Hệ lụy từ vụ đầu tư “chui” 15,6 triệu USD:

Kỳ 2: Đối tác “4 không”, thắng kiện 2 vòng (!)

Thứ Tư, 24/07/2019 11:51

|

(CATP) Sự thật về chuyển tiền “chui”, đầu tư “lụi” được phơi bày khi China Policy Limited (CPL) lập “công ty con” đầu năm 2019.

Hơn 12 năm có mặt ở VN, một CPL “4 không” (không xin phép mở văn phòng đại diện, không lập hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đầu tư dự án, không mở tài khoản góp vốn khi chuyển tiền vào VN, không gửi hồ sơ đăng ký với Ngân hàng Nhà nước) càng lộ rõ hơn bao giờ hết. Đối tác ngoại “4 không” như vậy lại dễ dàng thắng kiện bằng một phán quyết không thể thi hành trên thực tế.

“CPL CON” CHÀO ĐỜI, PHƠI BÀY SỰ THẬT(!)

Tại nhiều cuộc họp, mới nhất là vào ngày 10-6-2019, đại diện Công ty Hồng Phát (HP) liên tục đề cập đến tư cách pháp nhân của CPL. Với pháp lý của CPL như hiện tại thì không thể lập liên doanh theo các quy định của pháp luật VN về đầu tư, thương mại.

“Quên” xin phép đối với dự án tại Long An nhưng CPL lại tuân thủ pháp luật khi thực hiện một dự án ở TPHCM. Tài liệu mà Báo CATP thu thập cho thấy: Ngày 11-1-2019, CPL do ông Tong Kwok Lun làm giám đốc (GĐ), người đại diện theo pháp luật, nộp hồ sơ xin phép thành lập Công ty TNHH China Policy VN (gọi tắt là China Policy LTD) với vốn điều lệ là 23,3 tỷ đồng, tương đương 1 triệu USD, để thực hiện dự án mã số 9936581694 tại Saigon Trade Centre, số 37 Tôn Đức Thắng, Q1, TPHCM.

Tung dự án lên sàn chứng khoán “nổ” thành Saigon Beverly Hills

CPL được Sở Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT) TPHCM cấp “giấy chứng nhận đầu tư” ngày 22-1-2019 và “giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” ngày 29-1-2019 cho China Policy LTD (do CPL chủ sở hữu) với chức danh giám đốc cũng là ông Tong Kwok Lun(?!).

Chủ tịch HĐQT - Tổng GĐ Công ty HP Trần Thị Việt Thanh, lên tiếng: Dự án 1 triệu USD ở TPHCM thì CPL xin phép hẳn hoi, trong khi góp hơn 15,6 triệu USD vào dự án ở Long An thì CPL thực hiện theo kiểu “4 không” cộng thêm nhiều chiêu đòn khó ngờ khiến chủ đầu tư, buộc phải dừng hợp tác. Cụ thể:

Vừa ký “thỏa thuận khung” (“TTK”) ngày 1-6-2007 thì CPL qua công ty mẹ Chuang’s đã đưa dự án lên sàn chứng khoán Hồng Kông ngày 21-6-2007 rồi “nổ” thành “Saigon Beverly Hills” (SBH) là không thực tế, bởi tại thời điểm ký “TTK”, toàn bộ 273ha đất vẫn thuộc quyền sử dụng của các hộ dân và cũng không hề có dự án nào ở TPHCM hay Long An mang tên SBH. Màn “đánh lận con đen” khiến nhiều cổ đông và nhà đầu tư ở Hồng Kông "sập bẫy", tưởng Chuang’s sở hữu dự án bất động sản hàng trăm triệu USD ở VN nên mạnh dạn đầu tư. Cổ phiếu vì thế tăng giá mạnh, giúp Chuang’s thu lợi “khủng”...

Thu lợi lớn nhưng CPL làm ngơ khi dự án có phát sinh liên quan đến chính sách đất đai (tiền sử dụng đất từ năm 2008 phải theo sát với giá thị trường), tái định cư... Ngày 10-7-2008, CPL có thư gửi HP, tuyên bố “không thể xem xét bất kỳ khoản thanh toán đầu tư nào thêm”. Ngày 26-9-2008, CPL có văn bản, ra điều kiện: “CPL chỉ có thể xem xét các khoản thanh toán tiếp theo khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của toàn dự án đã được cấp dưới tên của công ty liên doanh”. Điều kiện CPL đưa ra quá phi lý bởi dự án đang thực hiện giai đoạn I, lấy đâu ra sổ đỏ của toàn dự án 500ha để CPL đứng tên?

Bị đối tác bỏ rơi trong lúc khó khăn nhất, một mình chủ đầu tư phải xoay trở vượt qua để dự án không bị thu hồi sẽ mất trắng. “Chạy làng” bỏ dự án, đến khi HP được cấp quyền sử dụng đất giai đoạn I với 232,66ha ngày 26-6-2009 (sau tách thành 13 sổ đỏ) CPL quay lại, đâm đơn tố cáo Chủ tịch HĐQT Công ty HP “chiếm đoạt 15,6 triệu USD”. Vào cuộc làm rõ, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có văn bản 148/ C16-P4 ngày 1-4-2010, kết luận: Công ty HP đã sử dụng tiền đầu tư vào dự án, không có hành vi chiếm đoạt. Tranh chấp giữa HP và CPL là tranh chấp kinh tế dân sự...

Bà Thanh trình bày: CPL đã lộ rõ kiểu làm ăn gian dối rồi quay sang vu cáo, triệt hạ chủ đầu tư. Chính những chiêu “độc” của CPL đã từ đối tác thành đối nghịch với HP. Một đối tác như vậy thì làm sao liên doanh? Chưa hết, với một CPL “4 không” cũng không thể thành lập liên doanh theo quy định của pháp luật VN. Bằng thiện chí, HP muốn vụ việc được giải quyết êm đẹp, sẽ thu xếp hoàn trả cho CPL 15,6 triệu USD đã góp vào dự án. Trong số này, có 2 triệu USD, CPL cho phép chủ đầu tư “tùy nghi sử dụng” nhưng HP vẫn trả đủ.

Thuê chuyên gia Nhật Bản khảo sát, lập dự án khi còn là vùng đất trũng

THẮNG KIỆN BẰNG PHÁN QUYẾT… “5 SAI”(!)

Sau đòn “knock-out” hạ chủ đầu tư bất thành, ngày 21-8-2012, CPL khởi kiện HP đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN (gọi tắt VIAC), yêu cầu tiếp tục thực hiện “TTK”.

Thụ lý đơn kiện, Hội đồng VIAC gồm ông Nguyễn Chính (chủ tịch), Đặng Hùng Võ (cựu thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường) và Chu Khắc Hoài Dương đã họp ngày 27-3-2013 để xem xét, giải quyết theo yêu cầu của CPL. Dù phía Công ty HP vắng mặt và có khiếu nại nhưng Hội đồng vẫn họp, xử rồi ra phán quyết trọng tài (PQTT) số 29/12, phát hành ngày 25-4-2013:

Chấp nhận yêu cầu của CPL, Công ty HP sẽ tiếp tục thực hiện “TTK”, bao gồm quá trình xin cấp phép và đạt được chứng nhận đầu tư cho công ty liên doanh được thành lập giữa HP và CPL. HP sẽ đóng góp phần đất giai đoạn 1 (232,66 ha gồm 13 sổ đỏ) vào liên doanh. Về “phí trọng tài”, Hội đồng tính ra con số 114.207,16 USD, trong đó Công ty HP thua kiện buộc phải nộp 91.365,73 USD (80%); CPL chịu 20%.

Chỉ ra nhiều điểm bất thường, Công ty HP có đơn ngày 21-5-2013, đề nghị tòa hủy PQTT. Dù hàng loạt vi phạm đã bày ra trước mắt nhưng ngày 25-9-2013, TAND TPHCM với bộ 3 thẩm phán Nguyễn Công Phú (chủ tọa), Nguyễn Thu Chinh và Phạm Thị Duyên, ra quyết định số 1171/2013/ KDTM-ST không hủy PQTT.

Nghiên cứu hồ sơ vụ tranh chấp, luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) chỉ ra PQTT có ít nhất 5 điểm sai. Cụ thể:

Cái sai thứ nhất cũng là vấn đề cốt lõi: Giữa HP và CPL đã mâu thuẫn gay gắt, VIAC phán quyết, bắt 2 bên liên doanh theo kiểu bức ép “cưỡng hôn” là trái với quy định của pháp luật VN, rõ nhất là Luật Đầu tư năm 2005. Theo đó, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của các bên đương sự, không ai được làm thay.

Cái sai thứ hai: Hội đồng VIAC không làm rõ lai lịch của nguyên đơn, thực tế CPL chưa có tư cách pháp nhân đối với dự án nên không đủ điều kiện đứng tên trong liên doanh theo quy định của Luật Đầu tư 2005.

Cái sai thứ ba: Hội đồng VIAC không làm rõ 15,6 triệu USD được CPL chuyển vào VN với nhiều vi phạm nghiêm trọng, mà lại công nhận số ngoại tệ này rồi lấy làm căn cứ tính “phí trọng tài”.

Cái sai thứ tư: Hội đồng VIAC buộc các bên đương sự nộp “phí trọng tài” bằng ngoại tệ (đô-la Mỹ), vi phạm Pháp lệnh ngoại hối 2005.

Cái sai thứ năm: Liên quan đến quyết định ngày 7-6-2013 “chỉnh sửa PQTT số 29/12”. Ban hành quyết định này, Hội đồng VIAC xác định rõ là “xem xét yêu cầu của nguyên đơn CPL” và căn cứ vào “Luật Trọng tài của VIAC”. Qua đây dễ nhận ra, CPL khởi kiện, đã được VIAC giải quyết bằng PQTT ngày 25-4-2013, không có căn cứ quy định pháp luật nào cho phép Hội đồng VIAC tiếp tục “xem xét yêu cầu” của CPL. Mặt khác, trong hệ thống pháp luật VN, hoàn toàn không có “Luật Trọng tài của VIAC”...

Do PQTT có hàng loạt vi phạm cả về hình thức lẫn nội dung nên không thể thi hành, khiến vụ tranh chấp vốn đã rắc rối càng thêm phức tạp, kéo dài, phát sinh nhiều hệ lụy. CPL lấy PQTT thúc ép HP phải liên doanh. Còn HP đưa ra một loạt chứng cứ xác định CPL không đủ điều kiện để liên doanh do không có tư cách pháp nhân dự án cùng nhiều vấn đề liên quan khác. Thực tế, trên thương trường, không có chủ đầu tư dự án nào lại sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận và liên doanh với đối tác đã từng “hạ độc thủ” muốn đẩy mình vào cảnh tù tội...

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: “Thiên đường thuế” và “những mục đích đặc biệt”…
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang