VIỆN, TOÀ CẤP CAO “TUÝT CÒI” (!)
Hội Liên hiệp phụ nữ (sau đây gọi tắt “Hội”) H. An Phú, tỉnh An Giang hoạt động với nguồn kinh phí do UBND H. An Phú cấp, thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo quy định.
Theo bản án sơ thẩm lần 1 ngày 24/4/2019 của TAND H. An Phú, từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016, với vai trò là Chủ tịch Hội, Nguyễn Thị Yến đã chỉ đạo Huỳnh Kim Huệ (SN 1979, Phó Chủ tịch, kiêm kế toán), Nguyễn Thị Minh Thư (SN 1976, Phó Chủ tịch, kiêm thủ quỹ), Tô Thị Kim Xuyên (SN 1990, kế toán) và Mai Thị Thùy Linh (SN 1980, thủ quỹ) rút 6 nguồn kinh phí được cấp tại Kho bạc H. An Phú với 280,78 triệu đồng. Hội đã thực chi 126,533 triệu; số tiền còn lại 154,247 triệu, Yến chỉ đạo Huệ, Thư, Xuyên, Linh nâng khống chứng từ quyết toán, chi không đúng nguyên tắc số tiền 91,247 triệu; chiếm đoạt 63 triệu, chia nhau tiêu xài. Trong đó, Yến và Huệ mỗi người hưởng 17 triệu; Thư 13 triệu, Linh 9 triệu; Xuyên 7 triệu.
Ngoài 6 nguồn kinh phí nêu trên, Yến chỉ đạo Huệ, Xuyên lập dự toán trình Yến ký rồi giao Linh đến Kho bạc huyện rút 4 nguồn kinh phí được cấp với 223,82 triệu đồng. Trong đó, Hội đã chi 146,8 triệu; gửi tiết kiệm 50 triệu; còn lại 27,02 triệu chi các hoạt động khác, không có chiếm đoạt.
Bà Nguyễn Thị Yến và bà Mai Thị Thùy Linh liên tục kêu oan
Quy kết cả 5 bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản” với số tiền 63 triệu đồng, HĐXX tuyên phạt Yến 2 năm tù; Huệ 1 năm 6 tháng tù; Thư 1 năm tù; Linh và Xuyên mỗi người 9 tháng tù.
Tại phiên toà phúc thẩm lần 1 ngày 05/02/2020, TAND tỉnh An Giang đã tuyên hủy toàn bộ sơ thẩm nêu trên.
Tại bản án sơ thẩm lần 2 ngày 20/4/2021, TAND H. An Phú tuyên phạt Yến 2 năm tù giam; Huệ 1 năm 6 tháng tù; 3 bị cáo còn lại, mỗi người 1 năm tù (cả 4 người đều được hưởng án treo) về tội “Tham ô tài sản”. Lần này, HĐXX xác định: Với 280,78 triệu đồng kinh phí được cấp, số tiền thực chi là 111,533 triệu; nâng khống chứng từ, chi không đúng 114,247 triệu; chiếm đoạt 55 triệu (giảm 8 triệu so với án sơ thẩm lần 1). Trong đó, Yến và Huệ mỗi người hưởng 15 triệu; Thư 11 triệu; Linh 8 triệu, Xuyên 6 triệu.
TAND tỉnh An Giang mở phiên toà phúc thẩm lần 2 ngày 08/11/2021, với HĐXX gồm 3 Thẩm phán Lâm Thuận Tùng (chủ toạ), Trương Văn Hai và Nguyễn thị Minh Phượng, tuyên y án sơ thẩm.
