Nước mắm: tiêu chuẩn một đằng, ghi nhãn một nẻo

Thứ Hai, 10/10/2016 18:00

|

(CAO) Nhiều loại nước mắm hiện ghi nhãn bao bì theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen” khiến người tiêu dùng dễ bị hiểu lầm và khó khăn trong việc phân biệt, chọn lựa các loại nước mắm.

Thông tin trên được các doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo “Nước mắm - Bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống” do Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp với Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức ngày 10-10.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, với tổng giá trị 7.200 - 7.500 tỷ đồng. Ngoài nước mắm truyền thống, hiện trên thị trường còn có nhiều sản phẩm nước mắm có bổ sung thêm nhiều thành phần khác ngoài cá và muối, nên thường có hàm lượng đạm thấp, khoảng 10 độ đạm, thậm chí có loại chỉ 4 độ đạm.

Những sản phẩm này thường có hình thức bắt mắt, giá thành lại thấp cộng với hoạt động truyền thông, tiếp thị rầm rộ nên dễ dàng thu hút người tiêu dùng. Điều này đã gây sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất nước mắm theo phương pháp truyền thống.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang, mặc dù nhà nước đã ban hành các quy định về tiêu chuẩn nước mắm. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây việc sử dụng tên gọi rất lộn xộn làm cho người tiêu dùng không phân biệt được nước mắm và nước chấm.

Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm nước mắm, nước chấm đóng chai công bố chất lượng hoặc giá trị dinh dưỡng theo nhiều cách khác nhau, gây sự ngộ nhận và khó hiểu đối với người tiêu dùng.

Cụ thể, cách truyền thống lâu nay bắt buộc phải công bố là đạm toàn phần gam nitơ/lít. Nhưng hiện có nhiều sản phẩm chỉ công bố giá trị dinh dưỡng theo gram protein, đặc biệt là công bố số gram protein trên 100 ml chứ không phải cho 1 lít như thông lệ.

Việc đăng thông tin không rõ ràng khiến nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống gặp bất lợi

Việc không thống nhất cách ghi giữa đạm toàn phần hay gram protein càng làm cho thị trường nước mắm và nước chấm thêm lộn xộn, người tiêu dùng muốn tìm hiểu phải làm bài toán so sánh vô cùng phức tạp. Nguy hiểm hơn một số nhà sản xuất có dụng ý đánh lừa người tiêu dùng về độ đạm thực sự của sản phẩm khi đối chiếu với cách ghi như truyền thống lâu nay. Đơn cử như có trường hợp doanh nghiệp ghi nhãn 25 gam protein/lít dễ gây hiểu nhầm là 25 độ đạm, nhưng thực chất chỉ khoảng 4 độ đạm.

Thực trạng này đã tạo ra những sức ép cạnh tranh rất lớn cho các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống. Theo đó, cách đây 5 năm, Hiệp hội nước mắm Nha Trang có 29 thành viên, đến nay chỉ còn 18 thành viên, năng lực sản xuất từ 25 triệu lít giảm xuống còn 15 triệu lít.

Do đó, các doanh nghiệp cho rằng Nhà nước cần ban hành quy chuẩn về nước mắm, trong đó cần có định nghĩa về nước mắm phân loại nước mắm truyền thống và không truyền thống, phân hạng các loại nước mắm dựa trên tiêu chuẩn Việt Nam đã có. Đồng thời phân loại cụ thể những sản phẩm khác không theo tiêu chuẩn Việt Nam 5107:2003 có hàm lượng Nitơ toàn phần < 10 g/l thì có tên gọi là gì.

Theo các doanh nghiệp, điều quan trọng khi xây dựng quy chuẩn nước mắm nên tham khảo thực tế của nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, tránh việc quy định các tiêu chuẩn quá xa thực tế gây khó khăn cho việc bảo tồn và phát triển cho ngành nước mắm truyền thống tại Việt Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang