(CAO) Sáng 28/11, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã lên tàu hỏa ra Hà Nội để tham dự Lễ trao giải Sách Quốc gia sẽ diễn ra vào tối 29/11 tại Nhà hát Lớn. Thay vì chọn phương tiện di chuyển là máy bay như nhiều tác giả khác, cụ Nguyễn Đình Tư chọn đi tàu hỏa là để được ngắm cảnh đẹp dọc theo chiều dài đất nước.
Trước khi lên tàu, nhà nghiên cứu 104 tuổi đã đón vị khách đặc biệt đến thăm tư gia, đó là Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ông Phan Văn Mãi đã hỏi thăm sức khỏe và chúc mừng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư với bộ sách 2 tập: Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) được trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII/2024.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đến thăm nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và được tặng 3 cuốn truyện dài
Dịp này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cũng ký tặng ông Phan Văn Mãi ba truyện dài vừa được xuất bản: Nguyễn Xí, Lẽ sống, Dì ghẻ, con chồng. Được biết, ba truyện dài này là những tác phẩm khởi đầu nghiệp cầm bút của nhà nghiên cứu cao niên, được in lần đầu trên báo Truyền bá thời gian 1943-1944, cách nay đã 80 năm.
Năm nay, Giải thưởng Sách Quốc gia bước vào lần thứ VII. Đây là giải thưởng được các đơn vị xuất bản cùng đội ngũ tác giả, dịch giả và công chúng rất quan tâm. Ban tổ chức đã chọn 58 tác phẩm để trao giải, trong số đó Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được đánh giá cao và được đề xuất trao giải A. Tác phẩm gồm 2 tập dày dặn với dung lượng hơn 1.500 trang, truyền tải một lượng thông tin giá trị về vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, TPHCM hiện nay. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã mất 20 năm để bổ sung, cập nhật thông tin cho đầy đủ và trọn vẹn.
Bộ sách của cụ Nguyễn Đình Tư được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII/2024
Trước đó, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành - nhận xét: Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) là công trình đồ sộ với hơn 1.600 trang, thể hiện sự đam mê, tinh thần cống hiến của tác giả. Tác phẩm thể hiện một cách đầy đủ các giai đoạn hình thành và phát triển của TPHCM, từ ngày khởi thủy năm 1698 đến năm 2020, bao quát nhiều lĩnh vực, khía cạnh. Tác giả khắc họa chân dung của vùng đất này từ những ngày đầu người Việt đặt chân tới đến thời kỳ đô hộ của Pháp và sự phát triển vượt bậc trong giai đoạn đổi mới. Hơn 20 năm qua, ông dồn tâm sức đi khắp các thư viện, Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 ở TPHCM để tập hợp tài liệu, một mình viết sách. Ông tranh thủ từng chút một của thời gian, mỗi ngày đều đặn như thế để tỉ mẩn ghi chép những tư liệu vô giá dành cho hậu thế về các lĩnh vực như địa danh - địa chí, lịch sử - văn hóa Nam Bộ. Tác giả không chỉ nhọc công sắp xếp các đề mục, chủ đề có hệ thống, khoa học mà vẫn đưa vào bộ sách nhiều thông tin xác đáng, mới mẻ.
Đây là lần thứ 2 nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư - Đại sứ Văn hóa đọc trọn đời - được vinh danh tại Giải thưởng Sách Quốc gia. Năm 2018, ông nhận giải A cho công trình sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) ở tuổi 97.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư trên hành trình Nam - Bắc ra Hà Nội nhận Giải thưởng Sách quốc gia
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư chia sẻ, lao động chữ nghĩa dù vất vả, nhưng tác phẩm được công chúng đón nhận, được ban giám khảo đánh giá cao, là niềm vui của người làm nghiên cứu. Niềm vui lớn ấy đối với cụ là việc ở tuổi bách niên còn thấy mình vẫn đóng góp được cho xã hội ở phương diện học thuật.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê ở Nghệ An. Năm 1943, ông ra mắt truyện dài đầu tay tên Nguyễn Xí. Sau này, ông vào Nam Trung Bộ lập nghiệp, biên soạn, xuất bản nhiều cuốn sách về lịch sử, địa chí các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận. Sau năm 1975, ông cùng gia đình vào TPHCM sinh sống. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư có gia tài đồ sộ gồm những tác phẩm ở các mảng tiểu thuyết lịch sử, nghiên cứu lịch sử, địa chí như: Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Bộ sách Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020)… Bước sang tuổi 104, nhà nghiên cứu vẫn là tấm gương lao động cần mẫn, miệt mài bên những tư liệu, tìm tòi những đề tài nghiên cứu mới. Trong tự truyện Đi qua trăm năm, lời cuối trước khi khép lại tự truyện này, ông vẫn còn dự định trong những ngày cuối đời sẽ viết tiếp 10 đầu sách nữa, nếu sức khỏe cho phép.