Cần sớm có giải pháp đồng bộ để thu hút lại lao động

Thứ Năm, 30/09/2021 12:22  | Quang Hà

|

(CATP) Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm quý III/2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Do đó nhiều DN, hiệp hội ngành nghề đã và đang tìm cách giải bài toán làm thế nào để người lao động có thể quay trở lại thành phố làm việc.

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, sụt giảm thu nhập... tiếp tục gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 62%, nhất là khi dịch tái bùng phát mạnh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, nhiều biện pháp phòng dịch được triển khai như giãn cách kéo dài, một số ngành buộc phải dừng hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp phải cắt giảm bớt lao động, cắt giảm số giờ làm.

Lao động là các ca F0, F1 và lao động trong khu vực phong tỏa, nhiều lao động e ngại việc lây nhiễm, từ chối việc làm khi phải test Covid-19 thường xuyên, làm "3 tại chỗ", "một cung đường hai địa điểm"... dẫn đến việc nhiều người lao động không có tay nghề cao không có thu nhập, họ buộc phải di chuyển ra khỏi khu vực thành thị, khu công nghiệp, khu chế xuất do sức ép về chi phí sinh hoạt, cũng như nhằm tránh các khu vực có đông dân cư với nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, tạo ra làm sóng di dân lớn về các vùng quê. Điều này tạo ra vấn đề lớn khi nền kinh tế ổn định trở lại, doanh nghiệp không chỉ thiếu hụt nguyên phụ liệu sản xuất mà còn rơi vào tình trạng không có lao động.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến "Cải tiến kỹ năng lao động - chìa khóa bứt phá sản xuất" do Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) tổ chức, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết: "Có khoảng 37 - 47% lao động đã dịch chuyển từ các thành phố lớn phía Nam như TPHCM, Bình Dương về các địa phương.

Cùng với đó, việc tiêm vắc-xin vẫn chưa được bao phủ toàn bộ khiến người lao động rất khó quay trở lại làm việc khinền kinh tế trở lại trạng thái bình thường. Kết quả khảo sát về tiêm vắc-xin và vấn đề làm "3 tại chỗ" của các doanh nghiệp dệt may chỉ ra rằng chi phí thực hiện các doanh nghiệp phải bỏ ra là rất lớn (chi phí lo chỗ ở, ăn uống, xét nghiệm Covid-19 liên tục cho người lao động...) nhưng không đem lại hiệu quả cao.

Hiện tại, khoảng 30 - 34% đơn hàng dệt may đã rút khỏi thị trường VN, tỷ lệ đơn hàng các doanh nghiệp phía Bắc hỗ trợ doanh nghiệp phía Nam chỉ đạt khoảng 10%, để khôi phục lại cũng mất từ 6 tháng đến 1 năm. Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp phải đóng cửa vì Covid-19, nhiều địa phương đang thực hiện rất tốt nhưng có 1 số địa phương vẫn áp dụng máy móc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do chưa biết khi nào dịch bệnh có thể kiểm soát nên ông Giang kiến nghị cần áp dụng các ưu đãi về thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các ngành và địa phương...

Doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" ảnh minh họa

Theo nhiều ý kiến đóng góp tại tọa đàm nói trên, để có thể đưa người lao động từ các địa phương trở lại làm việc sau khi thị trường bình ổn, các địa phương cần chuẩn bị các phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, cần những gói hỗ trợ cụ thể hơn cho doanh nghiệp trong từng lĩnh vực sản xuất, đặc thù sản xuất từng ngành nghề. Đối với người lao động phải có những chính sách gắn với doanh nghiệp chặt chẽ hơn.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9-2021, cả nước có 3.899 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 49,9 nghìn lao động, giảm 32,3% về số doanh nghiệp, giảm 8,1% về vốn đăng ký và tăng 15% về số lao động so với tháng 8-2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 62,2% về số doanh nghiệp, giảm 69,3% về số vốn đăng ký và giảm 39,9% về số lao động.

Tính đến ngày 20-9-2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.139 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,05 tỷ USD và 1.691 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,17 tỷ USD.

Bình luận (0)

Lên đầu trang