Kết luận việc tố cáo Giám đốc BQL dự án cao tốc 34.000 tỷ đồng

Thứ Bảy, 13/10/2018 07:53  | Hoàng Quân

|

(CAO) Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi 12-10 buộc dừng thu phí để khắc phục, sửa chữa do hư hỏng. Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm về chất lượng thi công, quản lý.

Ngày 12-10, PV ghi nhận tại một số điểm hư hỏng đã được khắc phục, sửa chữa lại trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì thấy đọng nước, bong tróc và dùng tay có thể bóc tách được các mảng thảm nhựa. Các đoạn bong tróc, ổ gà, ổ trâu, ổ voi xuất hiện chủ yếu từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ (Quảng Nam).

Các điểm sửa chữa xong lại tái hư hỏng, dễ bóc tách.

Thực tế hiện trường trùng với các nội dung mà các chuyên gia của Hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) cầu đường Đà Nẵng đã chỉ ra. Kỹ sư trưởng Trần Dân - Phó Chủ tịch Hội cho biết, các hư hỏng đã khắc phục nhưng chưa triệt để. Các ổ gà chưa được vá đúng kỹ thuật nên biến dạng, chưa tạo êm thuận, vật liệu vá chưa tương thích với vật liệu mặt đường; có xu hướng sớm hư trở lại. Nhiều đoạn vá cao hơn mặt đường, có đoạn lõm xuống.

Còn nhiều bất cập trên tuyến như độ phẳng mặt đường rất kém so với tiêu chuẩn đường cao tốc; một số đoạn gia cố mái dốc có nguy cơ sạt lở... Sự cố hy hữu trên cao tốc này lẽ ra không nên diễn ra.

Về khắc phục, sửa chữa kiểu vá đường tạm thời, ông Dân khẳng định: “Không đảm bảo về độ chặt lớp vá, độ bằng phẳng và tính liên tục. Đó làm làm ẩu, làm dối, chắp vá”. Hội KHKT cầu đường Đà Nẵng khẳng định, tuyến cao tốc chưa đạt yêu cầu để khai thác; đồng thời đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo phúc tra, yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu hoàn thiện các hạng mục mới có thể cho khai thác".

Sửa chữa cao tốc chắp vá, không đảm bảo.

Cục Quản lý đường bộ III tối 11-10 có báo cáo gửi Tổng cục Đường (Bộ Bộ GTVT) sau chuyến kiểm tra. Tại km0 đến km65, xuất hiện hư hỏng mặt đường dạng bong bật, ổ gà nằm rải rác. Có vị trí ổ gà sâu 8cm, một số vị trí mặt đường đầu cầu bị lún. Đơn vị thi công chưa cắm biển cảnh báo để phòng ngừa nguy hiểm. Việc sửa chữa, khắc phục chưa đảm bảo yêu cầu.

Trong một diến biến khác, VEC vừa có kết luận xác minh tố cáo đối với ông Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc BQL dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc VEC). Kết quả xác định, chất lượng tại gói thầu A1, A2, A3 bị phân tầng, không đảm bảo thành phần hạt trong quá trình thi công và nghiệm thu.

Trách nhiệm thuộc về tư vấn giám sát và nhà thầu. Ở gói thầu số 5, việc sử dụng mỏ đá Hương Mao không đảm bảo chỉ số Los Angeles, không đảm bảo thành phần hạt là không theo mẫu chung của dự án, trách nhiệm chính thuộc về tư vấn giám sát và Giám đốc BQL. Xuất hiện nứt dọc bê tông nhựa trên đoạn tường chắn MSE-gói 5 JICA thì Giám đốc BQL chỉ đạo nhà thầu đưa máy ra đục phá tạo rãnh biên, đã không báo cáo đến VEC để VEC biết và có phương án chỉ đạo.

Đơn thư còn tố cáo ông Thành “cho phép nhà thầu đắp đá khi chưa duyệt bảo vệ thi công, đồng thời phát sinh khối lượng đắp đá lớn (hơn 20 tỷ đồng) mà không báo cho VEC, kiểm tra hiện trường thiếu trách nhiệm”, “duyệt đường gom giá trị lớn (hơn 20 tỷ đồng) không thông qua các phòng tham mưu của Ban, cố thực hiện sai quy trình xử lý hồ sơ quy định trong quy chế Ban QLDA”…

Cao tốc 34.000 tỷ đồng hư hỏng nặng.

Kết luận xác minh cho rằng tư vấn giám sát và Giám đốc BQL phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung này, đồng thời VEC báo cáo Bộ GTVT xin chỉ đạo.

Tổng Giám đốc VEC yêu cầu Giám đốc BQL dự án chỉ đạo nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát rà soát những tồn tại trên toàn dự án và đề xuất xử lý triệt để trong giai đoạn bảo hành công trình; yêu cầu các nhà thầu thi công (gói 5, A1), tư vấn giám sát (JICA, WB) thực hiện nghiêm túc các quy định kỹ thuật trong hợp đồng và chịu trách nhiệm về an toàn công trình kể cả sau thời gian hết bảo hành theo đúng quy định của pháp luật.

Tổng Giám đốc VEC yêu cầu Giám đốc BQL dự án chỉ đạo các nhà thầu hoàn thành sửa chữa trước ngày 16-10-2018. Tại buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Tiến Thành từ chối cung cấp tên các nhà thầu thi công tại các gọi thầu để xảy ra hư hỏng đường với lý do "nhạy cảm", ảnh hưởng đến uy tín nhà thầu thi công.

Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc BQL dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc VEC).

Tuy nhiên theo tìm hiểu, dự án chia làm 13 gói thầu, việc hư hỏng đường xảy ra chủ yếu  tại các gói thầu của các đơn vị thi công như: Tổng Công ty XD CTGT 1,5 (CIENCO1, CIENCO5, CIENCO6), Vinaconex, Coico703, Trường Sơn - Vạn Cường....

Ông Thành khẳng định: "Các nhà thầu Trung Quốc chủ yếu thi công các gói thầu từ TP.Tam Kỳ đến Quảng Ngãi và trên đoạn này ít xảy ra hư hỏng hơn. Cơ bản các nhà thầu đều có uy tín và năng lực" (!?)

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang