Tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân
Bằng văn bản hỏa tốc về việc đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ gửi Thống đốc NHNN Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo: Thống đốc NHNN Việt Nam theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt, kịp thời, tích cực trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, quan tâm chỉ đạo ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội theo đúng quy định tại Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 07/8/2023 của Chính phủ.
NHNN tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật hành chính, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề thuộc thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; cần phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa với tinh thần cầu thị, lắng nghe và cần có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập được các địa phương, báo chí, dư luận, người dân, doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại quan tâm, phản ánh, đề xuất.
Cũng tại văn bản hỏa tốc, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc họp ngày 17/8/2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, đại diện các Hiệp hội, trong đó có Hiệp hội bất động sản, các đại diện doanh nghiệp đề nghị NHNN Việt Nam theo thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định có liên quan tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, trong đó có nêu các vướng mắc doanh nghiệp kiến nghị tại các khoản 8, 9, 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổi sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) và các điều, khoản có liên quan.
Thủ tướng cũng chỉ đạo, căn cứ các quy định pháp luật, việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Thống đốc NHNN Việt Nam. Các nhu cầu vốn tín dụng hợp pháp, chính đáng, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật cần phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận vay vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Vì sao bị phản ứng như là "rào cản"?
Trong nhiều phản ứng của dư luận, cũng như báo chí và các doanh nghiệp, hiệp hội, người dân cho rằng "rào cản" tiếp cận vay vốn ngân hàng, trong đó phản ánh cụ thể như Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ và NHNN Việt Nam "Đề nghị sửa một loạt thông tư để khơi thông tín dụng bất động sản". Đặc biệt, với Thông tư 06/2023/TT-NHNN của NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016) vừa ban hành, HoREA lo ngại và cho rằng Thông tư số 06/2023/TT-NHNN như "dựng thêm rào chắn", dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản khó có thể tiếp cận vốn vay.
Lâu nay, Thông tư 39/2016/TT-NHNN được coi là bộ "kim chi nam" hướng dẫn hoạt động cho vay của ngân hàng. Bất kỳ sự thay đổi, bổ sung nào của thông tư này đều tác động rất lớn đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, người dân. Liên quan đến lo lắng của doanh nghiệp, trong thông báo gửi tới báo chí, NHNN khẳng định, mục đích của Thông tư 06/2023/TT-NHNN là nhằm góp phần bảo đảm an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của ngân hàng đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế.
Tạm hoãn thi hành một số quy định tại Thông tư số 06
Ngay sau văn bản hỏa tốc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều tối cùng ngày (23/8/2023), NHNN đã ban hành Thông tư 10/2023 về ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016 đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023 về việc cấm cho vay một số lĩnh vực.
Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà, căn hộ là rất lớn
Quy định được hoãn thi hành gồm những nhu cầu vốn không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
Để bù đắp tài chính, trừ trường hợp khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Khách hàng đã ứng vốn của chính khách hàng để thanh toán, chi trả chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh, mà các chi phí thực hiện dự án hoạt động kinh doanh này phát sinh dưới 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay. Các chi phí đã thanh toán, chi trả bằng vốn của chính khách hàng nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh là các chi phí có sử dụng nguồn vốn vay của tổ chức tín dụng theo phương án sử dụng vốn đã gửi tổ chức tín dụng để được xem xét cho vay trung, dài hạn nhằm thực hiện dự án hoạt động kinh doanh đó.
Xung quanh dư luận và phản ánh về một số quy định tại Thông tư 06/2023 của NHNN như "rào cản" người vay tiếp cận vốn vay, lần này Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể và quyết liệt: "NHNN Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng, các nội dung liên quan được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh. Căn cứ Luật NHNN, Luật các tổ chức tín dụng và quy định pháp luật có liên quan, thẩm quyền quy định và tình hình thực tế để tiếp thu, khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023, theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, người dân, cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, không để có quy định không rõ ràng, cách hiểu khác nhau... nhằm nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân, ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phải hoàn thành trong ngày 25/8/2023. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền để tránh các vi phạm, tiêu cực có thể xảy ra".
Tuy nhiên, vấn đề gây lo ngại nhất của Thông tư 06/2023/TT-NHNN là bổ sung thêm một loạt quy định về một số nhu cầu vốn tổ chức tín dụng không được cho vay. Trên thực tế, những nhu cầu vốn cho vay này trong thời gian qua, NHNN cũng đã có các văn bản cảnh báo tổ chức tín dụng rồi. Như Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để gửi tiền.
Theo NHNN, thực tiễn thời gian qua, qua công tác thanh tra, giám sát có phát sinh trường hợp tổ chức tín dụng đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay tiền đồng để gửi tiết kiệm. Liên quan đến vấn đề này, NHNN cũng đã có văn bản số 9565/NHNN-CSTT ngày 06/12/2019 cảnh báo các tổ chức tín dụng. Bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ tổ chức tín dụng. Theo đó, Thông tư 06/TT-NHNN bổ sung quy định tổ chức tín dụng không được cho vay vốn để gửi tiền nhằm bảo đảm kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như bảo đảm phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính...