Nông nghiệp Việt đang 'lâm nguy'?

Chủ Nhật, 03/01/2016 14:30

|

Trong 5 năm tới, khi các FTA phát huy hiệu lực sâu rộng sẽ là thời kỳ nông nghiệp Việt Nam đứng trước sự “sống còn” đối với nhiều ngành. Nông nghiệp Việt Nam sẽ phải thay đổi…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành, năm 2015 là một năm đầy khó khăn đối với nông nghiệp Việt Nam. Mặc dù đạt kết quả đáng khích lệ về kim ngạch xuất khẩu nhưng giá nông sản giảm, không ít khó khăn và tồn tại chưa giải quyết được.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông sản trong năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD. Trong đó, một số mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao như hồ tiêu, hạt điều, sắn gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả. Đặc biệt, mặt hàng rau quả đã tạo nên mức tăng trưởng thần kỳ khi kim ngạch đạt 2,2 tỷ USD; tăng 47% so với năm ngoái.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nông sản năm nay vẫn thấp hơn khoảng 0,8% so với năm 2014, nhưng nhìn chung, đây vẫn là một kết quả hết sức đáng khích lệ. Bởi thực tế, năm 2015 là một năm đặc biệt khó khăn của nông nghiệp Việt Nam.

Năm 2015 có quá nhiều diễn biến bất lợi đối với xuất khẩu nông sản mà một trong số đó là việc giá bán của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh trên thị trường quốc tế. Ngoài việc giá bán giảm của các mặt hàng nông sản chủ lực, nền nông nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn kỷ lục do tác động của hiện tượng El Nino.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu không đạt kế hoạch cho thấy vẫn còn những yếu kém tồn tại mà ngành nông nghiệp Việt Nam chưa giải quyết được. Nếu không khắc phục được thì nó sẽ càng lộ rõ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng.

Đã có những thời điểm Việt Nam buộc phải đưa ra dự đoán là kim ngạch xuất khẩu nông sản sẽ sụt giảm vài chục phần trăm và chỉ có thể dao động quanh mức 27 tỷ USD.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ nhiều năm nay vẫn là căn bệnh trầm kha của nông nghiệp. Bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, dịch bệnh, sự thiếu kỷ luật của người nông dân. Người nông dân chỉ mới tập trung tăng năng suất chứ chưa tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, ngoài cạnh tranh bằng giá, ngành nông nghiệp còn phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật, những rào cản này phù hợp với xu thế hội nhập. Nhật Bản và EU có những tiêu chuẩn rất cao để kiểm soát hàng nhập khẩu, Việt Nam không tuân theo sẽ bị thua thiệt và đánh mất thị trường.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia trong ngành lại cho rằng, nông dân Việt Nam đang thua kém nông dân ở nhiều quốc gia ở cả trình độ tư duy, lẫn kỹ năng sản xuất và công nghệ. Để khắc phục điều này cần mở cửa thị trường, tiếp thu khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

“Chúng ta hoàn toàn có thể trở thành cường quốc nông nghiệp, một cường quốc về xuất khẩu nông sản. Nhưng phải tiếp cận được thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ mới” - Ông Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.

Mặc dù không phải là ngành đóng góp lớn nhất cho GDP của cả nước nhưng nông nghiệp lại đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của đất nước, an sinh xã hội.

Do vậy, trong 5 năm tới, khi các FTA phát huy hiệu lực sâu rộng sẽ là thời kỳ nông nghiệp Việt Nam đứng trước sự “sống còn” đối với nhiều ngành. Tái cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ tất yếu cần thực hiện. Nhìn vào chặng đường sắp tới, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập TPP, ngành nông nghiệp sẽ phải thay đổi.

“Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần tập trung cao hơn vào việc phát huy lợi thế so sánh, phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao như lúa gạo, cà phê, cao su, cá, tôm, hạt tiêu, điều. Đồng thời, tập trung tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang