(CAO) Đó là tình cảnh diễn ra suốt 5 năm qua ở Trường Tiểu học Phú Định, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Điều đáng lo ngại là việc học ở nhà văn hóa thôn gặp nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cô, trò.
Trường Tiểu học Phú Định được tách ra từ Trường phổ thông cơ sở Phú Định (1995). Ngay sau chia tách, năm 2003 và năm 2009, trường Tiểu học Phú Định vinh dự được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Tuy nhiên, đến 2014 thì trường này bị “rớt chuẩn” do thiếu cơ sở vật chất.
Thiếu phòng, học sinh phải học ở nhà văn hóa thôn
Được biết, trường Tiểu học Phú Định có tất cả 10 lớp với 235 học sinh nhưng chỉ có được 6 phòng học. Vì vậy, nhà trường đã phải tận dụng 3 phòng chức năng và mượn thêm nhà văn hóa thôn mới đủ phòng cho các em học tập. Không những thế, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng nhà trường phải dùng chung một phòng. Kế toán, đội và y tế cũng dùng chung phòng… nên rất bất tiện cho công tác dạy và học.
Nhưng khổ nhất vẫn là cô, trò lớp 2A phải học ở nhà văn hóa thôn 6. Địa điểm nhà văn hóa thôn 6 cách trường đến 1km khiến lớp học này dường như bị tách biệt. Để các em khỏi tủi thân và đảm bảo tính công bằng, mỗi kỳ học nhà trường lại đổi một lớp đến học tại nhà văn hóa thôn.
Cô Nguyễn Thị Lệ giáo viên chủ nhiệm lớp 2A cho biết: “Mấy năm trước, trường phải mượn 2 phòng cấp bốn của HTX Phú Định làm phòng học. Qua 3 năm sử dụng thì nhà cấp bốn dột nát, hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn học tập cho các em. Vì vậy, năm 2014 -2015, trường mượn tạm nhà văn hóa thôn làm chỗ học tập. Các em học sinh học ở nhà văn hóa thôn chịu rất nhiều thiệt thòi vì không có sân chơi, không được tham gia các hoạt động vui chơi, ngoại khóa như các bạn tại điểm trường chính. Giờ giấc học tập khá thất thường và bất tiện, mỗi lần thôn cần họp dân, cô trò đành nghỉ học và học bù vào thứ 7, chủ nhật. Khổ nỗi, có những lần thôn có việc đột xuất không thông báo trước, cô trò đang học đành lủi thủi ra về”.
Tiết học thể dục ngoài trời của lớp 2A tại nhà văn hóa thôn 6
Thầy Nguyễn Trung Khánh, hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Định tâm sự: “Theo quy định để đạt chuẩn Quốc gia thì hiện trường còn thiếu 10 phòng, trong đó có 4 phòng học và 6 phòng chức năng cho học sinh. Chúng tôi không dám hy vọng trường đạt danh hiệu chuẩn Quốc gia lần nữa, chỉ mong có đủ cơ sở vật chất để các em không phải chịu cảnh học trong điều kiện chật chội, thiếu thốn nữa”.
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết, xã Phú Định là một xã nghèo, việc vận động người dân góp kinh phí cho giáo dục còn gặp nhiều khó khăn nên xã chỉ biết trông chờ vào sự quan tâm của cấp trên. Nhiều lần xã cùng trường Tiểu học Phú Định làm đơn kiến nghị gửi đi các cấp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.