Tiểu phẩm: Hội nuôi vịt trời

Thứ Bảy, 24/12/2016 20:35

|

(CATP) Tuần trước, tôi buồn bã gọi điện cho Tèo - thằng bạn thân vốn có nhiều mối quan hệ xã hội, để thông báo vừa bị mất việc, nhờ Tèo kiếm cho một chỗ làm tạm qua ngày.

Sáng nay Tèo gọi cho tôi, giọng gấp gáp: “Có hướng mới cho công việc của cậu rồi đó. Thu nhập khoảng 50 triệu đồng một tháng, ok không?”.

Tôi choáng váng tưởng mình nghe nhầm, bởi một kẻ đang thất nghiệp thì chỉ cần 1/10 số đó cũng là quá hạnh phúc. Hẹn tôi ở quán cà phê, Tèo nói cụ thể hơn: “Tớ đã nghiên cứu kỹ các quy định, thể lệ rồi. Cậu gấp rút làm hồ sơ xin thành lập hội đi”. Tôi ngạc nhiên: “Ủa, hội gì?”. Tèo đáp: “Hội gì mà chả được, miễn là hợp pháp thôi. Theo tớ thì cậu nên xin thành lập Hội nuôi vịt trời...”. Tôi trợn mắt: “Cậu đùa à? Tớ chưa hiểu”.

Tèo nghiêm mặt: “Sao lại đùa? Hiện đã có các hội như Hội sinh vật cảnh, Hội nuôi ong, Hội nuôi bò sữa... nhưng chưa có Hội nuôi vịt trời. Nên cậu có thể xin thành lập chứ sao?”. “Nhưng sao lại phải xin thành lập cái hội ấm ớ này?”. Tèo nhấp ngụm cà phê, thong thả: “Đó mới là vấn đề. Cậu đã đọc bài báo về việc ông Chủ tịch Hội nhà văn than thở khó khăn trong hoạt động, vì bị cắt giảm kinh phí chưa? Cụ thể là năm ngoái nhà nước cấp cho họ 4,8 tỷ đồng, năm nay nghe nói giảm xuống còn có 2,4 tỷ...”. Tôi ngắt lời: “Vậy thì liên quan gì đến tớ?”.

Tèo ngán ngẩm lắc đầu: “Cậu chậm hiểu quá, thất nghiệp là phải. Từ thông tin trên, tại sao chúng ta không xin thành lập một cái hội nào đó để xin kinh phí?”. “Nhưng người ta là Hội nhà văn sang trọng. Mình tính lập cái Hội nuôi vịt trời thì nước non gì?”.

Tèo giải thích: “Cậu nhầm. Mỗi hội đều có ý nghĩa, chức năng riêng. Chúng ta sẽ trình bày về sự cần thiết của Hội nuôi vịt trời như sau: Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu của nền kinh tế nước nhà, trong đó ngành chăn nuôi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc thuần hóa và chăn nuôi đại trà một số động vật hoang dã như vịt trời, nhím, cầy hương, heo rừng, cá sấu, rùa, rắn... đã tạo nhiều công ăn việc làm, giúp không ít hộ nông dân trở nên giàu có. Vì thế, việc ra đời Hội nuôi vịt trời là một nhu cầu cấp bách, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người chăn nuôi...”.

Tôi sốt ruột ngắt lời: “Thôi được rồi, nhưng dễ gì người ta cấp kinh phí cho hội vịt trời hàng tỷ đồng như Hội nhà văn?”. Tèo cười khẩy: “Đương nhiên rồi, chúng ta chỉ cần bằng một nửa của họ thôi, khoảng 1,2 tỷ/năm. Tớ nghĩ chi tiêu cho hội vịt trời chỉ cần nửa tỷ một năm là quá đủ, bởi thực ra có hoạt động gì thiết thực đâu? Như vậy cậu sẽ còn dư khoảng 600 triệu mỗi năm, chẳng phải là sẽ bỏ túi 50 triệu một tháng hay sao?”.

Nghe Tèo phân tích, tôi khấp khởi mừng thầm, tuy vẫn còn băn khoăn: “Nhưng vấn đề là làm sao để người ta duyệt cấp kinh phí?”. Tèo nói như đinh đóng cột: “Đó là việc của tớ. Trên đời nhiều việc khó hơn thiên hạ vẫn làm được, huống hồ là việc đã có tiền lệ như thế này. Vấn đề là mình phải tìm ra được “chìa khóa” để giải mã, hi hi... Yên trí, tớ rành ba vụ này lắm”.

Lòng tràn trề hy vọng, tôi hỏi Tèo câu cuối: “Nếu lỡ hội hoạt động khó khăn, kinh phí không đủ thì sao?”. Tèo nhăn mặt: “Thế cậu không biết vận dụng sáng kiến của ông Chủ tịch Hội nhà văn à? Lúc đó sẽ tính chuyện cho thuê trụ sở hội hoặc liên kết xây nhà hàng, khách sạn. Không khéo còn thắng đậm ấy chứ!”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang