Những chính sách có hiệu lực từ tháng 9

Thứ Sáu, 01/09/2017 06:22

|

(CAO) Người nuôi chó mèo có thể bị phạt nặng; phạt 50 triệu đồng khi phát sai dự báo thiên tai; lập kênh tố giác phòng - chống bạo lực học đường; sửa đổi tiêu chí đánh giá viên chức; Quy định chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng,... là các chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 9-2017.

Người nuôi chó có thể bị phạt 600.000-800.000 đồng

Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ, từ ngày 15-9, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ có hiệu lực. Trong đó, chủ nuôi sẽ bị phạt nặng nếu đưa con vật đến nơi công cộng.

Cụ thể, đối với chủ nuôi chó nhưng không rõ mõm, không xích giữ khi đưa con vật đến nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng. Trong trường hợp chủ nuôi chó, mèo nhưng không tiêm phòng bệnh dại cũng sẽ chịu mức phạt như trên.

Người nuôi chó có thể bị phạt 600.000-800.000 đồng - Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức - cá nhân phải chịu hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tối đa vi phạm hành chính về thú ý đối với cá nhân là 50 triệu đồng và đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Trước đó, theo quy định cũ, Chi cục Thú y bắt giữ được chó chạy rông thì chủ nuôi bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng về hành vi 'thả rông động vật nuôi trong Thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

Phát sai dự báo thiên tai bị phạt tới 50 triệu đồng

Theo Nghị định 84 sửa đổi, bổ sung của Nghị định 173/2013; người truyền, phát bản tin cảnh báo thiên tai - khí tượng chậm hoặc sai có thể bị phạt từ 20-50 triệu đồng. Quy định mới về 'xử phạt hành chính trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ', có hiệu lực từ ngày 10-9-2017.

Việc truyền, phát sai lệch bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thuỷ văn sẽ bị phạt từ 40-50 triệu đồng; bản tin chậm so với thời gian quy định bị phạt từ 20-30 triệu đồng. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng bị tăng nặng.

Người truyền, phát bản tin cảnh báo thiên tai - khí tượng chậm hoặc sai có thể bị phạt từ 20-50 triệu đồng.

Trước đó quy định cũ chỉ tước quyền sử dụng giấy phép 3-12 tháng, nhưng với Nghị định 84 giấy phép bị tước quyền sử dụng 3-24 tháng. Đồng thời, các đơn vị hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn không giấy phép sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng (Nghị định 173) nhưng theo Nghị định mới thì mức phạt tăng lên 25-30 triệu đồng.

Ngoài ra đối với hành vi ban hành bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn 3 lần liên tiêp trong tháng không đủ độ tin cậy; Nghị định 84 bổ sung mức phạt từ 3-5 triệu đồng.

Đối với các đơn vị không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật về dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn hoặc không tuân thủ quy trình kỹ thuật, quy trình đánh giá chất lượng trong dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn cũng sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng.

Phòng, chống bạo lực học đường thông qua kênh tố giác

Liên quan đến việc phòng chống bạo lực học đường, Nghị định 80/2017/NĐ-CP (ngày 17/7/2017) của Chính Phủ về môi trường giao dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong học đường sẽ có hiệu lực từ ngày 5-9-2017.

Ảnh minh hoạ

Nghị định yêu cầu các cơ sở giáo dục, cơ quan liên quan công khai các kênh tiếp nhận thông tin và tố giác việc bạo lực học đường. Song song đó, người học phải được giáo dục và tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, thực hiện phương pháp giáp dục tích cực, không bạo lực với người học,...

Đối tượng áp dụng là tất cả cơ sở giáo dục có người học dưới 18 tuổi.

Sửa đổi tiêu chí đánh giá viên chức

Nghị định số 88/2017/NĐ-CP (ngày 27/7/2017) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP (ngày 9/6/2015) của Chính phủ về việc 'đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức'; có hiệu lực từ 15-9-2017.

Theo Nghị định số 88 sửa đổi tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ, bỏ yêu cầu đáp ứng tiêu chí: có ít nhất 01 công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng; mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn, nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận.

Đồng nghĩa, đối với viên chức được đánh giá ở mức hoành thành xuất sắc nhiệm vụ mới đáp ứng tiêu chí về công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến,....

Quy định chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ở nước ngoài

Từ 25-9-2017, Nghị định 93/2017/NĐ-CP (ngày 07/8/2017) có hiệu lực về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang