Vụ Cty tài chính cao su bị nhân viên ‘cuỗm’ gần 45 tỉ đồng ‘nướng’ vào sòng bạc: Viện kiểm sát hai lần kháng nghị

Chủ Nhật, 07/08/2016 10:17  | Văn Cương

|

(CAO) Đáng chú ý trong hai quyết định kháng nghị, Viện kiểm sát đã đề nghị thay đổi tội danh đồng thời tăng hình phạt đối với nguyên Tổng giám đốc và Thủ quỹ Công ty Tài chính Cao su (TCCS). 

Giả nhân viên ngân hàng lừa mua thiết bị 'xịn' chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng

Đây là hai mắc xích quan trọng nhất trong vụ án nhưng chỉ bị quy kết “thiếu trách nhiệm” rồi hưởng án phạt nhẹ nhàng. Trong khi đó, nhiều cán bộ của công ty bị vạ lây, nhận mức án nặng, dẫn đến kêu oan.

“RÚT RUỘT” CÔNG TY BẰNG CHỮ KÝ NGƯỜI BÁN VÉ SỐ DẠO (!)

Theo hồ sơ vụ án, công ty TCCS (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có chức năng nhận tiền gửi, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn; cho vay ngắn, trung, dài hạn…Từ một doanh nghiệp có tên tuổi, phải “khai tử”, nhiều gia đình cán bộ tan nát, tất cả chỉ vì một nhân viên tín dụng sệt máu “đỏ đen” (!).

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Trần Quốc Hoàng (SN 1978, ngụ Hoàng Diệu, P8, Q4, TP.HCM) được tuyển dụng làm nhân viên Phòng Tín dụng Công ty TCCS từ tháng 5-2004. Học hành bày bản (tốt nghiệp Khoa Tài chính tín dụng Đại học Ngân hàng TP.HCM) nhưng Hoàng lại rất mê sát phạt, nhiều lần bỏ công việc sang tận Campuchia và Singapore đánh bạc thua cháy túi.

Để có tiền nướng vào sòng bạc, Hoàng đã mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của thân nhân, bạn bè dùng làm tài sản thế chấp để vay của Công ty TCCS. Với “kinh nghiệm” nhiều năm, không khó để Hoàng làm giả nhiều hồ sơ vay do đứng tên người có sổ đỏ; riêng chữ ký của khách hàng vay thì Hoàng nhờ một số người bán vé số dạo “quẹt” giúp!.

Nguyễn Thị Lệ Hằng và Lê Anh Tuấn cùng kêu oan

Các hồ sơ vay do Hoàng lập đều không đầy đủ, trong đó thiếu hợp đồng thế chấp tài sản đã được công chứng (buộc phải có). Tuy nhiên, khi mang trình hai “sếp” Vương Đáng - Trưởng phòng Tín dụng (bị can trong vụ án, đã qua đời trước khi hầu tòa) và Phan Minh Anh Ngọc - Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty TCCS, Hoàng nói dối những khách hàng vay là thân nhân của mình, do bận việc chưa đi làm đầy đủ thủ tục nên Hoàng làm đề xuất cho giải ngân trước, hoàn tất hồ sơ sau.

Sai mồn một như vậy, ông Đáng vẫn vô tư ký giấy đề xuất; còn TGĐ Ngọc thì thoải mái ký duyệt cho vay và giải ngân vô điều kiện! Có chữ ký của hai “sếp”, Hoàng đưa hồ sơ đến Phòng Kế toán làm thủ tục chi tiền. Để được giải ngân, Hoàng phải qua được “cửa gác” cuối cùng là thủ quỹ công ty. Thay vì phải chi đúng tên khách hàng đứng tên vay tiền thì thủ quỹ Võ Thị Hoàng Hồng lại tin tưởng tuyêt đối đồng nghiệp, dễ dàng mang tiền của công ty cho vào túi Hoàng (!) “Ẵm” tiền xong, Hoàng liền tìm những người bán vé số dạo nhờ họ ký tên vào các phiếu chi (phần khách hàng nhận tiền) rồi mang nộp lại cho thủ quỹ!

Với thủ đoạn trên Hoàng đã mượn 14 sổ đỏ, lập 21 bộ hồ sơ tín dụng giả, chiếm đoạt của Công ty TCCS tổng số tiền 44,43 tỷ đồng.

Bản án sơ thẩm ngày 4-6-2015 của TAND TP.HCM, tuyên phạt Trần Quốc Hoàng tù chung thân vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị quy kết tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt đông của các tổ chức tín dụng” (khoản 3 Điều 179 BLHS), các bị cáo Đặng Thị Kim Anh (Kế toán trưởng) bị xử 7 năm tù; Nguyễn Thị Lệ Hằng (Phó phòng kế toán) 5 năm tù; Lê Anh Tuấn và Nguyễn Hồng Hải (kế toán tín dụng), Trần Thị Thu Hiền (kế toán kho quỹ) mỗi người 4 năm tù.

 Tổng giám đốc Cty Phan Minh Anh Ngọc

Trong khi đó, TGĐ Phan Minh Anh Ngọc - người đóng vai trò quyết định trong việc cho vay và giải ngân chỉ bị quy kết tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước”, nhận mức án 5 năm tù. Cùng tội danh với “sếp” Ngọc, bị cáo Võ Thị Hoàng Hồng lĩnh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

QUÁ NHIỀU BẤT THƯỜNG CẦN ĐƯỢC LÀM RÕ

Với hành vi phạm tội của Trần Quốc Hoàng, án chung thân giành cho bị cáo này là không có gì bàn cãi. Vấn đề đặt ra là tội danh cũng như mức án dành cho các bị cáo còn lại, nhất là TGĐ và Thủ quỹ.

Sau khi án tuyên, ngày 18-6-2015 Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.HCM ra kháng nghị, đề nghị xử TGĐ Phan Minh Anh Ngọc tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt đông của các tổ chức tín dụng” (khoản 3 Điều 179 BLHS), đồng thời tăng hình phạt đối với bị cáo này cùng một số bị cáo khác. Đến ngày 3-7-2015, VKSND cấp cao tại TP.HCM có tiếp kháng nghị, theo hướng: Võ Thị Hoàng Hồng phạm tội theo khoản 3 Điều 179 BLHS; không cho bị cáo này hưởng án treo. Bị cáo Hồng 33 lần phát tiền vay tổng cộng 43,4 tỷ đồng nhưng không giao trực tiếp cho người có tên trên phiếu chi, mà lại giao toàn bộ cho Hoàng. Tội của Hồng có mức án từ 7 đến 15 năm nhưng tòa sơ thẩm cho hưởng án treo là trái luật.

Theo dõi vụ án, ông Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa hình sự TAND tối cao nêu ý kiến: Trong vụ án này, bị cáo Trần Quốc Hoàng đã lợi dụng chức vụ, tạo dựng các hoạt động cho vay giả nhằm chiếm đoạt tài sản của đơn vị. Đối với Nguyễn Thị Lệ Hằng và Lê Tuấn Anh, hai bị cáo là kế toán, có nhiệm vụ giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng mà TGĐ đã quyết định cho vay nên bản thân các bị cáo không chịu trách nhiệm về các sai lầm của Phòng tín dụng cũng như của TGĐ công ty. Việc này đã được Thanh tra Ngân hàng Nhà nước kết luận rõ nhưng chưa được các cơ quan tố tụng xem xét. Mặt khác, trong vụ án còn ba kế toán tín dụng khác cũng lập phiếu chi nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều đó đặt ra vấn đề là các cơ quan bảo vệ pháp luật cần áp dụng pháp luật thống nhất, đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội.

Bên cạnh hai kháng nghị, nhiều bị cáo đã có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; riêng Nguyễn Thị Lệ Hằng và Lê Anh Tuấn thì kêu oan. Bị cáo Hằng và Tuấn cho rằng: hai người không có thẩm quyền và vai trò gì trong hoạt động tín dụng của công ty; bản thân chỉ là cán bộ phòng kế toán, có nhiệm vụ cập nhật sổ sách chứng từ thu chi theo phân công.Trên thực tế, cả hai hoàn toàn không tiếp xúc khách hàng vay vốn, không đề xuất hay lập hồ sơ cho vay cũng như giải ngân. Việc lập phiếu là trách nhiệm của phòng kế toán sau khi hồ sơ vay đã hoàn tất theo quy định của công ty. Hơn nữa, việc lập các phiếu chi cũng không dẫn đến thiệt hại cho công ty nếu thủ quỹ chi tiền đúng đối tượng.

Sau nhiều lần tạm hoãn, vụ án sẽ được TAND cấp cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm dự kiến trong tháng 8-2016.

Bình luận (0)

Lên đầu trang