Yến, Linh tiếp tục kêu oan. Sau khi xem xét, ngày 28/01/2022, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TPHCM ký kháng nghị giám đốc thẩm (GĐT). Tại Bản án GĐT số 25/2022/HS-GĐT ngày 10/3/2022, TAND Cấp cao tại TPHCM chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy toàn bộ hai bản án phúc thẩm và sơ thẩm lần 2 để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Cả VKSND và TAND Cấp cao tại TPHCM cùng nhận định:“Số tiền 55 triệu đồng mà 5 bị cáo được chi cho bồi dưỡng tăng thu nhập và các ngày lễ, tết vào năm 2015-2016 đều được thông qua và thống nhất với tất cả thành viên trong Hội, không làm tăng kinh phí quản lý và hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm, cho nên không vi phạm nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm quy định tại Điều 2 Thông tư (TT) liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV. Án sơ thẩm và phúc thẩm xác định 5 bị cáo đồng phạm với nhau trong thực hiện hành vi “Tham ô tài sản” số tiền 55 triệu đồng là chưa đủ căn cứ, chưa đúng với bản chất và sự thật khách quan của vụ án”.
Ngoài ra, án sơ thẩm và phúc thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng luật và giải quyết vụ án.
Một trong những kết luận điều tra (trang 1 và 11) xác định hành vi “thanh toán khống”của các bị cáo không có tư lợi cá nhân
KÊU OAN, LĨNH ÁN NẶNG HƠN (?!)
Hai cựu cán bộ Yến và Linh cùng trình bày: Sau hơn 18 tháng bị Viện và Toà án Cấp cao “tuýt còi”, ngày 26/10/2023, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Thuỳ Trang ký cáo trạng truy tố 5 bị can về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 221 BLHS 2015, sửa đổi 2017 với tổng số tiền bị quy kết vi phạm hơn 254,26 triệu đồng.
Vụ án được TAND tỉnh An Giang xử sơ thẩm lần 3 ngày 29/02/2024 với HĐXX do Thẩm phán Phạm Tấn Tài ngồi ghế chủ toạ cùng hai Hội thẩm Đỗ Nguyễn Văn Duy Linh và Lý Thanh Tú. Dù nhiều điểm mấu chốt chưa được làm rõ, bị cáo Yến liên tục kêu oan, nhưng HĐXX đã tuyên Bản án số 08/2024/HS-ST (Bản án 08) ngày 01/3/2024, xử phạt Yến 3 năm tù; Huệ 1 năm 9 tháng tù; Thư 1 năm 6 tháng tù; Linh và Xuyên, mỗi người 1 năm 3 tháng tù theo khoản 2 Điều 221 BLHS.
HĐXX quy kết: Từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016, Hội được cấp kinh phí 539,5 triệu đồng. Nhằm quyết toán hết nguồn kinh phí này, 5 bị cáo giả mạo tài liệu kế toán, lập chứng từ khống, nâng khống để quyết toán 9 nguồn kinh phí được cấp, gây thất thoát ngân sách 254,26 triệu đồng. Trong đó, Yến giữ vai trò chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền thất thoát, được hưởng lợi 15 triệu. Huệ chịu trách nhiệm 162,27 triệu đồng; hưởng lợi 15 triệu. Thư chịu trách nhiệm 106,64 triệu đồng; hưởng 11 triệu. Xuyên chịu trách nhiệm 251,24 triệu đồng; hưởng 6 triệu. Linh chịu trách 106,8 triệu đồng, hưởng lợi 8 triệu.
HĐXX buộc các bị cáo liên đới nộp số tiền thất thoát, sau khi được “khấu trừ”, còn phải nộp 133,52 triệu.
Trưng bằng chứng, kèm đơn kháng cáo kêu oan và đơn kêu cứu khẩn cấp, hai bà Yến - Linh trình bày 5 điểm lộ rõ dấu hiệu vi phạm của Bản án 08 để TAND Cấp cao tại TPHCM soi xét tại phiên toà phúc thẩm, dự kiến mở cuối tháng 11/2024.
Thứ nhất, sau khi bản án phúc thẩm lần 2 bị Toà Cấp cao huỷ để điều tra lại, các Cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) tỉnh An Giang vẫn đề nghị truy tố 5 bị can tội “Tham ô tài sản”. Từ khiếu nại, kêu oan của bà Yến, Cơ quan THTT chuyển sang truy cứu các bị can tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong khi chính các Cơ quan THTT xác định rõ trong nhiều Kết luận điều tra và Cáo trạng trước đây:“Xét thấy, số tiền thanh toán khống dùng chi vào mục đích chung của đơn vị, không có tư lợi cá nhân, các bị can và những người có liên quan đã khắc phục hậu quả nên Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát tỉnh An Giang không xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp theo quy định pháp luật”.
Thứ hai, liên quan đến số tiền hưởng lợi, TAND Cấp cao đã xác định rõ trong Bản án GĐT :“Số tiền 55 triệu đồng mà 5 bị cáo được chi không vi phạm nguyên tắc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quy định tại Điều 2 TT liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV”.
Thứ ba, nguồn kinh phí và số tiền bị cáo buộc chi khống liên tục “nhảy múa”. Cụ thể: Án sơ thẩm lần 1 xác định tổng kinh phí được cấp 504,6 triệu đồng, đã chi khống 91,247 triệu, chiếm đoạt 63 triệu. Án sơ thẩm lần 2 xác định tổng kinh phí 504,6 triệu đồng, đã chi khống 114,247 triệu, chiếm đoạt 55 triệu. Trong khi tạ bản sơ thẩm lần 3, HĐXX xác định tổng kinh phí là 539,5 triệu đồng, chi khống 254,26 triệu, chiếm đoạt 55 triệu nhưng không làm rõ vì sao có sự chênh lệch lớn này?
Thứ tư, tại phiên toà, nhiều lần Luật sư (LS) chứng minh có nhiều số liệu làm căn cứ truy tố các bị cáo không chính xác như nguồn kinh phí tuyên truyền bầu cử, kinh phí tuyên truyền Đề án 343…nhưng không được HĐXX xem xét. Cả việc Nguyễn Thị Minh Thư cạy tủ lấy tài liệu dẫn đến hồ sơ phục vụ điều tra bị thiếu, cũng không được làm rõ.
Thứ năm, chứng cứ quan trọng để kết án là kết luận giám định (KLGĐ) số 276 ngày 27/3/2023 của Sở Tài chính tỉnh An Giang, cho rằng bà Yến đã lập 103 chứng từ để quyết toán khống với số tiền 254,26 triệu đồng. Bà Yến khẳng định không làm khống chứng từ, nhưng không được cho đối chiếu, làm rõ. Tại phiên tòa, ông Trần Đình Thư - Tổ trưởng Tổ giám định xác định không thể tách các khoản tiền quyết toán của từng chứng từ mà “cộng gộp”, dẫn đến quy kết số tiền vi phạm không đúng. Tình tiết này rất quan trọng nhưng HĐXX lại bỏ qua…
BOX: Nghiên cứu hồ sơ, Luật sư (LS) Trần Hải Đức và LS Nguyễn Xuân Hưng (Đoàn LS TPHCM) nêu quan điểm: Bản án 08 căn cứ KLGĐ số 276 để kết tội các bị cáo. KLGĐ này không có giá trị pháp lý vì căn cứ vào hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành. Cụ thể: Nghị định số 60/2003/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 01/01/2017; TT số 59/2003/TT-BTChết hiệu lực từ ngày 13/02/2017; TT số 185/2010/TT-BTC hết hiệu lực từ ngày 24/11/2017…
Về nội dung: Bản án quy kết, cộng dồn các khoản chi năm 2015 - 2016 là không đúng quy định pháp luật. Cần phải tách ra từng nghiệp vụ riêng biệt vì luật quy định các khoản liên quan đến nguồn kinh phí thường xuyên và nguồn kinh phí đặc thù phải quyết toán độc lập, theo Điều 5 TT liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV.