BAT hỗ trợ hơn 5.000 hộ gia đình cải thiện cuộc sống

Thứ Bảy, 24/06/2017 12:08

|

(CAO) Trồng nấm, chăn nuôi, buôn bán nhỏ… những công việc này đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo từ nguồn vốn vay không lãi suất của dự án “Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo” do BAT phối hợp với các đối tác thực hiện từ năm 2004.

Tính đến nay, dự án đã giúp trên 5.000 hộ gia đình với 2.000 nhân khẩu tại nhiều địa phương trên cả nước nâng cao chất lượng cuộc sống khi luân chuyển nguồn vốn vay trị giá 1,6 tỉ đồng trong suốt 13 năm qua.

2.000 nhân khẩu hưởng lợi từ dự án hỗ trợ cộng đồng

Hai năm trở về trước, chị Nguyễn Thị Dương, 41 tuổi, ở xã Mỹ Quý Đông, huyện biên giới Đức Huệ, tỉnh Long An, cùng chồng đi làm thuê làm mướn khắp nơi để nuôi 4 miệng ăn. Kinh tế gia đình không ổn định. Năm 2015, thông qua Hội phụ nữ huyện Đức Huệ, chị được vay vốn không lãi suất để nuôi heo cải thiện cuộc sống. Một năm sau, với số tiền dư dả có được, chị nuôi thêm bò. Đến nay, cuộc sống của gia đình chị Dương dần đi vào ổn định. Chị có tiền để gả chồng cho con gái đầu lòng và cho con gái út đi học.

Cũng nhờ nguồn vốn vay không lãi suất thông qua hội phụ nữ huyện Củ Chi, TP.HCM, vợ chồng chị Trần Thị Sớm tại xã Phước Vĩnh An hiện nay cải thiện cuộc sống, nuôi 3 con ăn học và mẹ già 80 tuổi. Nhà chị trồng nấm bào ngư với doanh thu 120.000/ngày, trong đó tiền lãi là 90.000 đồng, có đầu ra ổn định.

Gia đình chị Dương và chị Sớm nằm trong hơn 500 hộ gia đình tại hai địa phương trên được hỗ trợ tổng cộng hơn 500 triệu đồng vay vốn phát triển chăn nuôi và sản xuất, nâng cao cơ hội thoát nghèo thuộc dự án “Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo”. Được triển khai từ 2004, dự án “Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo” với nguồn vốn trị giá 1,6 tỉ đồng do BAT ủy thác qua Báo Hà Nội Mới và sự giúp đỡ của hội phụ nữ tại Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, Quảng Trị, Củ Chi và Long An nhằm góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống ổn định cho người nghèo và trợ giúp tích lũy vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Người dân trồng nấm tại huyện Củ Chi, TP.HCM với vốn vay từ Quỹ hỗ trợ giảm nghèo của BAT Việt Nam. Ảnh: Minh Đức

Bà Nguyễn Hoàng Huệ Linh, Giám đốc Truyền thông và Trách nhiệm Xã hội của BAT Việt Nam, cho biết: “Những dự án hướng về cộng đồng như dự án Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho người dân ở nhiều địa phương trên cả nước bởi đã giúp hàng ngàn hộ gia đình xóa nghèo, giúp con em của họ có thể tiếp tục đến trường”. Cũng theo bà Huệ Linh, Quỹ Hỗ trợ giảm nghèo nằm trong chương trình đầu tư xã hội mà BAT đã triển khai nhiều năm qua nhằm hỗ trợ cộng đồng một cách bền vững, ở những địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Chú trọng các dự án đầu tư xã hội

Với BAT Việt Nam, doanh nghiệp cũng có vai trò như một công dân trong cộng đồng. Vì vậy, nhiều năm qua, “công dân” BAT tại Việt Nam luôn hỗ trợ cộng đồng địa phương với nhiều dự án hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Theo đó, BAT tập trung vào việc nâng cao đời sống kinh tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn, thông qua nhiều hoạt động khác nhau xoay quanh các lĩnh vực như nông nghiệp bền vững, hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng, cũng như kêu gọi nhân viên tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng của công ty.

Đại diện BAT trò chuyện cùng hộ gia đình ở huyện Củ Chi, TP.HCM tham gia dự án “Quỹ hỗ trợ giảm nghèo”

Cụ thể, BAT giúp cải thiện sinh kế của người nông dân thông qua mô hình sản xuất thuốc lá kép kín chặt chẽ và phát triển các vùng trồng cây thuốc lá ở Việt Nam. Trong 13 năm qua BAT thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển xã hội và mô hình kinh tế gia đình cho hơn 300 hộ dân trên cả nước bên cạnh xây hơn 80 ngôi nhà tình thương, cung cấp 3 triệu cây giống, phủ xanh 10.000 ha đất trống tại các địa phương như Lạng Sơn, Cao Bằng, Gia Lai, Tây Ninh, Đồng Tháp và Bắc Cạn.

Đặc biệt, BAT tài trợ xây những cây cầu tại khu vực ĐBSCL giúp bà con miền sông nước có thể đi lại thuận tiện, an toàn để yên tâm tham gia các hoạt động kinh tế phù hợp với quy định của pháp luật, chăm sóc con cái và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang