Phiên tòa xét xử đại án Vạn Thịnh Phát:

Luật sư đề nghị xác định lại giá trị tài sản, mức độ thiệt hại

Thứ Năm, 21/03/2024 08:14

|

(CATP) Ngày 20/3/2024, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, gọi tắt là Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm tiếp tục phần tranh tụng. Năm luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã trình bày các luận cứ gỡ tội cho thân chủ.

Vi phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan đặc biệt nghiêm trọng

Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan là người điều hành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tập đoàn này có hơn 1.000 công ty "ma" ở trong và ngoài nước, không hoạt động kinh doanh, chia thành nhiều tầng lớp, tạo ra “hệ sinh thái”. Trong đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là trung tâm, kiểm soát toàn bộ hoạt động của “hệ sinh thái”. Các công ty "ma" chủ yếu được bị cáo Trương Mỹ Lan dựng lên để phục vụ việc đứng tên các khoản vay khống và chuyển nhượng cổ phần.

Quang cảnh phiên xử ngày 20/3/2024

Từ năm 2011, bị cáo Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân để hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và lợi dụng hoạt động của ngân hàng này để huy động vốn phục vụ việc kinh doanh của cá nhân. Bà Lan sử dụng Ngân hàng SCB như một công ty tài chính để cấp vốn cho “hệ sinh thái” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Với việc sở hữu 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB thông qua nhiều cá nhân, pháp nhân, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng cùng các cán bộ chủ chốt ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rút tiền của Ngân hàng SBC bằng hình thức lập các hồ sơ vay khống.

Cáo trạng xác định, trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 - 2022), Ngân hàng SCB đã giải ngân cho nhóm công ty thuộc “hệ sinh thái” của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hơn 2.500 khoản vay, với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỷ đồng (chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường). Từ tháng 02/2018 đến tháng 10/2022, bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của Ngân hàng SCB 545.000 tỷ đồng và chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng; gây thiệt hại gần 130.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. Tổng cộng, bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB 498.000 tỷ đồng. Cáo trạng cũng xác định, để che giấu thực trạng yếu kém của Ngân hàng SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thuộc cấp mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra, riêng bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) nhận 5,2 triệu USD.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa

Đại diện Viện KSND TPHCM được ủy quyền công tố tại phiên tòa trong phần luận tội và đề nghị mức án đã cho rằng bị cáo Trương Mỹ Lan những ngày xét xử vừa qua vẫn quanh co chối tội. Xét về tính chất, mức độ, hành vi vi phạm của bị cáo này là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại 498.000 tỷ đồng. Phía công tố đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan án tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, từ 19 - 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tổng hợp hình phạt là tử hình.

Luận cứ của các luật sư bảo vệ bà Trương Mỹ Lan

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan đã trình bày luận cứ của mình. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng bộ máy và những người điều hành Ngân hàng SCB phải được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Bà Trương Mỹ Lan không phải là người có chức vụ, quản lý tại Ngân hàng SCB nên đối với tài sản của ngân hàng này thì bà Lan không có trách nhiệm quản lý, việc thất thoát tài sản không thuộc trách nhiệm của bà Lan. Nếu bà Lan lợi dụng quyền lực là phạm vào tội danh khác. Hành vi của bà Lan không đủ cấu thành tội tham ô tài sản. Việc cáo buộc vì nắm cổ phần chi phối nên bà Lan có quyền lực chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB là không có căn cứ.

Các luật sư tham gia phiên tòa

Về tội đưa hối lộ, luật sư Nguyễn Huy Thiệp đánh giá lời khai của các bị cáo Trương Mỹ Lan, Đỗ Thị Nhàn và Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) không phù hợp với nhau. Bà Nhàn khai yêu cầu bà Lan bán tài sản để khắc phục, tất toán, thu hồi nợ tại các khoản vay sai phạm lớn. Bà Lan thì khai cuộc gặp lần thứ nhất để xác nhận tài sản đang bảo đảm cho các khoản vay tại Ngân hàng SCB có phải là tài sản của bị cáo hay không, lần thứ 2 là do Võ Tấn Hoàng Văn nhờ bà Lan gặp bà Nhàn và nói giúp kết thúc thanh tra tại Ngân hàng SCB sớm. Trong khi đó, Võ Tấn Hoàng Văn khai nghe bà Nhàn nói lại bà Nhàn hướng dẫn bà Lan tất toán khoản vay của nhóm 71 khách hàng bằng cách cho khách hàng mới vay để trả nợ cũ.

Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan lập luận: Trước thực trạng tài chính yếu kém của 3 ngân hàng gồm Ngân hàng SCB (cũ), Ngân hàng Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã vận động bà Lan tham gia vào quá trình hợp nhất 3 ngân hàng này. Theo trình bày của bà Lan, bà đã dùng các tài sản riêng thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty An Đông làm tài sản bảo đảm để 3 ngân hàng có được thanh khoản cần thiết dự phòng đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra. Trong số các tài sản bảo đảm này có khách sạn Thương mại An Đông, công trình cao ốc Liên hiệp Gia cư và Thương mại Thuận Kiều (cùng ở Q5, TPHCM).

Đến năm 2022 trở đi, Ngân hàng SCB đã xây dựng kế hoạch xử lý dứt điểm nợ xấu và tài sản tồn đọng, đa dạng hóa cổ đông với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trước khi đề án cơ cấu 2022 - 2028 được phê duyệt thì bà Lan bị khởi tố. Luật sư Hoài chỉ ra rằng khó khăn của Ngân hàng SCB sau hợp nhất bắt nguồn từ khoản vay tín dụng tồn tại của ngân hàng cũ do các khoản lỗ, nợ xấu đã tích lũy nhiều năm. Theo luật sư, bà Trương Mỹ Lan không ký bất kỳ hồ sơ vay và bảo đảm tiền vay nào. Đối với tội tham ô tài sản, luật sư Hoài cũng cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bà Lan là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn và có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt.

Về việc xác định thiệt hại của vụ án, luật sư Trương Thanh Đức đề nghị HĐXX xác định lại về giá trị tài sản để đánh giá về mức độ thiệt hại. “Bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng bao nhiêu tiền trong tổng số nợ gốc và lãi mà lại phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ 93% số tiền đó, nhất là tiền lãi?” - Luật sư này đặt vấn đề. Luật sư Giang Hồng Thanh thì cho rằng ngày 03/01/2023, Ngân hàng SCB ký hợp đồng thuê Công ty TNHH Thẩm định giá Hoàng Quân định giá tài sản của Ngân hàng SCB, mục đích để xác định giá trị thị trường của các tài sản tại thời điểm 30/9/2022. Tuy nhiên, các chứng thư thẩm định giá lại được sử dụng như kết luận giám định trong tố tụng hình sự để đánh giá thiệt hại của Ngân hàng SCB là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo luật sư Phan Trung Hoài, căn cứ vào lời khai của bà Trương Mỹ Lan về nguồn tiền các dự án mà Ngân hàng SCB đã mượn của gia đình bà Lan và bạn bè, đem cơ cấu nợ trước và trả chậm sau. Bà Lan đã phải trả thay cho Ngân hàng SCB để giữ uy tín cho bản thân. Hiện bà Lan vẫn còn nợ rất nhiều mà tất cả các dự án thì Ngân hàng SCB quản lý hết, cho nên khoản tiền gần 109.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD mà Bùi Văn Dũng (tài xế của bà Lan) vận chuyển từ Ngân hàng SCB về số 127 Pasteur (TPHCM) thực chất là tiền của bà Lan rút ra để thay Ngân hàng SCB trả nợ cho các dự án bất động sản và cổ phần mà ngân hàng này đã mượn trước đó.

Bà Trương Mỹ Lan tự bào chữa

Sau khi 5 luật sư bào chữa cho mình, bị cáo Trương Mỹ Lan tự bào chữa cho mình như sau: Bà Lan nhận một phần trách nhiệm trong vụ án này. Tuy nhiên, bà Lan chỉ kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, bạn bè bỏ tiền của, tài sản vào cơ cấu Ngân hàng SCB mà không biết người ở Ngân hàng SCB vi phạm. Quá trình hợp nhất, thực hiện đề án cơ cấu Ngân hàng SCB kéo dài 10 năm, đến năm 2016 - 2017, một số tỷ phú (bạn của 5 nhà đầu tư nước ngoài) đã bắt đầu vào Ngân hàng SCB, nhưng vì xảy ra vụ án này nên đổ bể, các tỷ phú đó liền quay lưng.

Bà Lan còn cho biết, tòa nhà số 19 Nguyễn Huệ (hội sở Ngân hàng SCB) là do mình cho Ngân hàng SCB thuê, nhưng hơn một năm nay ngân hàng chưa trả tiền thuê. Bà Lan đề nghị Ngân hàng SCB trả tiền thuê tòa nhà để bà khắc phục hậu quả. Về kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân, bà Lan cho rằng sau khi bà bị bắt, giá trị các tài sản sẽ xuống thấp; trong khi trước khi bà bị bắt thì giá trị tài sản cao hơn gấp đôi, gấp ba. Từ đó, bà Lan cho rằng kết quả định giá này gây bất lợi cho mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang