(CAO) Trưa nay, 02-11-2015, nhận tin Thầy Trần Thanh Đạm ra đi về cõi vĩnh hằng tôi vẫn nửa tin nửa ngờ dù rằng suốt mấy tháng qua đã biết Thầy bịnh nặng! Tin chính thức đã đến: GS-NGND Trần Thanh Đạm do tuổi già và sau thời gian bệnh nặng đã từ trần lúc 8g15 sáng ngày 02-11-2015.
Vậy là tôi và tất cả học trò thân yêu của Thầy sẽ không bao giờ được gặp lại Thầy, chẳng bao giờ nghe lại được giọng cười sảng khoái chen lẫn trong các tiết giảng của Thầy. Năm 1976 tôi vào ĐHSP TPHCM và trọn khóa học 4 năm tôi đã vinh dự được học Thầy Đạm. Lúc này, Thầy vừa là Hiệu trưởng trường. vừa là giảng viên Khoa Ngữ văn. Trong bối cảnh đất nước nhiều khó khăn của thời bao cấp, suốt 4 năm học với Thầy và Cô Hảo (Cô Phạm Thị Hảo, phu nhân Thầy Trần Thanh Đạm, dạy và nghiên cứu Hán văn, qua đời ngày 03-11-2012 tại TPHCM), biết bao kỷ niệm Thầy – trò mà tôi không thể nào quên.
GS Trần Thanh Đạm và học trò năm 2013
Lúc ấy, mới 17 tuổi nhưng tôi đã có một số thơ, truyện đăng báo, khi vào trường Thầy Đạm biết được thân mật hỏi han, động viên cậu sinh viên trẻ như tôi viết văn làm thơ. Thầy còn bất ngờ “rủ rê” lúc nào tiện cứ ghé phòng thầy “đàm đạo văn chương” (lúc này gia đình Thầy ở ngay trong trường, cơ sở 222 Lê Văn Sỹ, Q.3). Như người điếc không sợ súng, tôi thường lên phòng Thầy vào các buổi tối, uống trà, nghe ngóng chuyện văn của Thầy – Cô. Chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, dù đang học năm 2, tôi “sung lên” làm đơn xin đi thực tế sáng tác ở mặt trận biên giới do Liên hiệp các Hội VHNT TP tổ chức, và đi đến... 1 tháng! Thầy chỉ ngần ngại vài giây rồi ký đơn cho phép tôi lên đường ra biên giới, chuyến đó tôi đi cùng cánh với nhiếp ảnh gia Trịnh Đình Thu ra tận chốt tiền tiêu! Đam mê văn chương đã dẫn tôi ngày càng gần gũi Thầy Đạm – Cô Hảo! Ngày tố nghiệp ĐH, tôi là sinh viên duy nhất của toàn trường được chuyển ngành sang làm báo. Để tôi được chuyển ngành, Thầy Đạm phải đích thân – nhân một cuộc họp ở Hà Nội – mang hồ sơ của tôi ra tận Bộ trưởng Giáo dục duyệt! Thầy yêu quý, gần gũi học trò như vậy nên suốt mấy chục năm sau này, tôi và nhiều học trò cũ thường xuyên ghé thăm Thầy mỗi khi có dịp. Có điều lạ, từ ngày tôi vào đại học và gặp thầy thì tôi cũng đã viết lách với bút danh Hồ Thi Ca, nhưng cũng từ xưa cho đến gần đây, Thầy chưa bao giờ kêu tôi bằng bút danh đó mà Thầy (và cả Cô Hảo lúc sinh thời) vẫn gọi tôi bằng tên khai sinh, như kêu một cậu học trò cũ!
GS Trần Thanh Đạm. Ảnh TT
Là một trí thức lớn, tầm cỡ quốc gia, nhưng Thầy sống chan hoà, đạm bạc. Thầy giảng dạy không ngưng nghỉ và viết sách cũng không ngừng tay. Vẻ đẹp thanh tú, vóc người cao ráo và giọng Huế nhỏ nhẽ, tiếng cười sang sảng cùng kho tri thức sâu rộng ở Thầy đã khiến bao thế hệ sinh viên phải “tâm phục khẩu phục”! Thầy ra đi để lại mất mát không gì bù đắp được trong tâm hồn hàng trăm, hàng nghìn học trò cũ. Vĩnh biệt Thầy Trần Thanh Đạm, tôi vĩnh biệt một nhân cách lớn, sống vì học trò, không chút đắn đo, suy tính. Thời nay thật hiếm, Thầy ơi!
GS-NGND Trần Thanh Đạm qua đời lúc 8g15 sáng ngày 02-11-2015 (nhằm ngày 21 tháng 9 Ất Mùi), hưởng thọ 84 tuổi. GS sinh năm 1932 tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1996). Từng công tác: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, Lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục, Trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài, Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, uỷ viên Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương. GS đạt giải thưởng của Hội Văn nghệ Thừa Thiên (năm 1950). Các sách chính đã xuất bản: Vấn đề giảng dạy tác phẩm văn học theo loại thể (1968); Tục ngữ và vấn đề nguồn gốc văn chương; Dẫn luận văn học so sánh; Sự chuyển tiếp của văn chương Việt Nam sang thời kỳ hiện đại; Văn Tâm Điêu Long / Lưu Hiệp - dịch: Trần Thanh Đạm, Phạm Thị Hảo, NXB Văn học, 2007. Lễ tang GS-NGND Trần Thanh Đạm:
Nhập quan: 14g ngày 03-11-2015; Quàn tại Nhà tang lễ Lê Quý Đôn, Q3, TPHCM; Lễ viếng từ 16g ngày 03-11-2015; Di quan lúc 6g ngày 05-11-2015; Hoả táng tại Bình Hưng Hoà
|