hoa) là những chiếc đèn được thắp sáng là biểu trưng của trí tuệ sáng suốt và sự thanh cao thoát tục. Khi thả đèn hoa đăng, chúng ta đốt lên ngọn đuốc trí tuệ cúng dường chư Phật, tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh của người Việt Nam trong những ngày lễ lớn.
Lễ hội hoa đăng do chùa Pháp Hoa tổ chức đã thu hút hàng ngàn người đến tham dự, đây cũng là một dịp để mọi người cầu nguyện cho gia đình và bản thân gặp nhiều may mắn, bình an.
(CAO) Chư Ni Quan Âm Tu Viện (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cùng các tình nguyện viên và các chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM vừa tiến hành hạ thủy 7 đóa sen cầu vồng trên kênh Nhiêu Lộc chào mừng Đại lễ Phật Đản LHQ Vesak 2019.