Vụ án liên quan FLC: Truy tố 50 bị can về các tội lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán...

Thứ Tư, 10/04/2024 09:47

|

(CATP) Sáng 09/4/2024, Viện KSND Tối cao vừa công bố cáo trạng vụ án hình sự "thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán", liên quan vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn FLC (gọi tắt là Tập đoàn FLC) và các đơn vị khác liên quan.

Chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của nhà đầu tư

Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, có 50 bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS, Công ty CP Xây dựng FLC Faros (gọi tắt là Công ty Faros, có mã cổ phiếu là ROS) và các công ty liên quan thuộc "hệ sinh thái" của Tập đoàn FLC, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Bị can Trịnh Văn Quyết (nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC) bị truy tố về 2 tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán.

Theo cáo trạng, bị can Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo cấp dưới nâng khống vốn góp chủ sở hữu của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên tới 4.300 tỷ đồng. Sau đó, các bị can "bắt tay" với công ty kiểm toán để hoàn thiện hồ sơ, đăng ký cho cổ phiếu ROS giao dịch trên Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE). Khi cổ phiếu được lên sàn, Chủ tịch Tập đoàn FLC chỉ đạo "xả bán", qua đó chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao xác định, để cổ phiếu ROS (hình thành từ vốn nâng khống) được niêm yết trên sàn HOSE, bị can Trịnh Văn Quyết được tiếp tay bởi nhiều lãnh đạo của sàn giao dịch chứng khoán này. Có 4 bị cáo là nguyên lãnh đạo HOSE cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Trần Đắc Sinh (nguyên Chủ tịch HĐQT), Lê Hải Trà (nguyên Tổng giám đốc, Ủy viên HĐQT, thành viên độc lập Hội đồng niêm yết), Trầm Tuấn Vũ (nguyên Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết), Lê Thị Tuyết Hằng (nguyên Giám đốc Phòng Quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên Hội đồng niêm yết).

Cơ quan công an khám xét trụ sở Tập đoàn FLC

Tạo điều kiện để niêm yết cổ phiếu ROS trái luật

Viện KSND Tối cao cho biết, theo quy chế hoạt động của HĐQT và Hội đồng niêm yết sàn HOSE, việc thẩm định chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros không thuộc thẩm quyền của HĐQT. Bị can Trần Đắc Sinh biết báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Faros không phù hợp vì phạm vi lưu ý lớn, không đủ cơ sở để xác định số vốn đã thực góp là 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có mối quan hệ với Trịnh Văn Quyết và Doãn Văn Phương (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, đã bỏ trốn), được hai người này nhiều lần nhờ giúp đỡ, muốn tạo điều kiện cho cổ phiếu ROS được niêm yết, Trần Đắc Sinh đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng tạo điều kiện để sớm niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros.

Khi Công ty Faros chưa bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định, bị can Trần Đắc Sinh đã tổ chức họp HĐQT quyết định về hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp này. Tại cuộc họp, Trần Đắc Sinh cùng các thành viên thống nhất chấp thuận niêm yết và ký ban hành nghị quyết chấp thuận hồ sơ của Công ty Faros đủ điều kiện niêm yết, đồng thời giao Tổng giám đốc HOSE ký quyết định niêm yết cổ phiếu ROS trái pháp luật.

Đối với nhóm bị can nguyên là lãnh đạo HOSE còn lại, Viện KSND Tối cao xác định: Bị can Lê Hải Trà cũng quen biết Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và biết rõ không đủ cơ sở xác định số vốn thực góp của Công ty Faros. Thế nhưng Lê Hải Trà đã gây sức ép với chuyên viên HOSE để đề xuất chấp thuận hồ sơ niêm yết của Công ty Faros, trong khi chưa đủ cơ sở xác định vốn góp, sử dụng vốn và khả năng thu hồi các khoản ủy thác đầu tư của doanh nghiệp. Bị can này còn là thành viên Hội đồng niêm yết, ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros. Lê Hải Trà còn tham gia họp HĐQT, đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trái pháp luật.

Từ trái qua: Trần Đắc Sinh, Trịnh Văn Quyết, Lê Hải Trà

Cáo trạng xác định bị can Trầm Tuấn Vũ là người chịu trách nhiệm thẩm định hồ sơ niêm yết của Công ty Faros, được cấp dưới báo cáo chưa đủ cơ sở xác định vốn góp, sử dụng vốn và khả năng thu hồi các ủy thác đầu tư của công ty này. Tuy nhiên, với tư cách thành viên Hội đồng niêm yết và Phó Tổng giám đốc HOSE, Trầm Tuấn Vũ đã ký phiếu đồng ý niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trên sàn chứng khoán trái pháp luật.

Người cuối cùng là bị can Lê Thị Tuyết Hằng chịu trách nhiệm trực tiếp thẩm định hồ sơ niêm yết của Công ty Faros. Bị can này được chuyên viên báo cáo và cũng biết rõ chưa đủ cơ sở xác định vốn góp của Công ty Faros, nhưng theo chỉ đạo của Trần Đắc Sinh nên vẫn ký tờ trình đề xuất cổ phiếu của Công ty Faros đủ điều kiện niêm yết. Lê Thị Tuyết Hằng còn trình Trầm Tuấn Vũ xin ý kiến Hội đồng niêm yết, HĐQT chấp thuận niêm yết cổ phiếu của Công ty Faros trái pháp luật. Hành vi của bị can Hằng đã giúp sức, tạo điều kiện để cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán, từ đó Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện việc thao túng thị trường chứng khoán của Tập đoàn FLC thể hiện qua 2 hành vi. Thứ nhất là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lập và ký khống hồ sơ góp vốn tại Công ty Faros, nâng khống 3.102 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, bị can Trịnh Văn Quyết hợp thức hóa hồ sơ để cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán chấp nhận đăng ký chữ ký, từ đó thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng.

Thứ hai là hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Bị can Trịnh Văn Quyết chỉ đạo mượn giấy tờ cá nhân của 45 người thân trong gia đình, lập khống 20 công ty nhưng không hoạt động kinh doanh, sử dụng danh nghĩa pháp nhân để mở 500 tài khoản chứng khoán nhằm thao túng thị trường chứng khoán. Thủ đoạn thao túng là liên tục mua bán cùng một loại chứng khoán, mua bán khớp lệnh nội nhóm để không dẫn đến chuyển nhượng sở hữu; đặt nhiều lệnh mua bán để chi phối thị trường tại thời điểm mở và đóng cửa; đặt lệnh mua bán rồi sau đó hủy nhằm tạo cung cầu giả và lừa nhà đầu tư mua theo.

Trong vụ việc trên, cơ quan chức năng đã thiếu kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc góp vốn điều lệ tại các doanh nghiệp, khiến hiện tượng thao túng chứng khoán không bị kiểm tra, giám sát, dẫn đến việc khai khống; thiếu kiểm soát việc mở tài khoản chứng khoán, để mở tài khoản chứng khoán rất dễ dàng, nhờ người khác đứng tên và mở nhiều tài khoản. Cạnh đó, chế tài xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm, cũng như quy định liên quan đến công tác quản lý nhà nước về kiểm soát chất lượng và dịch vụ kiểm toán, trách nhiệm cá nhân ở các vị trí này chưa cụ thể, còn lỏng lẻo. Đặc biệt, còn thiếu kiểm soát mạng xã hội, thực tế một số đối tượng lợi dụng hội, nhóm kín để hô hào, lôi kéo nhà đầu tư, điều khiển và thao túng. Ngoài ra, chưa có quy định, hướng dẫn làm cơ sở cho việc xác định thiệt hại cho nhà đầu tư trong quá trình tham gia giai đoạn chứng khoán bị thao túng.

Trước thực tế này, cơ quan chức năng đã phối hợp "bịt lỗ hổng". Hy vọng thời gian tới thị trường chứng khoán sẽ phát triển lành mạnh, tốt hơn. Cơ quan Công an cũng gửi thông điệp đến những người chơi chứng khoán là không nên lợi dụng sơ hở để thao túng thị trường chứng khoán. Nếu còn cá nhân, tổ chức nào tiếp tục có thủ đoạn thao túng thị trường chứng khoán thì sẽ xử lý theo quy định.

Viện KSND Tối cao quyết định truy tố ra trước TAND TP.Hà Nội để xét xử các bị can sau:

- Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Tuân, Nguyễn Thị Hồng Dung cùng về 2 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán.

n Đỗ Như Tuấn, Đỗ Quang Lâm, Nguyễn Văn Thanh, Đàm Mai Hương, Nguyễn Bình Phương, Hoàng Thị Thu Hà, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Thành Vinh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Tân Sơn, Trần Thế Anh, Đặng Thị Hồng, Lê Văn Sắc, Trương Văn Tài, Nguyễn Minh Điểm, Trịnh Thị Út Xuân, Phạm Thanh Hương, Phạm Thị Hải Ninh, Nguyễn Thiện Phú, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Lê Văn Tuấn, Trần Thị Hạnh cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ, Lê Thị Tuyết Hằng cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

- Nguyễn Quỳnh Anh, Chu Tiến Vượng, Nguyễn Thị Thanh Phương, Bùi Ngọc Tú, Nguyễn Thị Thu Thơm, Quách Thị Xuân Thu, Trần Thị Lan, Trịnh Văn Nam, Trịnh Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Nga, Hoàng Thị Huệ, Đỗ Thị Huyền Trang, Nguyễn Quang Trung cùng về tội thao túng thị trường chứng khoán.

- Lê Công Điền, Dương Văn Thanh, Phạm Trung Minh cùng về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Viện KSND Tối cao phân công Viện KSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bình luận (0)

Lên đầu trang