Buôn lậu ở biên giới Tây Nam mùa dịch Covid-19 (kỳ 1)

Thứ Ba, 24/03/2020 17:08

|

(CATP) Không nhộn nhịp như những năm trước, mùa dịch Covid-19 này, tình hình buôn lậu ở biên giới Tây Nam có chiều hướng giảm. "Thực tế, các đối tượng vẫn còn hoạt động. Trước việc tăng cường công tác kiểm tra tại các cửa khẩu, các đối tượng hoạt động tinh vi, táo tợn hơn trước. Đặc biệt, khẩu trang y tế (KTYT), cồn diệt khuẩn… được các đối tượng ngụy trang rất tinh vi nhằm qua mắt lực lượng kiểm tra, để tuồn qua biên giới" - Một cán bộ biên phòng tỉnh An Giang cho biết.

Tính từ ngày 22-2-2020 đến nay, lực lượng phòng, chống buôn lậu của các tỉnh khu vực biên giới Tây Nam bắt giữ hàng chục vụ tuồn khẩu trang và nước rửa tay qua biên giới. Theo Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28-2-2020 của Chính phủ, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, việc xuất khẩu mặt hàng KTYT bắt buộc phải có giấy phép xuất khẩu và điều kiện rất hạn chế. Do đó, để chuẩn bị chuyến xuất hàng trái phép qua biên giới, các đối tượng chuẩn bị rất công phu.

KHẨU TRANG GIẤU TRONG THÙNG MÌ TÔM, QUẦN ÁO

Lúc 1 giờ 5 ngày 22-3 vừa qua, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thường Phước (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) mật phục tuần tra, phòng, chống vi phạm pháp luật trên tuyến sông Tiền. Đến khu vực thuộc thủy phận ấp 1 (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự), tổ công tác phát hiện một ghe gỗ trọng tải khoảng 1 tấn di chuyển từ phía Việt Nam sang Campuchia, chỉ còn cách đường biên giới khoảng 100m. Nhận thấy có biểu hiện khả nghi, tổ công tác yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.

Khẩu trang được giấu lẫn trong quần áo, bị phát hiện tại Cửa khẩu Dinh Bà

Lực lượng chức năng phát hiện trên ghe cất giấu 20 thùng KTYT (loại 4 lớp), mỗi thùng chứa 50 hộp, mỗi hộp có 50 cái, tổng cộng là 50.000 cái. Phương tiện do Mai Hữu Phước (SN 1988, ngụ TX.Hồng Ngự, cùng tỉnh) điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, Phước không xuất trình được hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên. Bước đầu, đối tượng khai nhận vận chuyển số KTYT sang Campuchia, giao cho một người ở đó. Tổ công tác lập biên bản, tạm giữ tang vật để tiếp tục xử lý.

Khẩu trang được giấu lẫn trong quần áo, bị phát hiện tại Cửa khẩu Dinh Bà

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Thường Phước xác nhận, tình trạng xuất lậu khẩu trang có chiều hướng gia tăng. Trước đó, chiến sĩ Trạm Biên phòng Cửa khẩu Thường Phước phát hiện xe tải BKS 66C-110.34 có dấu hiệu khả nghi. Khi tài xế làm thủ tục xuất cảnh, đơn vị phối hợp với lực lượng hải quan tiến hành kiểm tra xe. Lúc này, tài xế Huỳnh Văn Tuấn cho rằng, trên xe chở đồ cũ sang biên giới làm từ thiện nên không khai báo.

Thế nhưng qua kiểm tra, phát hiện trên xe chở 54 thùng carton và 5 bao tải. Trong 5 bao tải chứa 114.850 cái khẩu trang vải chống bụi, trong 54 thùng carton chứa 135.000 cái khẩu trang kháng khuẩn 4U Famapro. Làm việc với cơ quan chức năng, Tuấn khai lái xe chở thuê cho 2 chủ hàng và không biết những thùng giấy, bao tải đựng gì bên trong.

Số khẩu trang xuất lậu bị tạm giữ

Một cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Thường Phước cho biết, đây là số khẩu trang không khai báo với hải quan lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng chọn thời điểm đông người để làm thủ tục, nhằm qua mắt lực lượng kiểm tra. Các cơ quan chức năng đã xác định chủ 2 lô hàng trên. Cụ thể, Diệp Thị Thanh Tiền (SN 1984, ngụ huyện Tân Châu, An Giang) là chủ 135.000 cái khẩu trang kháng khuẩn, Nguyễn Thị Kim Mỹ (SN 1985, ngụ Q4, TPHCM) là chủ 114.850 cái khẩu trang vải. Cả hai thừa nhận, biết nước bạn "hút hàng" khẩu trang, nên mua gom lượng lớn khẩu trang để xuất lậu qua biên giới kiếm lời.

Chi cục Hải quan Cửa khẩu Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) cũng phát hiện, bắt giữ gần 20.000 cái khẩu trang vải được ngụy trang trong quần áo, xuất lậu qua cửa khẩu này. Trước đó, thấy Phan Văn Phú điều khiển xe máy chở một bao hàng từ hướng Việt Nam sang Campuchia có dấu hiệu khả nghi, lực lượng hải quan và biên phòng tiến hành kiểm tra. Phú khai chở quần áo, còn một bao hàng khác đang để tại bến xe buýt (cách vị trí cổng trực giám sát khoảng 100m). Kiểm tra sơ bộ, tổ công tác phát hiện trong bao chứa khẩu trang bằng vải. Ngay lúc đó, Mai Ngọc Thuận đến thừa nhận chủ 2 bao khẩu trang trên. Thuận cho biết, toàn bộ số hàng này mua ở TPHCM, định tuồn lậu sang Campuchia bán kiếm lời.

Tại khu vực Cửa khẩu Hà Tiên (TP. Hà Tiên, Kiên Giang), sáng 9-3 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu này kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa của Lê Văn Thành (SN 1971, ngụ phường Mỹ Đức, TP.Hà Tiên). Thành giải thích đang chở 2 bao mì tôm sang Campuchia bán kiếm lời. Lực lượng phối hợp kiểm tra, phát hiện trong 2 bao chứa 4.700 cái KTYT (loại 4 lớp). Đến lúc này, Thành mới khai thật là hành nghề xe ôm, vận chuyển thuê cho một người Việt Nam ở Campuchia và không biết hàng trong bao là gì. Trước đó, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hà Tiên và Đồn Biên phòng cửa khẩu này đã phối hợp bắt giữ 9.700 cái khẩu trang xuất lậu.

NHỮNG LÔ HÀNG VÔ CHỦ

Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh An Giang, từ ngày 22-2-2020 đến nay, các đơn vị trực thuộc đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 7 vụ vận chuyển trái phép KTYT qua biên giới, tổng cộng là 233.800 cái. Trong đó, có 4 vụ hàng hóa vắng chủ, 3 vụ có người vận chuyển. Đáng chú ý, có một vụ xuất lậu 164.600 cái KTYT, đang được điều tra, vì lượng tang vật lớn, cần có ý kiến trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân trong trường hợp có dấu hiệu hình sự.

Tỉnh An Giang trưng dụng gần 70.000 khẩu trang xuất lậu

Trước đó, tối 8-3, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tịnh Biên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang bắt giữ vụ xuất lậu 164.600 cái KTYT chở bằng xe tải. Bước đầu, tài xế khai chở thuê cho chủ hàng trên đường Võ Văn Kiệt (Q6, TPHCM), tiền công là 3,5 triệu đồng. Do hàng được đóng thùng carton, bao bọc kỹ nên tài xế không biết về hàng hóa bên trong. Chủ hàng yêu cầu chở đến khu vực biên giới Cửa khẩu Tịnh Biên, người phía Campuchia sẽ qua nhận hàng. Từ lời khai của lái xe, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tịnh Biên liên lạc với chủ hàng để làm rõ lô hàng KTYT xuất lậu, nhưng nhiều lần liên lạc mà chủ hàng không bắt máy.

Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, quá trình xử lý những lô hàng xuất lậu vô chủ đang gặp khó khăn. Ngày 9-3, Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tịnh Biên, Cục Hải quan tỉnh An Giang và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp kiểm tra, phát hiện tại khu vực cặp bờ kênh Vĩnh Tế (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên) có gần 30.000 cái KTYT và gần 2.400 chai gel rửa tay khô diệt khuẩn. Trong đó, gần 10.000 cái KTYT sử dụng một lần, còn lại là KTYT kháng khuẩn.

Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hà Tiên bắt quả tang đối tượng chở lậu 2 bao chứa khẩu trang qua biên giới

Trước đó, tuần tra tại khu vực đường mòn, lối mở khu vực biên giới Vĩnh Xương (An Giang), các cán bộ hải quan phát hiện cả chục bao hàng tập kết sát khu vực biên giới, có người canh giữ. Thấy lực lượng chức năng, đối tượng canh giữ hàng bỏ chạy, để lại các bao hàng. Lực lượng tiến hành kiểm tra, phát hiện các bao hàng chứa tổng cộng 320 hộp KTYT.

"Trong 6 vụ bị bắt giữ, chúng tôi cần phải truy tìm chủ sở hữu của các lô hàng theo quy định của pháp luật. Do đó, quá trình xử lý vụ việc sẽ kéo dài hơn một tháng mới có thể triển khai hồ sơ xác lập được quyền sở hữu toàn dân về tài sản tịch thu. Sau đó, đến quá trình bán đấu giá tài sản. Như vậy, một vụ bắt giữ tài sản vô chủ, được giải quyết xong thì có thể kéo dài vài tháng" - Vị cán bộ Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết.

(Còn tiếp...)

Ông Nguyễn Thanh Bình (Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) vừa có văn bản đồng ý với đề xuất của Cục Hải quan tỉnh này về xử lý số khẩu trang xuất khẩu trái phép bị tịch thu, theo hướng trưng dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ tịch tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm định chất lượng, xác định trị giá tang vật là khẩu trang bị bắt giữ, đề xuất phương án huy động tang vật khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trước đó, Cục Hải quan tỉnh An Giang có văn bản đề xuất bàn giao trước số KTYT của 6 vụ tài sản vô chủ bị bắt giữ (gần 70.000 cái) cho UBND tỉnh, để chủ tịch tỉnh quyết định trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang