Nhà máy đường Bình Định nợ thuế hơn 15 tỷ đồng

Thứ Tư, 15/06/2016 21:19

|

Không chỉ nợ lương, bảo hiểm hàng trăm người lao động, đến cuối tháng 5/2016, Công ty cổ phần đường Bình Định nợ các khoản thuế với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Ông Đào Hữu Phúc- Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết, đến tháng 5 năm nay, Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) nợ các khoản thuế với tổng số tiền 15,2 tỷ đồng.

Số nợ thuế năm 2014 của BISUCO khoảng 5,7 tỷ đồng.

Cục thuế tỉnh Bình Định đã tiến hành nhiều biện pháp cưỡng chế thuế đối với Bisuco, trong đó có phong tỏa tài khoản tại ngân hàng của Bisuco. Tuy nhiên, Bisuco vẫn không hoàn thành nghĩa vụ thuế. Cục thuế cũng đã quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp đình chỉ hóa đơn đối với Bisuco, tức là thông báo hóa đơn của Bisuco không còn giá trị sử dụng. Quyết định này có thời hạn thi hành từ ngày tháng 6/2016 đến tháng 6/2017.

Trụ sở Công ty cổ phần đường Bình Định - Ảnh: Tư liệu

Ông Phúc cho hay, Công ty CP Đường Bình Định bị cưỡng chế là do nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế trên 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo Công đoàn cơ sở BISUCO, hiện đơn vị có khoảng 390 cán bộ, công nhân. Công ty còn nợ tiền lương tháng 4/2016 của người lao động khoảng 1,5 tỷ đồng. Bảo hiểm xã hội chỉ đóng đến tháng 12/2015, đến tháng 5/2016 còn nợ bảo hiểm hơn 2 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn nợ tiền mua mía của nông dân khoảng 1 tỷ đồng và không có kinh phí đầu tư cho vùng nguyên liệu mía trong thời gian lâu dài.

Năm 2006, hơn 90% cổ phần của BISUCO đã được Tập đoàn Anagar Juna (Ấn Độ) mua lại. Ba năm qua, doanh nghiệp này thường xuyên nợ tiền thu mía của nông dân.

Lãnh đạo BISUCO từng giải thích, sở dĩ nợ tiền mua mía của người dân và nợ lương, bảo hiểm người lao động kéo dài là do họ dồn vốn đầu tư nhà máy quy mô lớn ở Campuchia bị thua lỗ nặng, giá sản phẩm đường giảm mạnh, các ngân hàng không cho vay thêm tiền...

Năm 2014, Bình Định từng gửi văn bản kiến nghị Bộ Ngoại giao làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ và Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP HCM, bàn giải pháp giải quyết tình hình nợ của Tập đoàn Anagar Juna với người dân trồng mía, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý nợ dứt điểm.

Thời gian qua, có thực tế là nhà máy từng thu mua mía của nông dân các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên không thanh toán tiền mặt mà trả bằng...đường.

http://news.zing.vn/nha-may-duong-binh-dinh-no-thue-hon-15-ty-dong-post657671.html

Bình luận (0)

Lên đầu trang