(CAO) Ngày 12-1-2018, TAND TPHCM tiếp tục ngày thứ 5 phiên xử vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến thiệt hại 6.630 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB) gửi tại 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank.
Hội đồng xét xử tiếp tục kiểm tra hành vi của ban lãnh đạo hội sở BIDV và những người liên quan trong số tiền 4.700 tỷ đồng Phạm Công Danh vay tại ngân hàng này.
Ông Đoàn Ánh Sáng, đại diện BIDV cho biết, thời điểm đó ông là Phó Tổng giám đốc BIDV. Phạm Công Danh - Chủ tịch HĐQT VNCB đến BIDV Hà Nội gặp lãnh đạo BIDV đặt vấn đề cho các doanh nghiệp của mình vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD). Phạm Công Danh cũng nói rõ các công ty do mình giới thiệu nếu không có đủ tài sản đảm bảo thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình đế cầm cố, thế chấp, đảm bảo khoản vay theo quy định của BIDV. Ông Sáng nói rằng, BIDV không cấp gói tín dụng 4.700 tỷ đồng cho Phạm Công Danh hay Phan Thành Mai mà là cho các công ty vay.
Tại tòa, ông Đoàn Ánh Sáng cho biết việc cho vay không làm ngược quy trình. Trách nhiệm của ông là chưa kiểm soát được cấp dưới trong việc quản lý khoản vay.
Phạm Công Danh đến tòa
Cũng tại tòa, bị cáo Hoàng Long Hà, nguyên Phó giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định, đồng ý cơ bản các hành vi cáo trạng quy buộc nhưng cho rằng không xử lý hồ sơ. Riêng đối với Công ty Phong Hiệp chỉ giải ngân 115 tỷ đồng trong tổng số 325 tỷ đồng. Hoàng Long Hà khai không biết Trần Hiệp - Giám đốc Công ty Phong Hiệp, đồng thời là thành viên HĐQT VNCB.
Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng khách hàng 1, BIDV chi nhánh Gia Định cho rằng mình chịu trách đề xuất và giải ngân nhưng không có vai trò quyết định. Bị cáo không phát hiện Trần Hiệp - Giám đốc Công ty Phong Hiệp, đồng thời là thành viên HĐQT VNCB. Và thừa nhận có sơ suất trong quá trình thẩm định khách hàng.
Riêng Nguyễn Quốc Bảo - nguyên chuyên viên Phòng khách hàng 1, BIDV chi nhánh Gia Định cho rằng, hành vi của bị cáo không phải là cố ý làm trái mà chỉ là sai sót. Khi hồ sơ vay từ hội sở BIDV chuyển về đã kiểm tra nên bị cáo chỉ xem xét trên hồ sơ, không thẩm định thực tế, đây là sai sót.
Cũng tại tòa sáng nay, Phạm Công Danh xác nhận lời khai của các thuộc cấp là đúng. Theo đó, VNCB không có nguyện vọng tăng vốn mà đây là yêu cầu của NHNN. Do vướng hạn mức tín dụng, tăng trưởng tín dụng, NHNN yêu cầu không được giảm mà phải tăng vốn. Phạm Công Danh trình bày: "Nếu như NHNN không thúc ép thì chúng tôi đã không thực hiện hành vi sai trái này. Nếu nói về lý thì chúng tôi sai, nhưng trong hoàn cảnh đó, chúng tôi không còn cách nào khác".
Trước áp lực tăng vốn nên Phạm Công Danh đã tìm đủ mọi cách. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Phạm Công Danh, các thuộc cấp đã chuẩn bị hồ sơ, phương án vay vốn, dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV để cầm cố, bảo lãnh cho cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng để mua vật liệu xây dựng.
Sau khi khoản vay được giải ngân về tài khoản các công ty. Từ đó chuyển tiếp đến tài khoản nhiều cá nhân là nhân viên của Thiên Thanh mở tại các ngân hàng: ACB, VCB, BIDV và MSB để chuyển đến tài khoản 3 công ty: Phong Hiệp, Quốc Thắng, Đại Long là 4.000 tỷ đồng sử dụng cho việc tăng vốn điều lệ VNCB dưới danh nghĩa cổ đông góp vốn mua cổ phần tăng thêm; 623,528 tỷ đồng chuyển trả nợ vay Công ty Hải Tiến và 76,472 tỷ đồng trả lãi khoản vay tại chính ngân hàng BIDV.