Viết tiếp vụ "Một số tình tiết mới liên quan đến vụ án bầu Kiên":

Mua bán kiểu “gia đình” gây thiệt hại hơn 80 tỷ đồng?

Thứ Năm, 08/11/2018 14:23

|

(CAO) Trung tuần tháng 10, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (AFG) tiếp tục phát hiện hành vi “chiếm đoạt” số tiền lớn của bầu Kiên khi AFG là thành viên góp vốn vào Cty TNHH Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội (ACIHN) và sở hữu 99% vốn điều lệ ACIHN.

MUA ĐẮT BÁN RẺ

ACIHN được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp Giấy CNĐKKD số 0102034007 ngày 21-3-2008 vốn điều lệ là 500 tỉ đồng, gồm 2 thành viên góp vốn là AFG (đại diện là ông Nguyễn Đức Kiên) góp 495 tỉ đồng, sở hữu 99% vốn điều lệ ACIHN và một cá nhân khác góp 5 tỉ đồng, sở hữu 1% vốn điều lệ ACIHN. Khi đó, ông Kiên là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) và là người đại diện pháp luật của ACIHN.

Khi Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành trái phiếu chuyển đổi (là loại trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu) với mệnh giá 1.000.000 đồng, tỷ lệ chuyển đổi là 1 trái phiếu bằng 100 cổ phiếu ACB. Ngày 21-2-2008, ông Kiên và một số người trong gia đình như bà Nguyễn Thúy Hương, Nguyễn Thúy Lan và bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã mua trái phiếu ACB.

Đến ngày 8-9-2008, ông Kiên ủy quyền cho một một người khác (theo Giấy ủy quyền số 01/2008-VBUQ ngày 24/3/2008) đại diện ACIHN ký 3 Hợp đồng nhận chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi với chính người nhà ông Kiên bao gồm bà Nguyễn Thúy Hương, Nguyễn Thúy Lan và bà Nguyễn Thị Kim Thanh để nhận chuyển nhượng tổng cộng 35.460 trái phiếu ACB của các cá nhân này, có tổng giá trị là 177,3 tỉ đồng.

Cụ thể là ACIHN ký Hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi đợt 2 số 253/08 với bà Nguyễn Thúy Hương nhận chuyển nhượng 10.630 trái phiếu ACB với nội dung “Giá chuyển nhượng: 5.000.000 đồng/1 trái phiếu. Tổng giá trị: 53.150.000.000 đồng”.

Ông Nguyễn Đức Kiên tại một phiên tòa

ACIHN đã thanh toán toàn bộ số tiền này vào ngày 19/12/2008. ACIHN ký Hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi đợt 2 số 254/08 với bà Nguyễn Thúy Lan để nhận chuyển nhượng 11.490 trái phiếu ACB với nội dung “Giá chuyển nhượng: 5.000.000 đồng/1 trái phiếu. Tổng giá trị: 57.450.000.000 đồng”. ACIHN đã thanh toán toàn bộ số tiền này vào ngày 19-12-2008 và ngày 24-12-2008.

ACIHN ký Hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi đợt 2 số 255/08 với bà Nguyễn Thị Kim Thanh để nhận chuyển nhượng 13.340 trái phiếu ACB với nội dung “Giá chuyển nhượng: 5.000.000 đồng/1 trái phiếu. Tổng giá trị: 66.700.000.000 đồng”. Và ACIHN đã thanh toán toàn bộ số tiền này vào ngày 19-12-2008.

Ở đây cho thấy hành vi của ông Kiên, đó là theo quy định tại Điều 59 Luật Doanh nghiệp năm 2005, thì hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan của người đại diện pháp luật (bao gồm vợ, chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện pháp luật) phải được HĐTV thông qua.

Tuy nhiên, tại thời điểm ký kết hợp đồng, ACIHN không có biên bản họp HĐTV thông qua việc mua trái phiếu ACB của người có liên quan đến ông Kiên chính là người đại diện pháp luật. Đáng nói là chính AFG với tư cách là thành viên góp 99% vốn điều lệ của ACIHN cũng không hề hay biết việc nhận chuyển nhượng trái phiếu ACB từ các thành viên gia đình ông Kiên.

HÀNG CHỤC TỶ RƠI VÀO TÚI AI?

Với kiểu mua bán “gia đình” và chính công ty do mình quản lý, điều hành như nêu trên, mua bán số trái phiếu ACB nhằm mục đích tư lợi. Ngày 8-9-2008 ACIHN mua 35.460 trái phiếu ACB từ người nhà ông Kiên với tổng giá 177,3 tỉ đồng, thì ngày 25-12-2008 chính ông Kiên lại ủy quyền cho một người khác (theo Giấy ủy quyền số 04/2008-VBUQ ngày 12-12-2008) để đại diện ACIHN tiếp tục ký Hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu chuyển đổi đợt 2 số 283/08 để bán lại toàn bộ 35.460 trái phiếu ACB này cho Cty CP Đầu tư Thương mại B&B, mà Cty B&B chẳng đâu xa lạ, chính là của gia đình ông Kiên.

Điều thấy rất rõ, là B&B “mua được” trái phiếu với giá thấp hơn nhiều khi ACIHN mua vào từ các thành viên gia đình “bầu” Kiên. Theo đó, ACIHN bán toàn bộ 35.460 trái phiếu ACB chỉ với tổng giá là 95.742.000 đồng, trong khi ACIHN phải mua từ các thành viên gia đình ông Kiên số trái phiếu này đã là 177.300.000.000 đồng.

Cụ thể hành vi này của ông Kiên thể hiện chi tiết tại Hợp đồng bán trái phiếu ACB như sau: “Giá chuyển nhượng: 2.700.000 đồng/1 trái phiếu”, trong khi đó giá khi ACIHN mua đã là 5.000.000 đồng/1 trái phiếu. “Tổng giá trị: 95.742.000.000 đồng”. Sau khi ký hợp đồng, Cty B&B đã thanh toán cho ACIHN số tiền 52.956.500.000 đồng vào ngày 25.12.2008 và thanh toán số tiền: 42.785.500.000 đồng vào ngày 30-6-2009.

Tại thời điểm ACIHN bán trái phiếu ACB cho Cty B&B, là công ty có liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên, là công ty gia đình của ông Kiên, trong khi đó chính ông Kiên vừa làm Chủ tịch HĐTV vừa là người đại diện pháp luật của ACIHN.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, thì HĐTV Cty ACIHN phải thông qua Hợp đồng, giao dịch này. Một lần nữa, ngay chính cả AFG với tư cách là thành viên góp 99% vốn điều lệ ACIHN cũng không hề biết việc chuyển nhượng “bán rẻ” này và AFG cũng không thông qua việc chuyển nhượng này.

Với cùng một số lượng trái phiếu nêu trên, mặc dù chưa được HĐTV Cty ACIHN thông qua, ông Kiên với tư cách là Chủ tịch HĐTV ACIHN và là người đại diện pháp luật đã chỉ đạo ACIHN “mua đắt - bán rẻ” trái phiếu ACB với chính công ty và người có liên quan đến ông Kiên, gây thiệt hại cho ACIHN số tiền 81.558.000.000 đồng.

Tiếp tục hành trình đi tìm công lý và vạch trần những sai phạm của bầu Kiên, đại diện phía công ty AFG cho biết đã gửi đơn tố hành vi, mua bán sang nhượng cổ phiếu trái phép cho người nhà của ông Kiên đến các cơ quan chức năng, yêu cầu điều tra làm rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang