Bắt nguyên giám đốc và nhân viên Agribank gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng

Thứ Năm, 19/10/2017 22:31  | Ngọc Hà

|

(CAO) Ngày 19-10, Phòng CSĐT tội phạm kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét chỗ ở đối với Đỗ Thái Vũ (SN 1980, trú 178 Y Moan, P.Tân Lợi TP.Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk).

Ông Đỗ Thái Vũ là Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – Chi nhánh Đắk Lắk. Ông bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Vũ bị bắt - Ảnh: Võ Trường Minh

Cùng bị bắt giữ với Vũ còn có Nguyễn Quốc Minh (SN 1985, trú 78 Lê Thị Hồng Gấm, P.Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) - Giám đốc Phòng giao dịch Ea Kar thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Cả hai trước đây là giám đốc và nhân viên tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Chi nhánh Tân An, TP.Buôn Ma Thuột (Agribank Tân An), đã có hành vi cấu kết, làm thất thoát nhiều tỷ đồng của nhà nước.

Báo CATP.HCM số ra các ngày 29-7, 2-8-2017 có đăng các bài viết về việc Ngân hàng Agribank Tân An (trụ sở tại TP.Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk) có dấu hiệu sai phạm trong việc thẩm định, duyệt vay 7 hồ sơ, dẫn đến khó thu hồi món nợ trên 14 tỷ đồng. Đây mới chỉ là kết quả điều tra bước đầu của 7 hồ sơ/tổng số hàng chục hồ sơ có nợ xấu. Từ kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng, cho thấy, có dấu hiệu của các hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Vụ việc xảy ra từ năm 2014, sau nhiều năm kỳ công đeo đuổi vụ án, quyết đưa vụ việc ra ánh sáng; tới nay, cơ quan điều tra có đủ cơ sở khởi tố, bắt giữ các đối tượng liên quan, mở rộng điều tra vụ án.

Vụ án được phát hiện từ việc thực hiện quyết định thanh tra theo chỉ đạo của Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Đắk Lắk (NHNNVN - CN Đắk Lắk). Tổng số tiền thất thoát sơ bộ bước đầu là trên 14 tỷ đồng, đến nay không có khả năng thu hồi. Xác định có dấu hiệu tội phạm, ngày 24-4-2014, NHNNVN - CN Đắk Lắk quyết định chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an tỉnh.

Tiếp nhận hồ sơ, Ban Giám đốc công an tỉnh giao Phòng PC46 Công an tỉnh vào cuộc điều tra, xác định: Từ năm 2011 và tháng 1-2012, Agribank Tân An (thuộc Agribank - CN tỉnh Đắk Lắk) liên quan đến việc ký duyệt 7 hợp đồng tín dụng cho vay có những dấu sai phạm cụ thể như sau: có những lô đất, theo định giá của cơ quan Sở tài chính, trị giá chỉ từ... 18 triệu đến 350 triệu đồng; thậm chí có lô đất nằm dưới đường điện cao thế, giá trị bằng không, nhưng được cán bộ tín dụng, ban giám đốc Agribank Tân An thẩm định giá trị từ 1,7 tỷ đến 2 tỷ đồng rồi ký duyệt cho vay đều một lượt là 1,5 tỷ đồng/hồ sơ vay.

Đắk Lắk: Thủ đoạn ‘rút ruột’ nhiều tỷ đồng ở Ngân hàng Agribank
 
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt bị can Đỗ Thái Vũ - Ảnh: Võ Trường Minh

Những người ký vay hồ sơ thuộc diện được người khác thuê mướn, được trả công từ 400.000 đồng đến 5 triệu đồng/lần giao dịch. Cán bộ tín dụng thẩm định tài sản không biết vị trí tài sản ở đâu (!). Có ít nhất 7 bộ hồ sơ được phát hiện sai phạm như nêu trên, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk xác định tổng trị giá chỉ… trên 800 triệu đồng. Trong khi số nợ gốc cho vay ra là 10,5 tỷ đồng, lãi trên 4 tỷ đồng, khó có khả năng thu hồi.

Cơ quan điều tra nhận định, trong vụ án này, Nguyễn Quốc Minh – nguyên cán bộ tín dụng học việc của Agribank Tân An là đối tượng có vai trò là “đầu mối” liên minh giữa những người trực tiếp ký hồ sơ, chủ sở hữu tài sản với những cán bộ, lãnh đạo Agribank ký duyệt cho vay, trong khi các hồ sơ đều không đủ điều kiện. Minh là con rể của ông Nguyễn Ngọc Ch. (chủ một DNTN ở Đắk Lắk và là chủ của hầu hết các lô đất vay trên). Năm 2015, ông Châu tự tử chết. Vụ án để lại nhiều uẩn khúc với dư luận.

Trong 7 hồ sơ sai phạm kiểu liên minh “ma quỷ” này, 6 bộ hồ sơ do ông Đỗ Thái Vũ - chức vụ: quyền giám đốc, giám đốc ký; 1 hồ sơ do ông Phan Văn Thịnh – nguyên giám đốc (sếp ông Vũ) ký. Làm việc với cơ quan CSĐT, Nguyễn Quốc Minh, Ngô Việt Thành (tổ trưởng tổ thẩm định) đều thừa nhận các hồ sơ duyệt vay không đủ điều kiện. Thành thừa nhận chỉ ký khống biên bản để hồ sơ hợp lệ. Cả ông Thịnh, Vũ, Minh sau đó đều chuyển việc, sang làm lãnh đạo Ngân hàng khác.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Hà, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng Công an tỉnh Đắk Lắk, ngoài 7 bộ hồ sơ nói trên, cơ quan điều tra còn xác định có hơn 70 bộ hồ sơ khác cũng bị kê khống giá trị tài sản thế chấp để cho vay hàng trăm tỷ đồng. Hiện vụ án đang được mở rộng điều tra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới…

Bình luận (0)

Lên đầu trang